Xoài tượng, nhãn, chanh leo Sơn La chuẩn bị "bay" sang Úc, Thuỵ Sĩ

Sự kiện: Kinh Doanh

Ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La tiết lộ với phóng viên Báo NTNN là sang năm 2018, tỉnh sẽ đưa 3 sản phẩm chủ lực gồm xoài tượng da xanh, nhãn và chanh leo xuất khẩu lần lượt sang các thị trường Úc, Trung Quốc, Thụy Sĩ.

Tập trung sản xuất nông sản chủ lực

Sơn La là tỉnh có trên 972.000ha đất nông nghiệp, có tiềm năng to lớn để phát triển các sản phẩm nông lâm nghiệp hàng hóa có lợi thế với quy mô lớn. Với những vùng đất có đặc trưng sinh thái khác nhau, Sơn La đã tập trung đẩy mạnh chương trình phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa, trồng rừng, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc gia cầm gắn với phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến tham gia vào thị trường trong nước và xuất khẩu.

Xoài tượng, nhãn, chanh leo Sơn La chuẩn bị "bay" sang Úc, Thuỵ Sĩ - 1

Năm 2018 tỉnh Sơn La sẽ đưa nhãn cùng xoài tượng da xanh và chanh leo xuất khẩu. Ảnh: Thành Nhơn

Từ năm 2013 đến nay, được sự hỗ trợ của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), tỉnh Sơn La đã xây dựng, duy trì và phát triển 47 chuỗi cung ứng rau, quả, thịt, thủy sản an toàn. Các sản phẩm nông sản của tỉnh đã có mặt tại Hà Nội và 20 tỉnh thành của cả nước.

Ngày 15.11, Bộ NNPTNT đã phối hợp UBND tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị kết nối chuỗi phát triển sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn tỉnh Sơn La. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, lãnh đạo  tỉnh Sơn La cùng đại diện các sở ban ngành và gần 80 DN, HTX trong cả nước. Đã có 10 biên bản thỏa thuận hợp tác thúc đẩy sản xuất, chế biến,  tiêu thụ nông sản an toàn tỉnh Sơn La được ký kết giữa các DN, HTX của tỉnh với các DN tại Hà Nội, Điện Biên.

Tính đến tháng 9.2017, sản lượng các chuỗi nông sản, thủy sản đã cung ứng ra thị trường đạt trên 7.200 tấn, tổng doanh thu ước đạt gần 195 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã tạo dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng ưu chuộng và đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

Chia sẻ với NTNN về tiềm năng tiêu thụ nông sản của tỉnh Sơn La, ông Hà Quyết Nghị hồ hởi cho biết tin vui: “Trong năm 2017, tỉnh đã nỗ lực hoàn thiện các thủ tục cần thiết để tiến hành xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực. Đến nay các sản phẩm xoài tượng da xanh, nhãn, chanh leo Mộc Châu đã hoàn tất xác nhận mã số vùng trồng.

Các sản phẩm này sẽ chính thức xuất khẩu lần lượt sang các thị trường Úc, Trung Quốc, Thụy Sĩ trong năm 2018. Các sản phẩm chanh leo, xoài tượng da xanh đang được xuất khẩu chào hàng với số lượng từ 2-5 tấn. UBND tỉnh Sơn La đang chỉ đạo Sở NNPTNT và Sở Công Thương xây dựng kế hoạch xuất khẩu chi tiết đối với các sản phẩm này”.

Theo ông Nghị, đối với sản phẩm xoài tượng da xanh, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng nông sản, Trung tâm khuyến nông xuống các địa phương xây dựng các hợp tác xã sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm có thể xuất khẩu. Còn sản phẩm nhãn, đến nay đã cấp mã số vùng trồng cho 4 đơn vị ở các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu…

Xoài tượng, nhãn, chanh leo Sơn La chuẩn bị "bay" sang Úc, Thuỵ Sĩ - 2

Xoài tượng da xanh đang được xuất khẩu chào hàng với số lượng từ 2-5 tấn.

Các sở ngành đang chỉ đạo bà con nông dân, các hợp tác xã (HTX) quản lý mã số vùng trồng và duy trì chất lượng sản phẩm để bảo đảm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Chanh leo là sản phẩm tiềm năng của tỉnh Sơn La, sản phẩm này đang được hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để xuất khẩu đi Thụy Sĩ chào hàng trong tháng 11.2017.

Gỡ nút thắt tiêu thụ nông sản

Trong quá trình xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn còn những hạn chế: Quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán; việc xây dựng vùng sản xuất tập trung chuyên canh gặp nhiều khó khăn, không tạo được khối lượng sản phẩm lớn đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường; chưa có nhà máy chế biến, bảo quản sâu; chưa có hệ thống chợ đầu mối để trung chuyển, phân luồng các hàng hóa của Sơn La đi các địa phương.

Để giải quyết các vấn đề này, Lò Minh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: “Tỉnh đang tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nông sản chủ lực trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tỉnh yêu ầu thời gian tới, các doanh nghiệp (DN), HTX thực hiện tốt nội dung biên bản thỏa thuận hợp tác thúc đẩy sản xuất, chế biến, xúc tiến tiêu thụ nông sản an toàn đã ký kết với các DN. Các huyện, thành phố tiếp tục giúp đỡ các DN, HTX trong việc tiêu thụ nông sản an toàn, bền vững”.

Ông Hùng chia sẻ, hiện nay tỉnh Sơn La đã có 111 DN trong lĩnh vực sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, 210 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã tiến hành khảo sát và đầu tư liên kết với các hợp tác xã, liên hiệp HTX, hộ gia đình để đầu tư sản xuất, hình thành chuỗi chế biến tiêu thụ sản phẩm. Trong số đó có Công ty VinEco đã tiên phong  trong liên kết, từ đầu năm đến nay mỗi ngày công ty này tiêu thụ 3,5 tấn nông sản của địa phương. Năm 2018, công ty này sẽ nâng sản lượng nông sản tiêu thụ cho Sơn La lên 5-7 tấn/ngày.

Để Sơn La có thể mở rộng vùng tiêu thụ nông sản và đẩy mạnh xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng: “Tỉnh cần tiếp tục quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh đảm bảo an toàn thực phẩm, vùng nguyên liệu này phải có tính khả thi dựa trên nhu cầu tiêu thụ; tiếp tục phát triển hợp tác xã liên kết sản xuất với các DN để tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu. Sơn La nên có các chương trình, cơ chế chính sách cụ thể phát triển các mặt hàng chủ lực. Bên cạnh đó tỉnh cũng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các HTX,  có chính sách đào tạo, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, kết nối thị trường chủ lực...”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Thắng (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN