Vạch trần “công nghệ” pha chế xăng “bẩn”
Với công thức pha chế: 50% xăng A92 cộng 50% chất dung môi và chất tạo màu xăng “bẩn” A92, lâu nay, 2 chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng - dầu trên địa bàn 2 huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã bán cho khách hàng hàng triệu lít xăng Ron (A92) kém chất lượng để thu lợi bất chính.
Sau một thời gian điều tra, thu thập chứng cứ, hồi 11 giờ ngày 10-10-2017, Phòng Cảnh sát Kinh tế (CSKT) Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Cục A71, Bộ Công an và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức bắt quả tang chủ Công ty TNHH Thanh Ngũ chuyên kinh doanh xăng - dầu trên Quốc lộ 1A (xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) khi đang đổ chất dung môi từ bồn xe ôtô chở tẹc BKS 37C-275.12 vào bồn chứa xăng - dầu của công ty này.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện chất dung môi chở trên xe ôtô chở téc BKS 37C-275.12 có dung tích 40.000 lít, do tài xế Ngô Quang Thúc điều khiển. Kiểm tra Công ty TNHH Thanh Ngũ, lực lượng chức năng phát hiện 2 lọ bột tạo màu, 2 bể chứa xăng (một bể chứa 3.000 lít xăng A92; một bể chứa 7.000 lít xăng A92).
Bà Vũ Thị Thanh, chủ doanh nghiệp TNHH Thanh Ngũ đã thừa nhận ở bể chứa 7.000 lít xăng có pha trộn dung môi theo tỉ lệ: 50% xăng A92 + 50% dung môi + chất tạo màu thành xăng kém chất lượng để bán cho khách hàng.
Lực lượng Công an kiểm tra xe téc BKS 37C-275.12 chứa 40.000 lít dung môi.
Ông Thúc trình bày là lái xe cho Công ty TNHH Kiên Lục (địa chỉ xóm 8, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu), số dung môi trên được chở từ TP Cần Thơ về Nghệ An. Ngay sau đó, 1 tổ công tác trong Ban chuyên án tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Kiên Lục, phát hiện 2 bể chứa trên 10.000 lít xăng A92 kém chất lượng; 1 lọ chứa chất bột tạo màu.
Bước đầu, đối tượng Trần Văn Tuấn, con trai ông Trần Văn Kiên (chủ doanh nghiệp Kiên Lục) thừa nhận, từ tháng 8-2017 đến nay, doanh nghiệp này đã mua 320.000 lít chất dung môi với giá 10.600 đồng/lít từ TP Cần Thơ về Nghệ An.
Trong đó, doanh nghiệp Kiên Lục đã bán cho công ty Thanh Ngũ 160.000 lít, còn 160.000 lít, Tuấn chỉ đạo pha với xăng A92 (nguyên chất) với tỉ lệ: 50% xăng A92 + 50% chất dung môi + chất tạo màu thành xăng kém chất lượng, chở vào bán cho cửa hàng xăng - dầu Kỳ Phương khoảng 40.000 lít và cửa hàng xăng - dầu Sáu Hằng 5 xe khoảng 200.000 lít. Cả 2 cửa hàng xăng - dầu trên đều sát Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (gần cửa hàng xăng dầu của Thanh Ngũ).
Như vậy, với số lượng chất dung môi mà Công ty TNHH Kiên Lục đã mua từ TP Cần Thơ vận chuyển về Nghệ An và tỉ lệ pha trộn chất dung môi như chủ doanh nghiệp đã khai nhận, lực lượng chức năng nhận định, số xăng “bẩn” do doanh nghiệp này xuất bán ra trên thị trường Nghệ An từ tháng 8-2017 đến nay khoảng 2 triệu lít.
Theo hóa đơn GTGT xuất bán chất dung môi của Công ty Xăng dầu Mê Công, thuộc Tổng Công ty Xăng dầu Cần Thơ thì giá chất dung môi là 10.600 đồng/lít; trong khi đó xăng A92 có giá bán cho khách hàng là 18.000 đồng/lít. Như vậy, từ việc bán xăng kém chất lượng, số tiền chênh lệch mà 2 doanh nghiệp này thu về trong thời gian qua là rất lớn.
2 doanh nghiệp Kiên Lục và Thanh Ngũ bước đầu cũng thừa nhận, ngoài kinh doanh xăng A92 kém chất lượng còn bán cho 8 cây xăng khác để thu lợi bất chính. Cụ thể là các cây xăng dầu: Huấn Thu ở xã Nghĩa Lộc, TX Thái Hòa; Dũng Tuyết, Quỳnh Thảo, đều ở xã Quỳnh Tam; Hóa Trị, Quang Lĩnh, đều ở xã Quỳnh Thắng; Phượng Tứ ở xã Quỳnh Châu; Hòa Quang ở xã Quỳnh Tân và Phùng Pha ở xã Quỳnh Tam, cùng huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Ngày 12-10, Phòng CSKT tiếp tục phối hợp với Thanh tra Sở Khoa học Công Nghệ và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường, chất lượng tiến hành lấy mẫu giám định chất lượng xăng A92 bị thu giữ để phục vụ công tác điều tra, xử lý theo quy định pháp luật, đồng thời tổ chức tiến hành kiểm tra hàng loạt cây xăng dầu trên địa bàn một số các huyện miền núi. Qua kiểm tra đã phát hiện hàng chục cây xăng dầu bán xăng A92 nhưng không đảm bảo chất lượng.
Chiều 16-10, tại Cơ quan CSĐT, Công an Nghệ An đã tổ chức trao thưởng cho các đơn vị cá nhân về thành tích xuất sắc trong việc đấu tranh với hành vi sản xuất, pha chế, tiêu thụ xăng kém chất lượng.