Vụ Liên Kết Việt: "Chúng tôi có trách nhiệm và sẵn sàng kiểm điểm"

Quá trình hoạt động của Công ty Liên Kết Việt có dư luận không tốt, nên tháng 7-2015, Cục Quản lý cạnh tranh phối hợp với Sở Công Thương TP Hà Nội đã “kiểm tra” và phát hiện một số dấu hiệu vi phạm.

Vụ Liên Kết Việt: "Chúng tôi có trách nhiệm và sẵn sàng kiểm điểm" - 1

Liên kết Việt giả mạo bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: CTV

Trước dư luận gay gắt về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương khi để xảy ra vụ lừa đảo bán hàng đa cấp Liên Kết Việt với 60.000 nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành, ngày 8-3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã gặp gỡ đại diện các cơ quan báo chí.

Theo ông Khánh, bán hàng đa cấp là một phương thức bán lẻ hàng hóa trực tiếp tới người tiêu dùng phổ biến trên thế giới, mà theo cam kết WTO Việt Nam phải thừa nhận.

Hình thức kinh doanh này được cấp phép chính thức ở nước ta từ năm 2005, ban đầu do các sở công thương ở tỉnh cấp phép. Nhưng vì nhiều hiện tượng tiêu cực, bất cập, khó kiểm soát mà năm 2014 đã rút lên tập trung đầu mối quản lý cấp phép ở Bộ, mà trực tiếp là Cục Quản lý cạnh tranh. Điều kiện cấp phép cũng chặt chẽ hơn, bao gồm bắt buộc vốn pháp định, nâng gấp đôi mức ký quỹ...

Theo các quy định này, Công ty Liên Kết Việt ban đầu được Sở Công Thương TP Hà Nội cấp phép bán hàng đa cấp, tháng 2-2014, sau đó đến tháng 12 cùng năm, rà soát theo quy định mới, vẫn đủ điều kiện, nên được Cục Quản lý cạnh tranh cấp phép lại.

Quá trình hoạt động của công ty này có dư luận không tốt, nên tháng 7-2015, Cục Quản lý cạnh tranh phối hợp với Sở Công Thương TP Hà Nội đã “kiểm tra”, và phát hiện một số dấu hiệu vi phạm.

Ngay sau đó, tháng 8-2015, theo thẩm quyền luật định, Cục Quản lý cạnh tranh quyết định “điều tra sơ bộ”. Đến tháng 11, kết quả điều tra sơ bộ đi đến quyết định xử phạt hành chính 570 triệu đồng, trong đó chỉ rõ nhiều vi phạm cụ thể trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Ngoài ra, ở cuối quá trình điều tra sơ bộ này, Cục cũng phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ - Bộ Công an làm việc với Liên Kết Việt. Và sau khi cơ quan điều tra có kết luận ban đầu về các dấu hiệu phạm tội ở Liên Kết Việt, ngày 3-3 vừa qua, Cục đã rút giấy phép kinh doanh với công ty này...

Giải thích việc không công bố sớm kết luận vi phạm của Liên Kết Việt để cảnh báo người dân, góp phần giảm bớt hậu quả vụ lừa đảo, ông Khánh cho biết lãnh đạo Bộ Công Thương đã làm việc với Cục Quản lý cạnh tranh, rà soát lại toàn bộ quá trình.

“Đối chiếu với Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 116 quy định chi tiết thi hành Luật Cạnh tranh thì thấy trường hợp vi phạm này không thuộc diện được công bố công khai. Mà theo nguyên tắc, chỉ người dân mới được làm những gì pháp luật không cấm, còn công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” - ông Khánh lý giải.

Tuy nhiên, ông Khánh cũng rút kinh nghiệm là lẽ ra trong những trường hợp thế này, khi dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn như thế thì Cục Quản lý cạnh tranh phải báo cáo lãnh đạo Bộ. “Lúc ấy, chúng tôi chắc chắn sẽ cân nhắc giữa pháp lý với thực tiễn, để vận dụng pháp luật sát với yêu cầu cuộc sống hơn”.

Câu hỏi rất lớn là những vi phạm như kiểu Liên Kết Việt không phải là hiếm, mà báo chí đã cảnh báo nhiều, tại sao Bộ không thể sát sao hơn, cảnh báo sớm để người dân không sa vào bẫy lừa đảo đa cấp? Phải chăng Bộ Công Thương không có trách nhiệm gì trong vụ này?

Ông Khánh giãi bày: “Chúng tôi có trách nhiệm và sẵn sàng kiểm điểm. Nghị định là do Chính phủ ban hành nhưng Bộ là cơ quan xây dựng, dự thảo thì phải có trách nhiệm khi vừa sửa xong mà vẫn còn ý kiến tại sao không nâng, siết chặt điều kiện cấp phép hơn”.

Ông cũng cho biết vì thấy kinh doanh đa cấp phức tạp mà hai năm trước, khi báo chí phản ánh nhiều, Bộ đã tham mưu chính phủ ban hành nghị định mới, đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình tuyên truyền để người dân biết những dấu hiệu của đa cấp trái pháp luật.

“Nhưng rất tiếc là người dân chưa nhận thức hết, vẫn ham lợi mà lao vào. Chúng tôi có đường dây nóng để bà con phản ánh nhưng như trong vụ việc này, Cục không nhận được khiếu nại, tố cáo trực tiếp. Thậm chí, người tham gia hệ thống đa cấp còn không hợp tác điều tra”.

Trong cuộc gặp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh kêu gọi người dân, báo chí, khi thấy bất kỳ dấu hiệu vi phạm nào của các công ty bán hàng đa cấp thì gọi ngay tới đường dây nóng Cục Quản lý cạnh tranh để cơ quan nhà nước nắm bắt, xử lý kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghĩa Nhân (Pháp luật TPHCM)
Liên Kết Việt lừa đảo 45.000 người Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN