Tràn lan vi phạm biển quảng cáo, ai tiếp tay?
Huyện Sóc Sơn, Nam Từ Liêm vi phạm quảng cáo nhiều nhất và việc xử lý vi phạm trong còn nhiều bất cập.
Đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã mọc lên dày đặc biển quảng cáo tấm lớn không phép
Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội vừa công bố số lượng vi phạm quảng cáo tại các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô; Trong đó, huyện Sóc Sơn, Nam Từ Liêm vi phạm quảng cáo nhiều nhất. Cũng theo Sở này, việc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt giữa ý kiến của các quận, huyện với các cơ quan liên ngành cũng khác nhau.
Sóc Sơn, Nam Từ Liêm vi phạm biển quảng cáo nhiều nhất
Theo quy định, các tuyến đường có dải phân cách dưới 3m thì không được phép dựng biển quảng cáo, nhưng hiện nay vẫn tồn tại nhiều biển quảng cáo dựng sai quy định, che khuất tầm nhìn, dẫn đến nguy cơ mất ATGT. Điển hình là tuyến đường Láng Hạ - Xã Đàn. Ngay tuyến phố lớn, mật độ giao thông đông đúc như đường Phạm Hùng có nhiều biển quảng cáo tấm lớn dày đặc, trong đó có đến 24 biển trái phép. Ngã tư Dương Đình Nghệ và Phạm Hùng “mọc” lên ba biển quảng cáo tấm lớn, những tấm biển này nằm ngay trên phân luồng giao thông, che khuất tầm nhìn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ATGT.
Ngã ba Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt biển quảng cáo tấm lớn dựng ngay trên hè đường hoàn toàn sai quy định. Đặc biệt, dưới chân cầu Nhật Tân, hai biển quảng cáo tấm lớn mọc trong khuôn viên Xí nghiệp Bê tông cầu Thăng Long bị tháo dỡ, chỉ vài tháng sau đã được dựng lại và treo suốt hai năm qua.
Hay chỉ sau một năm khánh thành, đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ trong thời gian ngắn đã mọc lên dày đặc biển quảng cáo tấm lớn không phép. Trong 4km tuyến đường này có đến 19 tấm biển quảng cáo tấm lớn dựng lên, bất chấp quy định trong khuôn viên Trung tâm Thể thao quận Tây Hồ chỉ một đoạn ngắn có ba biển quảng cáo tấm lớn. Ngay cả trong khuôn viên Trường THCS Xuân La cũng có biển quảng cáo.
Mặc dù UBND TP đã có văn bản cấm quảng cáo trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, nhưng sau hơn một năm có rất nhiều biển quảng cáo mọc lên. Toàn bộ các biển này đều xây dựng không phép trên đất công, đất tư, trong doanh nghiệp, cả trong khuôn viên các hộ dân. Trong khuôn viên Nhà ga T1, T2 Sân bay Nội Bài có các biển quảng cáo tấm lớn dựng lên không phép.
Theo danh sách thống kê từ Sở VH-TT Hà Nội (ngày 14/7/2016) có 156 bảng đứng độc lập dựng trái phép, đến ngày 8/8/2016 đã tăng lên 190 bảng biển vi phạm. Tương tự, cuối tháng 5/2016 có 149 hộp đèn quảng cáo đứng độc lập trên dải phân cách không được chấp thuận của cơ quan quản lý thì đến ngày 14/7 danh sách đen “vọt” thành 212 trường hợp.
Trong đó, vi phạm quảng cáo tấm lớn nhiều nhất phải kể đến huyện Sóc Sơn (68 bảng), Nam Từ Liêm (23 bảng).
Theo như thông tin chúng tôi tìm hiểu, TP Hà Nội chỉ còn 250 vị trí quảng cáo chào các doanh nghiệp nhưng trong suốt 5 năm nay không có doanh nghiệp nào vào. Bởi, họ muốn được dựng biển quảng cáo tại các ngã tư, ngã ba, trên đường cao tốc nên thời gian qua mới xảy ra trên 400 trường hợp vi phạm.
Trao đổi với Báo Giao thông mới đây, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, trên 400 trường hợp vi phạm thời gian qua thì huyện Sóc Sơn là nơi vi phạm dựng biển quảng cáo tấm lớn nhiều nhất. Chỉ trong một năm, có 43 biển quảng cáo tấm lớn đua nhau mọc lên. Đặc biệt, ông Động chỉ ra có 155 biển quảng cáo huyện này xin xã hội hóa với mục đích tuyên truyền chính trị, xã hội thế nhưng trong thời điểm kiểm tra thì nội dung của chúng lại không hề có tuyên truyền như đã cam kết.
Ai tiếp tay cho sai phạm quảng cáo?
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Lợi, PGĐ Sở VH-TT Hà Nội cho biết, có 39 doanh nghiệp vi phạm quảng cáo. Khi hỏi về vấn đề giải quyết các vi phạm trên đã được diễn ra chưa và nếu diễn ra thì như thế nào? Ông Lợi cho hay, hơn một tháng qua, sau quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành của Chủ tịch UBND TP, các quận, huyện gần như đã nắm được tinh thần xử lý biển bảng quảng cáo vi phạm trên địa bàn. Nhưng trong 13 quận, huyện có bảng quảng cáo đứng độc lập vi phạm thì chỉ có vài ba đơn vị rục rịch xử lý...
Giải thích về việc bất cập trong xử lý, ông Lợi chỉ ra nhiều doanh nghiệp, đơn vị có tư tưởng rằng hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ không triệt để nên thời gian vừa rồi đã “tranh thủ” vi phạm thêm. Việc cố tình vi phạm, thái độ chây ì không chịu tháo dỡ của một số doanh nghiệp khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động quảng cáo trên địa bàn Hà Nội.
Ông Lợi bức xúc cho hay, phía Sở có yêu cầu cắt điện các biển tấm lớn để xử lý sai phạm các doanh nghiệp vi phạm quảng cáo, thì phía ngành Điện của quận, huyện chủ quản đó nói “cái này liên quan đến hợp đồng”. Khi Sở hỏi “hợp đồng đó có hợp pháp hay không thì ngành Điện không trả lời được”. Ông Lợi nhấn mạnh: “Làm sao kí hợp đồng với một đơn vị sai phạm được?”.
Tuy nhiên, thực trạng vi phạm về biển quảng cáo tràn lan như hiện nay, không thể nói Sở VH-TT Hà Nội vô can. Bởi, với vai trò quản lý nhà nước, sở này còn có trách nhiệm quy hoạch về quảng cáo. Nhưng việc làm này thực hiện quá chậm. Cùng đó, việc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo theo đại diện Sở VH-TT Hà Nội thừa nhận rằng: “Còn nhiều bất cập, vì giữa ý kiến của các quận, huyện với các cơ quan liên ngành có nhiều ý kiến trái chiều nên trong quá trình triển khai không có sự đồng thuận, đã dẫn đến hiệu quả của việc xử lý vi phạm chưa cao” .
Về giải pháp chấn chỉnh, ông Tô Văn Động cũng chỉ đưa ra biện pháp rất thụ động rằng: “Sở VH-TT Hà Nội sẽ kiến nghị với UBND TP Hà Nội về việc thu hồi vĩnh viễn giấy phép đối với những doanh nghiệp có nhiều sai phạm liên tiếp”.