Từ chối đi Úc làm tiến sỹ, về quê trồng rau

Sự kiện: Kinh Doanh

“Việc vợ chồng em quyết định về quê trồng rau, không chỉ gia đình nội ngoại hai bên cấm cản, mà nhiều đồng nghiệp ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ cũng không đồng tình. Thậm chí, không ít người còn cho rằng, bọn em bị ma ám, cần mời “thầy” về cúng giải - Thạc sỹ Lê Đình Quả (SN 1981) nói về những khó khăn khi quyết định về quê vợ khởi nghiệp bằng nghề trồng rau sạch.

Thạc sỹ, kỹ sư làm... nông dân

Lê Đình Quả sinh ra trong một gia đình nông dân ở Hà Tây. Mặc dù không lấy gì làm khá giả, nhưng bố mẹ anh Quả không quản vất vả, khó khăn dồn sức, dồn của cho anh ăn học, mong con sau này thoát cảnh lam lũ “một nắng, hai sương”. Không phụ lòng bố mẹ, anh Quả tốt nghiệp đại học và được nhận vào làm việc tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ.

Anh Quả gặp và nên duyên vợ chồng với chị Lê Thị Thanh Thủy (quê Quảng Bình), cũng là một kỹ sư làm việc tại viện. Cuộc sống của hai vợ chồng anh Quả có thể nói là viên mãn, có nhà ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định), hai con ngoan hiền và nhiều cơ hội thăng tiến trong công tác. Không chỉ vậy, tháng 12/2015, anh Quả bảo vệ thành công luận án thạc sỹ tại trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội và được dự án ACIAR Việt Nam cấp học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Úc.

Từ chối đi Úc làm tiến sỹ, về quê trồng rau - 1

Kỹ sư Lê Thị Thanh Thủy đang dùng túi ni lông bọc quả trong trang trại để tránh côn trùng, thay vì phun thuốc. Ảnh: H.N.

Thế nhưng, đầu năm 2016, vợ chồng anh Quả quyết định bán nhà ở Quy Nhơn, dắt nhau về quê vợ, mua 2,5 ha đất ở xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) để trồng rau sạch. Quyết định của anh Quả chị Thủy khiến gia đình hai bên sốc nặng.

Bà Lê Thị Lời, mẹ ruột của anh Quả tâm sự: “Khi nghe chúng nó bán nhà, nghỉ việc về quê vợ trồng rau, tôi rụng rời chân tay. Tôi bắt xe đò trong đêm từ Hà Tây vào Quảng Bình mà lòng rối như tơ vò. Ở với vợ chồng nó một thời gian, giận chúng nó một mà thương chúng nó mười. Thấy vợ chồng nó suốt ngày quăng quật ngoài đồng ruộng, trời chưa rạng sáng hai đứa hai xe máy, chạy tất tả ngược xuôi để bán rau mà lòng tôi đau như cắt. Thôi thì cũng đành chiều lòng con, âu cũng là quyết định của chúng nó, sướng khổ chúng nó chịu”.

Nói về quyết định của mình, anh Quả cho hay: “Để có quyết định này, vợ chồng em đã trăn trở rất nhiều, khi mà bữa ăn hằng ngày của gia đình mình và bao người khác vẫn đầy hóa chất và thuốc trừ sâu. Vợ chồng em muốn làm một điều gì đó vì chính mình và vì cộng đồng. Trước mắt, chí ít thì em cũng cung cấp được một lượng thực phẩm sạch ra thị trường. Còn về lâu dài, em hi vọng đây sẽ là mô hình để nhiều người nhân rộng”.

Từ chối đi Úc làm tiến sỹ, về quê trồng rau - 2

Thạc sĩ Lê Đình Quả kiểm tra dàn cà chua tím được trồng trong nhà màng ni lông.

Hướng đến nền nông nghiệp sạch

Ngày đầu trở về quê, anh Quả, chị Thủy đối diện với không biết bao nhiêu khó khăn chồng chất. Toàn bộ vốn liếng bán ngôi nhà ở Quy Nhơn gần 600 triệu đồng, chỉ đủ để anh chị mua mảnh đất 2,5 ha. Nhằm tránh nguồn gây ô nhiễm, khu đất của vợ chồng anh Quả nằm tách biệt với khu dân cư, đây là trở ngại lớn đối với anh chị trong những ngày đầu khởi nghiệp. Ngay cả đường vào trang trại cũng không có, anh chị hằng ngày phải len lỏi qua những lối mòn hai bên đầy bụi rậm.

“Khi vườn rau của em đi vào ổn định, nguồn ra tốt, em sẽ vận động bà con quanh vùng cùng cải tạo, trồng rau sạch, hướng đến một nền nông nghiệp sạch cho thế hệ tương lai. Dù ước mơ đó hiện nay đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng nghĩ về tương lai phía trước, làm nông nghiệp sạch không chỉ giúp con người phát triển tốt mà còn bảo vệ cả nguồn nước, nguồn đất. Đó mới là tài sản vô giá mà chúng ta để lại cho mai sau”. 

Thạc sĩ Lê Đình Quả

Không còn vốn, đi vay thì nhiều người e ngại, vợ chồng anh Quả đành phải tự tay mình cày xới, đào kênh dẫn nước, lựa chọn giống rau phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Quảng Bình. “Nhớ lại ngày đầu mới về, giữa bốn bề sỏi đá, có lúc em thấy nản. Những lần đôi bàn tay rướm máu vì không quen cầm cuốc, em bật khóc như một đứa trẻ. Những khi gặp lại bạn bè, nhìn em lích kích với thùng xốp chở rau xanh đi bán, nhiều người ái ngại, em thấy tủi thân vô cùng. Nhưng nghĩ lại, tấm lưng chồng ướt đẫm mồ hôi giữa trưa nắng gắt, nghĩ tới những bữa ăn của bao gia đình rau xanh kèm bao thứ độc hại, em lại thêm quyết tâm để hiện thực giấc mơ cùng chồng” - chị Thủy tâm sự.

Sau bao bộn bề vất vả, vợ chồng anh Quả cũng đã xây dựng thành công một trang trại rau sạch trên vùng đất cằn sỏi đá, với tiêu chí “5 không”: không thuốc trừ sâu hóa học, không phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không giống biến đổi gen, không thuốc trừ cỏ. “Làm rau sạch đối diện với nhiều rủi ro, năng suất thấp hơn, chi phí cho thuốc trừ sâu thảo mộc, nhà lưới, làm bẫy sinh học cũng cao hơn nhiều so với trồng rau sử dụng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ. Nhưng bù lại, sản phẩm làm ra luôn an toàn cho người dùng, đặc biệt là trẻ con đang giai đoạn phát triển” – anh Quả chia sẻ.

Trồng được rau trên vùng đất khắc nghiệt đã khó, việc đưa ra thị trường còn khó gấp bội phần. Ban đầu không ít người cười mỉa, từ chối thẳng thừng vì họ không tin có loại rau, củ, quả nào mà không dùng phân đạm, thuốc trừ sâu. Để giải quyết khó khăn đầu ra cho sản phẩm của mình, vợ chồng anh Quả đã tìm đến các trường học trên địa bàn, với một niềm tin, các thầy cô giáo sẽ am hiểu hơn về an toàn thực phẩm.

Giới thiệu về rau sạch, hiệu trưởng các trường cũng quan tâm nhưng vẫn chần chừ, vợ chồng anh Quả đã mạnh dạn mời họ về tham quan trang trại để mục sở thị. Cứ thế, hợp đồng cung cấp rau sạch cho trường học ngày một nhiều thêm. “Việc đưa rau sạch vào trường học không đơn thuần chỉ là việc bán rau mà đó còn là một niềm vui lớn nhất của vợ chồng em. Tụi em chấp nhận bán giá ngang với giá rau mà các cô mua ngoài chợ. Mặc dù lời lãi không bao nhiêu, nhưng nghĩ đến các cháu được dùng thực phẩm sạch, em như có thêm niềm tin vậy. Sau này em mong muốn sản phẩm của em còn có tại bếp ăn của các bệnh viện. Thực phẩm tốt sẽ là nguồn dinh dưỡng tốt cho các bệnh nhân” - chị Thủy tâm sự.

Nói về dự tính tương lai, anh Quả cho biết: “Khi vườn rau của em đi vào ổn định, nguồn ra tốt, em sẽ vận động bà con quanh vùng cùng cải tạo, trồng rau sạch, hướng đến một nền nông nghiệp sạch cho thế hệ tương lai. Dù ước mơ đó hiện nay đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng nghĩ về tương lai phía trước, làm nông nghiệp sạch không chỉ giúp con người phát triển tốt mà còn bảo vệ cả nguồn nước, nguồn đất. Đó mới là tài sản vô giá mà chúng ta để lại cho mai sau”.

Không chỉ dừng lại cung cấp rau sạch cho các trường học, vợ chồng anh Quả đã mạnh dạn mở một quầy hàng tại thành phố Đồng Hới, chuyên bán các sản phẩm mình làm ra và của các trang trại sản xuất an toàn trên toàn quốc. Thương hiệu rau sạch An Nông của vợ chồng anh Quả, chị Thủy đã được nhiều người biết đến. Mới đây, Trung tâm Khuyến nông của Quảng Bình đã hỗ trợ đầu tư cho trang trại An Nông hai nhà màng ni lông 450 triệu đồng. Anh Quả đang ấp ủ cho ra đời đề tài nghiên cứu về trồng rau hữu cơ trên vùng đất khắc nghiệt của Quảng Bình, với mong muốn mô hình của mình ngày càng được nhân rộng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN