Vì sao ngành Than liên tục kêu khó?

Sự kiện: Kinh Doanh

Doanh thu và lợi nhuận tiếp tục giảm khiến Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV) hơn một lần trong năm nay phải kêu cứu.

Vì sao ngành Than liên tục kêu khó? - 1

Khai thác than tại Cẩm Phả, Quảng Ninh - Ảnh: Tạ Tôn

Giá thành than trong nước cao hơn giá nhập

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn TKV.

Trước đó, TKV liên tục kêu khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đề xuất giảm thuế tài nguyên. Đại diện TKV cho biết, trong 9 tháng 2016, nhu cầu than giảm, trong khi nguồn cung dồi dào khiến giá bán giảm mạnh và lượng than nhập khẩu về Việt Nam tăng. TKV buộc phải giảm sản xuất khiến chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuậnđều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu toàn TKV ước đạt 71.460 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch năm, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2015.

Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh 9 tháng năm 2016 vừa công bố cho thấy, sản lượng than nguyên khai sản xuất toàn TKV đạt 26,7 triệu tấn, tương đương 67% kế hoạch năm, bằng 94% so cùng kỳ; sản lượng than sạch đạt 25,5 triệu tấn, tương đương 70% kế hoạch năm, bằng 95% so cùng kỳ; sản lượng than tiêu thụ đạt 25,5 triệu tấn, tương đương 67% kế hoạch năm và bằng 97% so cùng kỳ. Tuy nhiên, than tồn kho đang ở mức khá cao, lên tới 10,8 triệu tấn, trong đó có 8,9 triệu tấn than sạch. 

Được biết, chi phí khai thác than trong nước hiện khoảng 65-75 USD/tấn, trong khi giá nhập về chỉ khoảng 60USD/tấn. Nhiều ý kiến cho rằng, nên xem xét lại việc đầu tư mở rộng khai thác. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Nguyễn Tiến Chỉnh, nguyên Trưởng ban Khoa học công nghệ và Chiến lược phát triển của TKV đặt vấn đề: “Nếu chúng ta chạy theo cơ chế thị trường trong ngắn hạn, nhập khẩu than và đóng cửa mỏ bị thua lỗ thì khi kinh tế thế giới phục hồi, giá năng lượng và giá than tăng, lấy đâu ra than để cung cấp cho nền kinh tế, nhất là sản xuất điện, xi măng, hóa chất… Đó là chưa kể đến tác động xã hội tới khoảng 10 vạn thợ mỏ và gia đình họ ở vùng than”.

Ông Chỉnh cũng cho rằng, giá thành than ở Việt Nam cao không chỉ do điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, mà còn do cách quản lý, sử dụng nhiều lao động và năng suất chưa cao... Đặc biệt, chính sách thuế tài nguyên ở Việt Nam hiện cao hơn các nước trong khu vực. Cụ thể, từ đầu năm 2014, thuế suất thuế tài nguyên đối với than hầm lò và than lộ thiên được điều chỉnh tăng tương ứng lên 7% và 9% và đến ngày 1/7/2016, thuế suất thuế tài nguyên một lần nữa tăng tương ứng lên 10% và 12%. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác (2%) thì than hầm lò phải chịu mức thuế tài nguyên 12% và than lộ thiên phải là 14%. Ngoài ra, DN khai thác than còn phải nộp phí môi trường và thuế môi trường, chi phí thăm dò... Nếu cộng thêm thuế xuất khẩu than 10% thì tổng số thuế phí mà DN than đang gánh chiếm tới khoảng 36-40% giá thành.

Mặt khác, theo PGS.TS. Nguyễn Cảnh Nam, chuyên gia kinh tế than, bản thân các DN than phải tìm cách nâng cao năng suất. “Bộ máy quản lý tại DN ngành than vẫn còn cồng kềnh, vật tư tiêu hao còn nhiều bởi tư duy mua thiết bị nước ngoài thay vì chú trọng đầu tư cơ giới hóa khai thác than. Ngành khai thác than tại Việt Nam có đặc tính địa hình địa chất thường xuyên thay đổi. Nếu tự sản xuất được thiết bị có thể tiết kiệm bằng cách chủ động điều chỉnh cho phù hợp các điều kiện địa chất của mỏ...”, ông Nam phân tích.

Nên tính lại quy hoạch ngành than

Theo bản điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Than VN đến năm 2020, có xét triển vọng đến 2030 (Quy hoạch 403), tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 khoảng 269.003 tỷ đồng (bình quân 17.934 tỷ đồng/năm).

Bình luận về con số này, TS. Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc New Technology Solution - một chuyên gia kinh tế ngành Than nhận định: Dù Quy hoạch 403 đã được phê duyệt song cũng cần phải “mổ xẻ” những bất cập, để khi thực hiện đầu tư khai thác các dự án mỏ than được chính xác, tránh hệ quả lãng phí. Theo ông Sơn, giá thành than phụ thuộc vào các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu như: Tỷ lệ công nghệ khai thác lộ thiên/hầm lò, hệ số bốc đất, hệ số đào lò, cung độ vận chuyển than/đất... Trong thời gian tới, các chỉ tiêu này đều thay đổi theo hướng không có lợi cho giá thành than, làm tăng giá thành than. Giá bán than bình quân giảm mạnh do chất lượng than thương phẩm ngày một giảm và phẩm cấp than ngày một thấp. Vì vậy, lợi nhuận của ngành Than đã giảm mạnh, khả năng tích lũy cho đầu tư ngày càng giảm. Trong khi đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2030 lớn gấp hơn 20 lần khả năng tích lũy năm 2015 của TKV.

Cũng theo TS. Nguyễn Thanh Sơn, nội dung quan trọng nhất của quy hoạch là xác định sản lượng than - trên cơ sở của trữ lượng than, chứ không phải của tiềm năng than. “Trong tổng số 49 tỷ tấn được gọi là “tổng tài nguyên than” của Việt Nam chỉ có 2,26 tỷ tấn (chiếm 4,5%) có thể coi là “trữ lượng than địa chất”. Đó là chưa kể, với điều kiện mỏ - địa chất như ở Việt Nam cộng thêm thực trạng các dạng công nghệ hiện có, trữ lượng than có thể khai thác được (trữ lượng công nghiệp) chỉ chiếm 40-50% trữ lượng than địa chất - tương đương khoảng 1 tỷ tấn.”, ông Sơn phân tích. Từ tính toán trên, theo ông Sơn, sản lượng quy hoạch thực chất chỉ nên ở mức 25-26 triệu tấn than/năm chứ không thể có con số 47-57 triệu tấn/năm, nếu có đặt ra thì cũng khó hoặc không thể thực hiện nổi.

“Sản lượng quy hoạch sai sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác như quy mô công suất các mỏ sai, thời gian tồn tại các mỏ sai… đặc biệt, việc cung cấp vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cũng sẽ bị chệch hướng”, ông Sơn nhấn mạnh.

Mặt khác, trong Quy hoạch 403, bể than Quảng Ninh được coi là trọng tâm. Tuy nhiên, tiềm năng về than tại đây chỉ có 6,3 tỷ tấn (chiếm 13%), trong đó bao gồm cả các đối tượng than thuộc các khu vực không được phép đưa vào quy hoạch như: Khu vực cần bảo vệ, không được cấp phép (Bảo Đài - Yên Tử); khu vực cấm, tạm cấm khai thác (1,6 tỷ tấn) và khu vực đô thị, tâm linh, quốc phòng (0,4 tỷ tấn).

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, một chuyên gia địa chất than từng nhiều năm gắn bó với TKV (xin giấu tên) nhận định, một số mỏ được nêu trong quy hoạch, song thực chất không có khả năng phát triển thành mỏ quy mô công nghiệp, đề nghị loại ra khỏi quy hoạch. Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng kiến nghị loại khỏi quy hoạch tất cả các điểm khai thác lộ thiên đầu lộ các vỉa than. “Nếu khai thác lộ vỉa dễ để lại hậu quả nguy cơ bục nước cho hệ thống lò khai thác phía dưới. Trước đây với công nghệ còn lạc hậu, khi khai thác vỉa 7 khu Bang Thống, Pháp để lại phần lộ vỉa làm đới bảo vệ và chỉ khai thác phần dưới. Vì thế, chỉ khi đóng cửa mỏ mới có thể khai thác phần lộ vỉa”, chuyên gia địa chất than cảnh báo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thảo Nguyên - Hoàng Ngân (Giao thông vận tải)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN