Trả lại thị trường cho người kinh doanh gas
Người kinh doanh có thể sẽ không phải đầu tư thêm hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng để đầu tư vào hệ thống bồn chứa, bình gas.
Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí để trình Chính phủ. Trong đó, Bộ đã bỏ hầu hết các điều kiện kinh doanh trong hoạt động kinh doanh gas.
“Các điều kiện kinh doanh này dẫn đến việc loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mới vào thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp đã có quá trình đầu tư, hoạt động có hiệu quả. Mỗi doanh nghiệp sẽ buộc phải đầu tư thêm hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng để đầu tư vào hệ thống bồn chứa, bình gas”, Bộ công thương lý giải.
Cái gì của thị trường thì trả lại cho thị trường
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: “Tôi ủng hộ dự thảo thay thế Nghị định 19/2016 của Bộ Công Thương. Những thay đổi trong dự thảo của Bộ Công Thương thực sự đã đem lại niềm vui cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh gas. Điều này thể hiện những vấn đề bức thiết của doanh nghiệp nhỏ đã được các bộ ngành lắng nghe bằng một bản dự thảo thay thế với tinh thần 5 bỏ”.
Theo ông Đức, tinh thần bỏ các điều kiện kinh doanh không có nghĩa là cắt bỏ điều kiện kinh doanh, mà đúng hơn là cắt bỏ điều kiện kinh doanh bất hợp lý và thay vào đó là các điều kiện kinh doanh hợp lý hơn.
Các quy định mới trong dự thảo tập trung vào yếu tố an toàn và chất lượng của khí gas, của bình chứa, bồn chứa, trạm nạp, phương tiện vận tải. Đây là nội dung chính của việc quản lý nhà nước về khí gas.
“Còn vấn đề quy mô kinh doanh bao nhiêu là phù hợp thì Nhà nước đã buông và để thị trường tự quyết định. Nhà nước đã làm đúng vai trò của mình, là bảo đảm an toàn và chất lượng hàng hóa, còn cái gì của thị trường đã trả lại cho thị trường”, ông Nguyễn Minh Đức nói.
Trước đó nhiều doanh nghiệp nhỏ kinh doanh gas đã thở phào khi biết Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo sửa đổi quy định về kinh doanh gas, trong đó dự kiến sẽ bỏ nhiều điều kiện trói doanh nghiệp. Bà Trương Thị Vàng, Giám đốc một công ty gas ở Đồng Nai, cho biết hiện vẫn đang loay hoay với quy định muốn phân phối gas, DN phải có tối thiểu từ 100.000 vỏ bình gas và có bồn chứa 300 m3 tại Nghị định 19.
Kể từ khi có thông tin về việc Bộ Công Thương sẽ sửa đổi Nghị định 19/2016, niềm hy vọng của bà Vàng lại “sống” lại: “Tôi vui lắm. Vì nếu sửa đổi theo hướng mà dự thảo của Bộ Công Thương đưa ra thì tôi không cần phải tốn tới 50 tỉ đồng để mua vỏ bình, dành tiền đó đầu tư các dịch vụ khác. Đúng là chúng tôi như chết đi sống lại” - bà Vàng hồ hởi.
Nhiều công ty kinh doanh gas khác cũng có chung tâm trạng.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ kinh doanh gas đã thở phào khi biết Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo sửa đổi quy định về kinh doanh gas, trong đó dự kiến sẽ bỏ nhiều điều kiện trói doanh nghiệp
Tăng hậu kiểm
Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Thái Bình Dương - Pacific Petro (TP.HCM), chủ nhãn hàng Pacific Gas không đồng tình với quy định bỏ các điều kiện kinh doanh khí hóa lỏng mà dự thảo của Bộ Công Thương đưa ra và cho rằng điều này sẽ dẫn đến tình trạng loạn thị trường gas.
Ông Tùng cho biết, năm 2010, Nghị định 107 về kinh doanh gas ra đời quy định điều kiện doanh nghiệp kinh doanh gas phải có 300.000 vỏ bình và bồn chứa 800m3. Tại thời điểm đó, doanh nghiệp của ông phải vay ngân hàng một khoản tiền rất lớn đầu tư với đầy đủ trang thiết bị đáp ứng điều kiện kinh doanh.
Sau đó vào năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định 19 đã rút bớt điều kiện về vỏ bình và bồn chứa xuống 50%. Với mức điều kiện này phần lớn đáp ứng được khả năng của các doanh nghiệp.
“Gas là ngành nghề có điều kiện và cần có trang thiết bị nhưng cũng không thể đưa ra điều kiện quá thấp. Với điều kiện bồn chứa 300 m3 và 150.000 vỏ bình là rất phù hợp với mọi đối tượng doanh nghiệp. Trong khi đó dự thảo mới của Bộ Công Thương lại bỏ hết điều kiện cơ sở hạ tầng kinh doanh gas là điều bất hợp lý”- Ông Tùng nêu quan điểm.
Ông Lê Xuấn Tuyến, Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Xô Gas (Thái Bình), cũng nhìn nhận gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên cần đầu tư trang thiết bị đầy đủ, bài bản, hướng đến mục tiêu kinh doanh lâu dài. Nếu tiếp tục hạ chuẩn điều kiện kinh doanh sẽ dẫn đến tình trạng các thương nhân không đủ năng lực được kinh doanh tràn lan, ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc tuân thủ các quy định kinh doanh gas.
Về vấn đề này, trong tờ trình, Bộ Công Thương cho hay sẽ quy định cụ thể các quy định liên quan đến an toàn đối với cơ sở tồn chứa khí; an toàn đối với trạm nạp, trạm cấp khí; an toàn trong vận chuyển giao nhận khí; an toàn đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai; an toàn đối với cơ sở sản xuất, sửa chữa chai LPG.
“Các cơ sở vật chất này của thương nhân kinh doanh khí sẽ được quản lý theo quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật”, Bộ Công thương cho biết.
Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra hậu kiểm đối với các thương nhân kinh doanh khí và tăng cường phân cấp cho các lực lượng ở địa phương để kiểm tra giám sát các thương nhân trong việc thực hiện trong lĩnh vực này.
Dự thảo thay thế Nghị định 19 sẽ: 1. Bỏ quy định thương nhân đầu mối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG 2. Bỏ quy định thương nhân phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí 3. Bỏ loại hình thương nhân phân phối khí, tổng đại lý và đại lý kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng 4. Bỏ quy định thương nhân kinh doanh khí phải thiết lập hệ thống phân phối 5. Bỏ quy định yêu cầu tất cả các thương nhân kinh doanh khí phải dự trữ lưu thông mặt hàng khí 6. Bổ sung các quy định liên quan đến an toàn 7. Giảm thời hạn cấp các Giấy chứng nhận đủ điều kiện từ 30 ngày làm việc xuống còn 15 ngày |