Tròn mắt ngắm cặp chân khủng của “vua gà” Đông Tảo
Thứ quý giá nhất của một con gà Đông Tảo chính là đôi chân. Nhờ cặp chân này, nhiều con có giá lên tới cả chục triệu đồng.
Xã Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) là địa danh nổi tiếng với giống gà quý hiếm bậc nhất Việt Nam. Gà Đông Tảo là nguồn thu chính của người dân nơi đây, thậm chí giúp hàng trăm hộ dân trở nên giàu có.
Thời gian vừa qua, Đông Tảo vừa trải qua một đợt "sóng gió" khi gà tại những cơ sở chăn nuôi bị chết hàng loạt. Ước tính, số gà chết từ trước tết Nguyên đán 2017 tới nay khoảng 10.000 con (tương đương 20% tổng số đàn gà).
Theo cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên là do gà bị bệnh tụ huyết trùng. Hiện tình trạng gà chết đã giảm, đàn gà đã khỏe mạnh và dần ổn định trở lại.
Những người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi gà Đông Tảo cho biết một con gà đẹp trước hết phải có cặp chân to, cựa dài, chân vẩy thịt tròn đều, mào đẹp, tếch dài, lông mượt và dáng thẳng cân đối.
Gà Đông Tảo có thể có giá bán lên tới 2 triệu đồng/kg, với trọng lượng trung bình một con gà trưởng thành là 4 kg, người mua phải bỏ ra khoảng 8 triệu đồng/con.
Gà Đông Tảo còn được mệnh danh là "vua gà", thường được mua để làm quà biếu hoặc lễ. Do giá trị rất cao, bên cạnh những con gà đẹp, các hộ dân cũng nuôi thêm gà thương phẩm, có giá "mềm" hơn.
Thịt gà Đông Tảo thơm ngon, nhất là cặp chân gà có giá trị dinh dưỡng cao. Các món ăn được chế biến từ gà Đông Tảo rất ngon, bổ như chân gà hầm thuốc bắc, thịt gà nướng lá chanh, gà nấu giả cầy.
Kinh tế của nhiều hộ tại Đông Tảo hiện phụ thuộc chính vào giống gà này. Toàn xã có khoảng 300-400 hộ nuôi với quy mô lớn và chuyên nghiệp. Còn lại, các hộ nuôi với số lượng nhỏ, từ vài chục đến khoảng 100 con.
Gà Đông Tảo rất dễ phân biệt trống và mái, dựa vào màu lông. Trong đó, gà trống có màu tía, trông rất sặc sỡ, chân to và đẹp; gà mái có màu vàng nhạt, chân nhỏ hơn.
Một con gà mái hiếm hoi có cặp chân "khủng". Chủ cơ sở này cho biết đã có người trả giá tới 4 triệu đồng cho con gà trong ảnh, nhưng ông chưa đồng ý bán. Đây là một trong những cặp chân mà rất ít khi có được.
Giá trị cao, nhưng sức đề kháng của gà Đông Tảo lại thấp hơn so với gà thông thường. Do đó, người nuôi phải đầu tư rất nhiều công sức, kĩ thuật và thời gian; chỉ cần một thay đổi nhỏ từ thời tiết, gà có thể đổ bệnh hoặc chết rất nhanh.
Các trang trại thường tự sản xuất và ấp gà con. Những con giống đẹp sẽ được chọn để nuôi phục vụ bán Tết; những con kém chất lượng sẽ được nuôi thương phẩm, bán lấy thịt khi đủ lớn.
Gà mái thường được nuôi để đẻ trứng. Trung bình, một con trống sẽ được nuôi nhốt cùng khoảng 5-7 con gà mái.
Cũng vì giá trị rất lớn, gà Đông Tảo được người dân bảo vệ kĩ lưỡng. Ngoài cổng sắt, chó trông nhà, nhiều hộ cẩn thận còn lắp thêm hàng rào kẽm gai và treo ống bơ để chống trộm.