Trái vải xuất khẩu dễ “tắc” ở Nội Bài
Vướng thủ tục soi chiếu an ninh hàng không, doanh nghiệp xuất khẩu vải tươi sang Mỹ, Úc đang gặp khó khi hàng lên máy bay.
Khoảng 10 ngày nữa là vào vụ xuất khẩu vải thiều nhưng doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với những khó khăn mới. Để giải quyết vướng mắc, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa tổ chức cuộc họp khẩn để tìm cách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN đưa trái vải lên máy bay.
Nên áp dụng như sân bay Tân Sơn Nhất
Ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế Logistic Hoàng Hà (Công ty Hoàng Hà), cho biết vẫn chưa tìm được cách để xuất khẩu trái vải tươi từ sân bay Nội Bài dù Hà Nội đã có trung tâm chiếu xạ. Theo yêu cầu của khách hàng, toàn bộ trái vải xuất khẩu sang Mỹ, Úc phải được chiếu xạ để diệt mầm bệnh. Năm rồi, chỉ TP HCM có trung tâm chiếu xạ nên trái vải phải vòng vèo từ vùng nguyên liệu Bắc Giang, Hải Dương vào đây diệt mầm bệnh rồi xuất khẩu từ sân bay Tân Sơn Nhất. Năm nay, rút ngắn được khoảng cách nhưng thủ tục lại rắc rối hơn do cách vận dụng cơ chế khác nhau. Ở
TP HCM, đơn vị an ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất cử nhân viên đến trung tâm chiếu xạ giám sát, trực tiếp dán tem rồi áp tải trái vải bàn giao cho an ninh sân bay đưa vải lên máy bay, không phải qua khâu soi chiếu. Ở Hà Nội lại không có cơ chế này. “Chỉ một tuần nữa là thu hoạch vải thiều chính vụ, chúng tôi mong Cục HKVN cử nhân viên an ninh đến giám sát tại kho hàng. Trái vải lúc nào cũng phải giữ ở nhiệt độ 5 độ C theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Nếu soi chiếu an ninh tại sân bay sẽ làm giảm độ tươi của lô hàng, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, ảnh hưởng đến uy tín của DN” - bà Đặng Thị Thanh Hải, Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Công ty Hoàng Hà, kiến nghị.
Nếu không có phương án xuất khẩu hợp lý, nguồn cung trái vải sẽ vượt cầu như những năm trước Ảnh: Văn Duẩn
Theo ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng Phòng An ninh hàng không Cục HKVN, việc giám sát an ninh tại cơ sở nằm ngoài sân bay đã được thực hiện đối với một số hàng hóa xuất khẩu như điện thoại, linh kiện của Samsung. Để được giám sát ngoài sân bay, DN chỉ cần xây dựng quy chế phù hợp với quy định của pháp luật, trình Cục HKVN phê chuẩn.
Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảng Hàng không Nội Bài, lại cho rằng việc giám sát an ninh phải thận trọng, chỉ cần một đối tượng chưa “sạch” xâm nhập là rất nguy hiểm. Tạo thuận lợi cho DN là cần thiết nhưng quy trình an ninh hàng không phải được tuân thủ chặt chẽ. Do đó, không nên kiểm tra an ninh ngoài sân bay mà phải soi chiếu tại kho hàng không.
Trước quan điểm của Cảng Hàng không Nội Bài, ông Lê Nhật Thành, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), phản ứng: “Sân bay Nội Bài chỉ có 2 máy soi chiếu container hàng hóa, nếu một máy bất ngờ hỏng thì DN lãnh đủ”.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục HKVN, đề xuất có thể liện hệ với Bộ Tư lệnh Cảnh vệ để xin hỗ trợ máy soi chiếu an ninh cho kịp mùa vụ xuất khẩu vải thiều. Bên cạnh đó, Cục HKVN sẽ đề nghị Tổng Công ty Cảng HKVN (ACV) chấp thuận quy trình an ninh đối với trái vải xuất khẩu như đang áp dụng tại TP HCM. Đồng thời, xây dựng thêm phương án kiểm tra trực tiếp tại sân bay để dự phòng.
Chi phí gián tiếp chiếm hơn 2/3 giá thành
Một khó khăn khác được Công ty Hoàng Hà nêu ra là chi phí vận tải cao. Để bảo đảm độ tươi của trái vải, công ty này ưu tiên sử dụng dịch vụ của Vietnam Airlines (VNA) do có nhiều đường bay thẳng. Song chi phí xử lý đối với trái vải (hàng mau hỏng) của VNA cao hơn từ 30-40 cent/kg so với hàng hóa thông thường, trong khi một số hãng bay khác như Thai Airways thu cao hơn 10 cent/kg. Đây là nguyên nhân khiến trái vải Việt Nam giảm sức cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Năm 2015, nhiều DN chấp nhận lỗ để làm tiếp thị trái vải ở thị trường nước ngoài vì cước vận chuyển và các loại chi phí khác chiếm hơn 2/3 giá thành trái vải.
Đại diện Công ty Hoàng Hà thắc mắc để vận chuyển hàng từ kho chiếu xạ ra sân bay, DN phải sử dụng container chuyên dụng của hãng hàng không. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, công ty được VNA cho mượn container nhưng tại sân bay Nội Bài, VNA lại yêu cầu đặt cọc bằng USD, phải có xe chuyên dụng (có thanh nâng) cùng nhân viên được cấp phép vận hành. Tại cuộc họp, đại diện VNA khẳng định đã là quy trình thì phải áp dụng như nhau. Công ty Hoàng Hà được tạo điều kiện thuận lợi ở sân bay Tân Sơn Nhất có thể do quan hệ tốt. VNA đang xem xét cước vận chuyển ưu đãi cho trái vải, có thể giảm 30%.
Ông Võ Huy Cường khẳng định: “Nếu quan hệ tốt mà tháo gỡ được thì tôi sẽ quan hệ với VNA để giải quyết sớm vấn đề container”.
Là người trực tiếp mở cửa thị trường xuất khẩu cho trái vải, ông Lê Nhật Thành đề nghị: “Trái vải xuất khẩu từ Nội Bài mới tiết kiệm được chi phí. Do đó, vướng mắc trong soi chiếu an ninh cần được tháo gỡ sớm để kịp mùa vụ”.