Xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục bế tắc
Giá lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xu hướng giảm, do ít nhu cầu tiêu thụ mới. Cùng đó, xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó khăn do bị cạnh tranh gay gắt từ gạo giá rẻ từ xả gạo tồn kho của Thái Lan.
VFA phải giảm mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2016, do thị trường gặp nhiều khó khăn
Xuất khẩu giảm mạnh
Theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), giá lúa tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm. Tại An Giang, lúa tươi IR50404 giảm từ 4.200 đồng/kg xuống 4.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao OM 2514 giảm từ 4.600 đồng/kg xuống 4.500 đồng/kg; OM 2717 giảm từ 4.800 đồng/kg xuống 4.700 đồng/kg.
Tuần qua, tại Vĩnh Long, lúa tươi IR50404 ổn định ở mức 4.100 đồng/kg, lúa khô ở mức 4.800 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường ở mức 5.300 đ/kg; lúa dài 5.600 đ/kg.
Trong khi đó, tuần qua, giá gạo 5% tấm chế biến từ lúa Hè Thu giảm xuống còn 360- 365 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn), so với 360 – 370 USD/tấn tuần trước, tuy nhiên không có giao dịch nào diễn ra.
Nguyên nhân khách hàng không muốn mua gạo vào thời điểm này do chờ đợi giá gạo Thái Lan giảm xuống. Bộ Thương mại Thái Lan sẽ mở thầu vào ngày 25/7 tới để bán tổng cộng 3,7 triệu tấn gạo, với nỗ lực giảm số lượng gạo tồn trữ trong các kho chứa trên toàn nước này còn khoảng 6 triệu tấn.
Trong tổng số gạo bán lần này, có 2,18 triệu tấn sẽ bán trực tiếp cho các nhà xuất khẩu, 730.000 tấn bán cho nhu cầu trong nước và số còn lại là gạo kém chất lượng bán cho các công ty sử dụng vì mục đích khác.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sự trầm lắng của thị trường xuất khẩu gạo từ suốt quý 2/2016 đến nay và có khả năng còn tiếp diễn trong thời gian tới. Vì thế, VFA vừa điều chỉnh giảm chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,65 triệu tấn.
Như vậy, sau nhiều năm luôn duy trì số lượng gạo xuất khẩu chính ngạch từ trên 6 triệu tấn trở lên, năm nay, nhiều khả năng xuất khẩu gạo của nước ta chỉ ở mức dưới 6 triệu tấn do những khó khăn lớn về thị trường.
Đặc biệt, sau những tháng đầu năm tăng mạnh (do thực hiện các hợp đồng từ năm ngoái vơi Indonesia, Philippines), xuất khẩu gạo đã đi xuống trong quý II/2016.
Theo đó, tháng 4/2016 xuất khẩu chỉ đạt khoảng gần 450.000 tấn, giảm trên 30%; sang tháng 5 xuất trên 400.000 tấn, giảm trên 23%; và đến tháng 6, chỉ đạt 380.000 tấn, giảm gần 40% so cùng kỳ. Như vậy, xuất khẩu gạo 6 tháng chỉ đạt 2,657 triệu tấn, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chưa thấy cửa sáng
Theo VFA, những thị trường tập trung của gạo Việt Nam chưa thấy dấu hiệu sẽ sớm nhập khẩu thêm gạo trong tương lai gần, đặc biệt tại các thị trường truyền thống của Việt Nam ở Đông Nam Á.
Theo đó, cuối tháng 6/2016, Cơ quan Lương thực quốc gia Philipines công bố có đủ gạo trong những tháng giáp hạt (tháng 7 - 9), đồng nghĩa với việc nước này chưa vội nhập khẩu gạo sau khi đã nhận đủ lượng gạo của những đợt mở thầu cuối 2015. Còn Indonesia cũng thấy có dấu hiệu về tiếp tục mua vào…
Trong khi đó, thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam là Trung Quốc (chiếm gần 35% lượng gạo xuất khẩu của Việt nam trong 6 tháng đầu năm), sức mua hiện đang giảm.
Bên cạnh sự ảm đạm của thị trường do nhu cầu yếu, thiếu các hợp đồng tập trung, xuất khẩu gạo còn đang phải đối mặt với những khó khăn về tỷ giá.
Khoảng sáng trong bức tranh xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay, chính là thị trường châu Phi, khi trong 6 tháng đầu năm nayxuất khẩu tăng gần 11% so cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, một số thương nhân ngành gạo cho rằng sắp tới, xuất khẩu sang thị trường châu Phí sẽ gặp khó khăn, do đồng Euro mất giá so với đồng USD.
Cùng đó, đồng Nhân dân tệ yếu cũng đang cản trở các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, dù nước này vẫn đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều gạo.
Theo VFA, để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm, kiến vào cuối tháng này, Bộ Công Thương sẽ tổ chức một hội nghị bàn việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của ngành gạo, với sự chủ trì của lãnh đạo Chính phủ.