10 lý do không nên hợp pháp hóa mại dâm
Chuyên gia người Mỹ cho rằng việc hợp pháp hóa mại dâm gây ra rất nhiều hệ lụy.
Nhiều người cho rằng hợp pháp hóa mại dâm sẽ giúp quản lý công việc gây tranh cãi này một cách dễ dàng hơn, từ đó, giảm các tệ nạn như buôn người, mại dâm trẻ em... (Ảnh minh họa)
Tại buổi hội thảo về xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Hà Nội ngày 28.3 vừa qua, Tiến sĩ Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) đã nêu quan điểm: Xây dựng luật cần hướng tới công nhận mại dâm là một nghề, với các khu hoạt động riêng biệt như các nước đang làm.
Quan điểm của ông Đạt làm dấy lên cuộc tranh luận không mới nhưng cũng không cũ: có nên coi mại dâm là một nghề?
Nhiều người cho rằng hợp pháp hóa mại dâm sẽ giúp quản lý công việc gây tranh cãi này một cách dễ dàng hơn, từ đó, giảm các tệ nạn như buôn người, mại dâm trẻ em... Hơn nữa, những người ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm cũng nhận định gái mại dâm, khi hoạt động hợp pháp, sẽ được bảo vệ tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ bị lạm dụng hay đối xử bạo lực.
Tuy nhiên, trong một bản báo cáo năm 2015, nữ giáo sư người Mỹ Janice G. Raymond đến từ Liên minh quốc tế chống buôn bán phụ nữ (CATW), đã bác bỏ các luận điểm trên.
Raymond cho rằng việc coi mại dâm là nghề hợp pháp không tạo thêm quyền lợi cho phụ nữ hay giảm tệ nạn mà chỉ khiến ngành công nghiệp tình dục phát triển hơn.
Dưới đây là 10 lý do vì sao không nên hợp pháp hóa mại dâm, giải thích bởi Raymond - chuyên gia về phòng chống bạo lực và lạm dụng phụ nữ.
Raymond cho rằng việc coi mại dâm là nghề hợp pháp không tạo thêm quyền lợi cho phụ nữ hay giảm tệ nạn mà chỉ khiến ngành công nghiệp tình dục phát triển hơn (Ảnh minh họa)
1. Là món quà cho các má mì, kẻ buôn người và ngành công nghiệp tình dục.
Người bình thường nghĩ rằng hợp pháp hoá mại dâm sẽ giúp gái mại dâm được “chuyên nghiệp hóa”, đứng đắn và đường hoàng hơn. Nhưng theo Raymond, việc này chỉ làm cho ngành công nghiệp tình dục đường hoàng hơn mà thôi. Hợp pháp hóa có nghĩa là cho phép má mì khai thác gái mại dâm, cho phép khách hàng mua dâm hợp pháp, chứ không có nghĩa là làm tăng giá trị của gái mại dâm.
2. Làm tăng nạn buôn người
Mại dâm hợp pháp là một trong những nguyên nhân gốc rễ của nạn buôn người. Một báo cáo cho biết 80% phụ nữ trong các nhà chứa ở Hà Lan bị buôn bán từ các nước khác.
Tại Đức, vào năm 1993, sau khi mại dâm được hợp pháp hóa, 75% phụ nữ trong ngành mại dâm được xác nhận là người nước ngoài, đến từ Uruguay, Argentina, Paraguay và các nước khác. Hiện nay, con số này được ước lượng lên tới 85%.
3. Không kiểm soát ngành công nghiệp tình dục mà mở rộng nó
Trái ngược với những tuyên bố cho rằng việc hợp pháp hoá sẽ giúp kiểm soát sự mở rộng của mại dâm, ngành công nghiệp này vẫn chiếm khoảng 5% nền kinh tế Hà Lan. Trong thập kỷ qua, khi hoạt động môi giới và các nhà thổ được hợp pháp hoá, ngành công nghiệp tình dục đã phát triển thêm 25% so với quá khứ.
Hợp pháp hoá mại dâm ở Bang Victoria, Úc cũng dẫn tới sự mở rộng quy mô của ngành công nghiệp tình dục. Trong năm 1989 có 40 nhà thổ ở Victoria, đến năm 1999 ở đây có 94 nhà thổ.
Gái mại dâm bên trong một nhà thổ ở Đức
Số lượng nhà thổ ở Thụy Sĩ cũng tăng gấp đôi trong những năm qua sau khi mại dâm được hợp pháp hóa một phần. Hầu hết các nhà chứa ở đây không bị đánh thuế, và nhiều trong số đó là nhà chứa bất hợp pháp.
4. Làm tăng hoạt động mại dâm phi pháp, bí mật
Hợp pháp hóa mại dâm khiến nhiều phụ nữ quyết định làm việc bí mật. Họ không muốn đăng ký và bị kiểm tra sức khoẻ theo luật pháp yêu cầu ở một số quốc gia. Vì vậy, họ trở thành gái mại dâm đứng đường. Nhiều người chọn làm việc này cũng bởi sợ bị kiểm soát và lạm dụng bởi các má mì.
5. Làm tăng tệ nạn mại dâm trẻ em
Nhiều người nói rằng hợp pháp hóa mại dâm ở Hà Lan sẽ giúp chấm dứt nạn mại dâm trẻ em. Tuy nhiên, trong thực tế, mại dâm trẻ em ở Hà Lan đã tăng đáng kể trong những năm 1990. Tổ chức ChildRight ở Amsterdam ước tính con số này tăng từ 4.000 trẻ em năm 1996 lên 15.000 vào năm 2001.
Mại dâm trẻ em cũng tăng nhiều ở Victoria so với các bang khác ở Úc, nơi mại dâm chưa được hợp pháp hóa. Trong tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ ở Úc, số vụ mại dâm trẻ em nhiều nhất nằm ở Victoria.
Ảnh chụp tại một phố đèn đỏ hợp pháp ở Amsterdam, Hà Lan
6. Không bảo vệ phụ nữ bán dâm
CATW đã tiến hành 2 nghiên cứu lớn về mại dâm và nạn buôn gái mại dâm, phỏng vấn gần 200 nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Trong những nghiên cứu này, phụ nữ bán dâm nói rằng các cơ sở mại dâm hầu như không làm gì để bảo vệ họ. "Lần duy nhất họ bảo vệ bất cứ một người nào đó là bảo vệ khách mua dâm”, một gái mại dâm nói.
Trong nghiên cứu khác, CATW phỏng vấn 146 nạn nhân buôn người và mại dâm ở 5 quốc gia. 80% phụ nữ được phỏng vấn cho biết họ từng bị khách mua dâm hoặc má mì đối xử bạo lực.
Các nghiên cứu của CATW cho thấy thậm chí các camera giám sát trong các nhà thổ chủ yếu chỉ để bảo vệ các cơ sở này. Bảo vệ phụ nữ khỏi bị lạm dụng là mục đích thứ yếu hoặc không quan trọng.
7. Làm tăng nhu cầu về mại dâm
Theo Raymond, việc hợp pháp hóa thúc đẩy nhiều nam giới mua dâm hơn.
Với sự hợp pháp hóa mại dâm ở nhiều nước, nhiều đàn ông từng không dám mua dâm giờ sẽ thấy điều này là chấp nhận được.
Khi rào cản pháp lý biến mất, các rào cản xã hội và đạo đức (đối xử với phụ nữ như món hàng tình dục) cũng không còn.
Việc hợp pháp hóa mại dâm giống như lời nhắn gửi tới thế hệ trẻ rằng phụ nữ là hàng hoá tình dục và mại dâm là trò đùa vô hại.
Nội thất sang trọng bên trong nhà thổ hợp pháp ở Đức
8. Không cải thiện sức khoẻ phụ nữ
Tại các nước hợp pháp hóa mại dâm, việc chỉ kiểm tra sức khỏe gái mại dâm (không kiểm tra sức khỏe khách hàng) là hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ.
Việc này không có nghĩa là gái mại dâm được bảo vệ khỏi HIV/AIDS hoặc các bệnh lây qua đường tình dục vì khách mua dâm hoàn toàn có thể truyền bệnh cho phụ nữ chưa mắc bệnh.
Trong một nghiên cứu của CATW, 47% gái mại dâm Mỹ được phỏng vấn cho biết khách mua dâm không muốn đeo bao cao su. 73% cho biết khách sẵn sàng trả thêm tiền để không mang bao cao su. 45% phụ nữ nói họ đã bị lạm dụng vì yêu cầu khách sử dụng bao cao su.
9. Không giúp phụ nữ có thêm lựa chọn
Hầu hết phụ nữ bán dâm không chủ ý làm việc này, theo Raymond. Thay vào đó, làm mại dâm thường là lựa chọn cuối cùng và duy nhất của phụ nữ, theo các báo cáo của CATW.
Việc hợp pháp hóa mại dâm không hề cung cấp thêm lựa chọn nào khác cho những người phụ nữ này, thay vào đó, tiếp tục ủng hộ công việc “cuối cùng và duy nhất” của họ.
Gái mại dâm Đức ngồi bên trong một quán bar của nhà thổ
10. Gái mại dâm không muốn hợp pháp hóa
Trong nghiên cứu của CATW, hầu hết 146 phụ nữ được phỏng vấn khẳng định quyết liệt rằng không nên hợp pháp hoá mại dâm. Họ cảnh báo việc hợp pháp hoá gây ra nhiều rủi ro hơn và khiến phụ nữ bị tổn hại nhiều hơn bởi khách mua dâm và má mì.
"Không thể như vậy được. Đây không phải là một nghề, đây là sự sỉ nhục và bạo lực từ phía nam giới", một gái mại dâm nói.
Ngoài ra, không người phụ nữ nào được phỏng vấn muốn con cái, gia đình hoặc bạn bè của họ kiếm tiền bằng cách tham gia ngành công nghiệp tình dục. Một người nói: "Mại dâm đã kéo tôi khỏi chính cuộc đời tôi, sức khoẻ của tôi, mọi thứ”.
Siêu nhà thổ hợp pháp này có tới 6 tầng, tiếp đón tới 55.000 lượt khách một năm.