3 nước cờ "hiểm" TQ có thể đi sau phán quyết Biển Đông

Nhiều chuyên gia nhận định, Trung Quốc có thể dấn những bước đi ngang ngược hơn để phản ứng phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực Quốc tế về vụ kiện Biển Đông.

3 nước cờ "hiểm" TQ có thể đi sau phán quyết Biển Đông - 1

Báo chí Trung Quốc ngang ngược chối bỏ phán quyết của tòa án PCA.

Ngày 12.7 được coi là thời điểm lịch sử trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, khi  Tòa Trọng tài thường trực Quốc tế (PCA) bác bỏ cái gọi là “quyền lịch sử”, “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố. Thậm chí, PCA còn chỉ ra bằng chứng cho thấy Trung Quốc tận diệt hải sản ở Biển Đông và phá hoại môi trường sinh thái khu vực.

Phán quyết mang tính lịch sử nhưng lại không có công cụ để buộc Trung Quốc thực thi. Ngay sau khi phán quyết được công bố, truyền thông Trung Quốc rầm rộ lên tiếng phản đối kết quả này. Tờ Nhân dân Nhật báo viết “đây là một tờ giấy bỏ đi không có giá trị pháp lý”.

Ngày 13.7, trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, cụm từ được rao giảng nhiều nhất là “Phán quyết Nam Hải”, trong đó đại đa số lên tiếng không thừa nhận phán quyết của tòa quốc tế. Những hình ảnh với dòng chữ “Trung Quốc – một chút cũng không thiếu” và đường 9 đoạn ngang ngược được đăng tải đầy rẫy các phương tiện truyền thông. Các ngôi sao Trung Quốc cũng thể hiện lòng yêu nước mù quáng bằng việc thay ảnh đại diện và phát ngôn xuyên tạc sự thật.

Tuy nhiên, những gì diễn ra mới ở mặt trận tuyên truyền. Với một quốc gia như Trung Quốc, bị dồn vào thế bí, có thể "đòn" đáp trả sẽ còn ngang ngược hơn và bằng hành động. Theo tác giả Janis Mackey Frayer của NBC News, Trung Quốc có thể sẽ ráo riết thực hiện ba hành động sau để phản ứng trước phán quyết vụ kiện Biển Đông.

Rút lui khỏi Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS)

3 nước cờ "hiểm" TQ có thể đi sau phán quyết Biển Đông - 2

Trung Quốc có ý định rút lui khỏi Công ước UNCLOS.

Trung Quốc kí Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1996 và là thành viên hơn 20 năm qua. Mới đây, chính quyền Trung Quốc dọa sẽ rút lui khỏi công ước này nếu như phán quyết của tòa án quốc tế “vi phạm nền tảng vị thế của Bắc Kinh”. Với phán quyết tuyên phần có lợi dành cho Philippines, khả năng rất lớn Trung Quốc sẽ rút lui khỏi công ước UNCLOS.

Trong trường hợp này, mọi phân xử tranh chấp chủ quyền sẽ không có một bộ khung làm cơ sở tham chiếu. Trước đây các tranh chấp trên biển giữa 161 quốc gia thành viên dựa vào công ước UNCLOS để phân xử. Khi Trung Quốc rời UNCLOS, đồng nghĩa nước này từ chối mọi nguyên tắc pháp lý áp đặt chung giữa các thành viên.

Dù chưa có động thái rời khỏi công ước UNCLOS nhưng Trung Quốc vẫn rất ngang ngược với các tuyên bố của mình. Nước này từng chỉ trích Mỹ “không có quyền lên tiếng về vụ kiện do không phải là thành viên công ước UNCLOS”.

Tăng cường bồi lấp và xây dựng trái phép đảo nhân tạo

3 nước cờ "hiểm" TQ có thể đi sau phán quyết Biển Đông - 3

Một đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Biển Đông.

Trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã rầm rộ thực hiện việc bồi lấp trái phép đảo nhân tạo. Thậm chí ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một đường băng trái phép đủ sức cho máy bay dân sự cỡ lớn hạ cánh đã được xây dựng. Bên cạnh đó là một số ngọn hải đăng và bệnh viện được xây dựng trái phép ở đây.

Tháng 2.2016, ảnh vệ tinh của phương tây cho thấy Trung Quốc đã điều động trái phép hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam. Tên lửa HQ-9 có thể hạ gục mọi máy bay quân sự, dân sự trong phạm vi 200km. Ngoài ra những radar quân sự cũng được bố trí ở đảo Phú Lâm, theo WSJ.

Ngoài tên lửa phòng không HQ-9 hay radar phòng vệ, Trung Quốc đã bồi lấp và xây dựng trái phép đường băng dài 2.700m ở đảo Phú Lâm và các kho chứa sân bay phản lực. Máy bay chiến đấu J-11 của nước này cũng được cho là từng xuất hiện ở đảo Phú Lâm.

BBC mới đây có bài viết đáng chú ý của tác giả Alexander Neill, nhận định mục tiêu bồi lấp trái phép đảo nhân tạo chỉ là “chuyện nhỏ”, phần lớn hơn Trung Quốc muốn làm chủ đáy Biển Đông. Với độ sâu 4.000m, Biển Đông thực sự là chỗ trú chân lí tưởng cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Bắc Kinh. Chưa kể, đây cũng là lá bài để ngăn chặn Washington làm chủ khu vực giàu tài nguyên này.

Thiết lập vùng nhận diện phòng không

3 nước cờ "hiểm" TQ có thể đi sau phán quyết Biển Đông - 4

Thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) được cho là động thái leo thang căng thẳng nhất ở Biển Đông.

Ngày 13.7, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân lớn tiếng nói rằng Bắc Kinh có quyền thành lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Bắc Kinh nói rằng tùy vào mối nguy hiểm đe dọa Trung Quốc mà nước này có đưa ra quyết định trên hay không.

Nếu thiết lập vùng nhận diện phòng không, mọi máy bay đi qua khu vực này sẽ phải nhận dạng, minh định vị trí và chịu sự kiểm soát của Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc ngang ngược vi phạm chủ quyền vùng trời tại Biển Đông và làm căng thẳng khu vực thêm gia tăng, trái với luận điệu của nước này “yêu cầu các bên không làm phức tạp thêm tình hình khu vực” và “giải quyết mâu thuẫn dựa trên đàm phán, đối thoại”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN