Băng tan sẽ làm lộ căn cứ bí mật đầy nguy hiểm của quân đội Mỹ
Bí ẩn này khi lộ ra có thể đặt ra một mối nguy “đa quốc gia, đa thế hệ”, các chuyên gia cảnh báo.
Sự nóng lên toàn cầu khiến băng tan có thể để lộ một căn cứ hạt nhân của Mỹ
Một căn cứ hạt nhân bí ẩn của Mỹ có thể sẽ bị lộ vì băng tan ở Greenland – một đảo quốc Bắc Cực - do sự nóng lên toàn cầu, các chuyên gia vừa cảnh báo.
Chất thải độc hại dự kiến sẽ rò rỉ ra biển nếu băng tiếp tục tan chảy xung quanh Trại Thế Kỷ (Camp Century) - cơ sở nghiên cứu của quân đội Mỹ đã ngừng hoạt động vào thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh năm 1967.
Căn cứ này là nơi chứa máy phát điện hạt nhân di động đầu tiên trên thế giới khi nó mở cửa vào năm 1959. Lúc đó, 200 binh sĩ được điều động đến căn cứ, nơi sở hữu mạng lưới đường hầm dài 3km chôn bên dưới các chỏm băng khổng lồ, theo Independent.
Thời đó, Greenland vẫn còn là lãnh thổ của Đan Mạch. Nhưng ngay cả chính phủ Đan Mạch cũng không được thông báo về mục đích thực sự của cơ sở này: Dự án Iceworm. Dự án có mục đích bắn tên lửa hạt nhân qua các đường hầm dưới băng, nhằm vào các nước thuộc Liên bang Xô Viết.
Ảnh chụp một cổng vào Trại Thế Kỷ ở Greenland
Theo tờ Guardian, quân đội Mỹ ấp ủ kế hoạch bí mật nhằm xây dựng mạng lưới đường hầm rộng lớn bắt nguồn từ Camp Century, nơi có thể chứa 600 tên lửa có khả năng tấn công Moscow trong khoảnh khắc.
Dự án Iceworm đã bị dừng lại vì sự không ổn định của băng, và Camp Century sau đó đã đóng cửa. Nhưng khoảng 9.200 tấn chất thải hóa học được tin là vẫn nằm dưới lớp băng cho đến ngày nay.
Các nhà nghiên cứu tin rằng “hàng tấn" chất polyclorinated biphenyl (PCBs), chất gây ung thư cho con người, có thể bị rò rỉ sau khi băng tan.
Chất thải được chôn bên dưới lớp băng dày 35 mét, nhưng một nghiên cứu trên tạp chí Geophysical Research Letters tuyên bố sự nóng lên toàn cầu có thể làm số băng này tan hoàn toàn trong vòng 75 năm.
Trại Thế Kỷ được xây dựng để bắn tên lửa hạt nhân qua các đường hầm dưới băng, nhằm vào các nước thuộc Liên bang Xô viết trong thời Chiến tranh Lạnh
Nghiên cứu cho biết lượng chất thải này có thể gây căng thẳng cho mối quan hệ Mỹ, Greenland và Đan Mạch, đặt ra vấn đề "đa quốc gia, đa thế hệ".
Phản ứng trước nghiên cứu này, Lầu Năm Góc nói rằng chính phủ Mỹ sẽ "làm việc với chính phủ Đan Mạch và các nhà chức trách Greenland để giải quyết các vấn đề về an ninh chung".
Dự án Iceworm được tiết lộ lần đầu năm 1977, khi Viện chính sách đối ngoại Đan Mạch đưa ra một bản báo cáo về Chiến tranh lạnh.
Nhờ hạn hán, người dân và du khách mới có cơ hội một không hai để chứng kiến di tích cổ này.