Xa lắm ô tô giá rẻ
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lo ngại, Nghị định 116 tạo ra sức ỳ đối với doanh nghiệp trong nước. Ngành sản xuất, lắp áp ô tô trong nước đang non kém, cơ chế chính sách còn chồng chéo, nhiều rào cản, thậm chí có hiện tượng “nhóm lợi ích” và điều này khiến người tiêu dùng khó mua được xe với giá rẻ hơn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, gần 4 tháng sau khi Nghị định 116 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh xe hơi có hiệu lực (bắt đầu từ 17/10/2017 đến hết ngày 15/2/2018), lượng xe con nhập khẩu về Việt Nam đã giảm gần 5 lần. Trong khi cùng kỳ năm trước số xe nhập khẩu về lên tới trên 17.900 chiếc. Còn số xe nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm 2018 chỉ vỏn vẹn gần 30 chiếc. Trong đó giảm sút mạnh nhất là xe có xuất xứ từ Indonesia, Thái Lan với hơn 50% lượng xe nhập khẩu.
Một chiếc ô tô được lắp ráp từ hàng nghìn linh kiện khác nhau. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho hay, năm 2018, ngân sách nhà nước (NSNN) dự báo sẽ giảm thu khá lớn do thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế khoảng 30.150 tỷ đồng. Nguyên nhân bởi phần lớn (trên 90%) các dòng hàng theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ có thuế suất thuế nhập khẩu giảm xuống 0%. Trong đó, một số mặt hàng có số thu lớn thuế suất cao như: ô tô giảm từ 30% xuống 0%; linh kiện phụ tùng giảm từ 5%, 20% xuống 0%...Dự báo, năm 2018, ngân sách sẽ bị giảm thu khoảng 4.500 tỷ đồng từ mặt hàng ô tô nhập khẩu.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, Nghị định 116 đã tạo ra một rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Song, nó cũng tạo ra sức ỳ đối với các doanh nghiệp trong nước. “Những điều kiện ngặt nghèo trong Nghị định 116 bảo hộ ngành công nghiệp ô tô trong nước, chủ yếu với những doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp ô tô vừa và nhỏ hầu như chết hết. Trong khi cầu vẫn tăng mà cung lại không đủ đáp ứng, thành ra Nghị định 116 không đảm bảo được quyền lợi người tiêu dùng. Bởi lẽ, chất lượng của xe lắp ráp trong nước vẫn thua xa xe ngoại nhập, nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng tăng cao nhưng giá xe lại bị đẩy lên”, chuyên gia Ngô Trí Long chia sẻ.
Thực tế, Việt Nam đã mở cửa cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào phát triển công nghiệp ô tô hàng chục năm nay. Thế nhưng, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp này chưa đáp ứng như đã cam kết. Ông Long cho rằng, nguyên nhân chính bởi cơ chế, chính sách của nhà nước đưa ra rất “hoành tráng”, nhưng lại không có giải pháp đột phá, căn bản nhất để tạo điều kiện cho ngành ô tô phát triển.