Xăng E5 an toàn, tại sao vẫn khó bán đại trà?
Mặc dù xăng sinh học E5 bán trên thị trường từ cuối 2014 song vẫn xuất hiện tâm lý e ngại đối với cả doanh nghiệp (DN) phân phối lẫn người tiêu dùng.
Không dùng vì... sợ?!
Theo Chỉ thị của Chính phủ, tới 1/6/2016 phấn đấu 100% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Quảng Nam) bán xăng E5 và 100% lượng xăng RON A92 được thay thế bằng xăng E5.
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Báo Giao thông trong ngày 1/6 tại các điểm bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội, không khí khá trầm lắng, không có băng rôn, khẩu hiệu, nhiều cây xăng không bán, thậm chí khi được hỏi, một số người dân còn không biết tới loại xăng này.
"Bản chất của xăng E5 là xăng thông thường pha thêm từ 4 - 5% ethanol. Ethanol có trị số octan cao (RON = 109) nên khi pha trộn vào xăng gốc giúp gia tăng trị số octan cho hỗn hợp nhiên liệu, đồng thời nâng cao hiệu suất cháy, tỷ số nén cao hơn giúp tiết kiệm nhiên liệu, công suất và moment xoắn tốt hơn làm động cơ vận hành êm hơn và tăng tuổi thọ động cơ, giúp giảm thiểu phát thải các chất độc hại trong khí thải động cơ. Do đó, xăng E5 có các chỉ tiêu chất lượng gần như không thay đổi so với xăng thông thường cùng loại. Đó là lý do vì sao nhiên liệu xăng sinh học được coi là nhiên liệu của tương lai, được nhiều nước thế giới quan tâm, sử dụng”. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng |
Khi được hỏi về xăng E5, nhân viên của cây xăng Petrolimex Linh Đàm trả lời ngay rằng ở đây không bán xăng E5 vì không có nhiều người hỏi mua. Tại cây xăng Petrolimex trên đường Kim Giang, nhân viên bán xăng khá ngạc nhiên khi PV hỏi mua xăng E5. Nhân viên của cây xăng cho biết, cây xăng có bán loại E5 nhưng có rất ít người hỏi mua. Khi được hỏi nguyên nhân vì sao thì nhân viên này giải thích, người đổ xăng tại đây phản ánh rằng chất lượng xăng này không tốt, đi không được êm máy. Chính vì thế, số người mua xăng E5 tại cây xăng này thưa thớt dần và tới nay thì chỉ thi thoảng lắm mới có người hỏi mua.
Trao đổi với PV, anh Lê Văn Tuấn, lái xe taxi hãng TaxiGroup bày tỏ hoài nghi: “Tôi đã biết tới xăng E5 từ hơn một năm nay và cũng biết là giá loại xăng này rẻ hơn A92. Tuy nhiên, xe mình đang chạy từ trước tới nay vẫn dùng loại A92 rất ổn định, nếu chuyển sang dùng loại xăng khác rất có thể dẫn tới trục trặc hay vấn đề nào đó. Xe là của công ty nên tôi cũng không dám mạo hiểm. Khi nào có thật nhiều người dùng và thấy không có vấn đề gì thì tôi mới chuyển sang dùng E5”. Anh Lương Văn Hải, nhân viên giao và lắp đặt hàng điện lạnh của Công ty Điện lạnh Bình Minh (Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi ngày anh phải chạy xe khoảng 30-50 km nhưng anh chưa hề biết đến xăng E5. “Mỗi lần đi đổ xăng thì mình vào cây xăng và họ đổ cho chứ cũng không biết là họ có những loại nào”, anh Hải cho biết.
Theo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) hiện cả nước chỉ có 247 cửa hàng bán xăng E5. Theo báo cáo từ Sở Công thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 481 cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhưng mới có 116 cửa hàng bán xăng E5 (chiếm khoảng 24%). Thông tin từ PV Oil Hà Nội cho biết, trong quý I/2016, sản lượng xăng E5 bán ra chỉ đạt hơn 2.600 m3, chiếm khoảng 30% so với tổng sản lượng xăng bán ra.
Tất cả mẫu xăng E5 đều đạt chất lượng
Nói về mốc thời gian 1/6, triển khai bán 100% xăng E5 tại 8 tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công thương) cho biết: “Việc thay thế hoàn toàn xăng RON A92 bằng xăng E5 từ ngày 1/6 là không khả thi vì còn phụ thuộc vào thói quen sử dụng của người dân. Cần có thời gian để DN và người dân dần thay thế xăng RON A92 thành E5.”
Tuy nhiên, về phía DN, ông Lê Văn Khả, Giám đốc Công ty Xăng dầu Đức Phượng (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: Nếu Nhà nước không bắt buộc bán xăng E5 đồng loạt thì chắc chắn DN vẫn còn tâm lý e ngại không muốn bán. Hơn nữa, khi bán xăng E5, DN lại phải đầu tư thêm máy bơm, téc chứa, công nghệ bảo quản. Cụ thể, theo tính toán, với 4 cửa hàng xăng của mình, ông Khả cho biết sẽ phải chi thêm khoảng 800 triệu đồng để bán xăng sinh học. “Tâm lý người dân vẫn chưa quen dùng xăng sinh học. Về phía DN lại ngại nhất khâu bảo quản, chỉ cần téc chứa không sạch, dính nước là xăng đã bị dung hòa không đạt chất lượng”, ông Khả nói.
Để làm rõ những nghi ngại trên, PV Báo Giao thông đã đặt vấn đề chất lượng xăng E5 hiện đang bán trên thị trường tới Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN (đơn vị quản lý chất lượng mặt hàng xăng dầu). Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng cho biết, đến nay Tổng cục chưa nhận được ý kiến phản ánh chính thức nào về việc chất lượng xăng E5 không đảm bảo yêu cầu.
“Một trong những lý do chính đối với việc người tiêu dùng còn e ngại khi sử dụng xăng E5 là vì họ chưa biết rõ về đặc điểm và lợi ích của việc dùng xăng E5. Sử dụng xăng E5 làm giảm phát thải, giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, giá thành lại rẻ hơn xăng thông dụng mà không ảnh hưởng tới động cơ phương tiện. Với các ưu điểm đó, việc sử dụng xăng E5 là một hành động văn minh mang lại lợi ích cho người sử dụng và cho xã hội. Hiện nay, một số nước trên thế giới đã bán đại trà xăng có pha hàm lượng ethanol còn cao hơn cả xăng E5 như xăng E10 (hàm lượng Ethanol là 10%) vì các lợi ích nêu trên sẽ được thể hiện rõ rệt hơn. Để đưa xăng E5 sử dụng rộng rãi trong xã hội cần có các biện pháp quảng cáo, tuyên truyền thông tin sâu rộng để người dân biết và hiểu rõ hơn về lợi ích của xăng sinh học E5 cũng như giá trị của nó đem lại khi sử dụng lâu dài”, ông Linh phân tích.
Tương tự, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN) nhấn mạnh: Tất cả các trường hợp xăng bị xử phạt trong thời gian vừa qua đều không phải xăng E5. “Xăng E5 hay xăng khoáng đều là sản phẩm hàng hóa một khi đã ra thị trường sẽ được lấy mẫu kiểm tra định kỳ. Qua kết quả kiểm tra các mẫu xăng E5 đều đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn”, ông Tuấn cho biết.