Xuất khẩu điện thoại có dấu hiệu giảm mạnh

Nửa đầu tháng 10 năm 2016, tình hình xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng giảm mạnh ở nhiều mặt hàng chủ chốt như: gạo, thép... Đáng chú ý nhất là xuất khẩu các mặt hàng điện thoại cũng đang có dấu hiệu giảm mạnh sau sự cố Galaxy Note 7 của Tập đoàn Samsung.

Xuất khẩu điện thoại có dấu hiệu giảm mạnh - 1

Xuất khẩu các mặt hàng điện thoại cũng đang có dấu hiệu giảm mạnh sau sự cố Galaxy Note 7 của Tập đoàn Samsung. Ảnh minh họa

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 10.2016 đạt hơn 15,03 tỉ USD giảm  5,1% (tương ứng giảm 808 triệu USD) so với nửa cuối tháng 9.2016. 

Như vậy, tính đến hết ngày 15.10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 268,39 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch xuất nhập khẩu gần 9,73 tỉ USD, giảm 6,4% tương ứng giảm 661 triệu USD so với nửa cuối tháng 9.

Về tình hình xuất khẩu, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 10 đạt gần 7,26 tỉ USD, giảm 14,6% (tương ứng giảm hơn 1,24 tỉ USD) so với 15 ngày cuối tháng 9. 

Đáng chú ý, trong nửa đầu tháng 10, nhiều mặt hàng xuất khẩu được xem là quan trọng của Việt Nam đang có xu hướng giảm mạnh như: Gạo giảm 36,4%, tương ứng giảm 47 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 14,9%, tương ứng giảm 49 triệu USD; giày dép các loại giảm 10,5%, tương ứng giảm 53 triệu USD; sắt thép các loại giảm 51,4%, tương ứng giảm 73 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 18,2%, tương ứng giảm 103 triệu USD; hàng dệt may giảm 17,5%, tương ứng giảm 205 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm giảm 16,3%, tương ứng giảm 263 triệu USD;...

Trong khi đó, chỉ một số ít nhóm hàng có kim ngạch tăng so với kỳ trước như: Dây điện và dây cáp điện tăng 11,5%, tương ứng tăng 7 triệu USD; phân bón các loại tăng 11%, tương ứng tăng 910 nghìn USD;...

Về phí doanh nghiệp FDI, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp này trong nửa đầu tháng 10 đạt gần 5,16 tỉ USD, giảm 13,7% (tương ứng giảm 819 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 9.

Những con số trên cho thấy, sự cố Galaxy Note 7 của Samsung đã phần nào tác động trực tiếp tới kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng điện thoại và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong những tuần đầu của tháng 10.

Bởi lẽ, nói về điện thoại xuất khẩu thì doanh nghiệp này chiếm ưu thế lớn nhất, nói về vốn góp của doanh nghiệp FDI thì tập đoàn này cũng áp đảo các doanh nghiệp khác khi được xem là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với hai nhà máy sản xuất điện thoại quy mô lớn ở Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Số liệu của Tổng cục Thống kê trước đó cũng chỉ ra trong tháng 8 vừa qua, việc Samsung ra mắt sản phẩm Galaxy Note 7 đã nâng kim ngạch xuất khẩu điện thoại của Việt Nam tăng mạnh. Tuy nhiên, sang tháng 9, do sản phẩm bị lỗi pin nên Samsung phải thu hồi sản phẩm để khắc phục sự cố, vì vậy đã ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu. Chỉ riêng xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã giảm 506 triệu USD trong tháng 9.

Vào tháng 10, tập đoàn này tiếp tục tuyên bố chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất mẫu Note 7. Điều này đã khiến kim ngạch xuất khẩu điện thoại của Việt Nam bị thâm hụt tới 263 triệu USD trong 15 ngày đầu tháng 10.

Ở chiều ngược lại, tình hình nhập khẩu của nước ta trong 15 ngày đầu tháng 10 lại tăng. Cụ thể, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 10 đạt gần 7,78 tỉ USD, tăng 5,9% (tương ứng tăng 437 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 9. Tính đến hết ngày 15.10, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 132,6 tỉ USD, tăng 1,8% (tương ứng tăng gần 2,31 tỉ USD) so với cùng kỳ năm 2015.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Nhung (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN