Thuốc lá lậu gây thất thu 10.000 tỷ/năm, ảnh hưởng sức khỏe người dân
Tại một hội nghị tuyên truyền về tác hại của buôn bán, vận chuyển tàng trữ thuốc lá nhập lậu diễn ra ở Đồng Tháp ngày 3/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) cho rằng, nạn buôn lậu thuốc lá ngày càng diễn ra tinh vi và có nguy cơ bùng phát trở lại.
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho hay, buôn lậu thuốc lá gia tăng vì thuốc lá có sức hấp dẫn do lợi nhuận cao, gọn nhẹ, dễ vận chuyển. Buôn lậu thuốc lá trốn được tất cả các loại thuế gồm: thuế tiêu thụ đặc biệt 70%; đóng góp Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 1,5%; thuế giá trị gia tăng 10%; và thuế nhập khẩu 135%. Trong khi đó, đối tượng buôn lậu chủ yếu là nhóm cư dân biên giới không có việc làm ổn định nếu họ không buôn lậu thì không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập; địa bàn để tham gia vận chuyển thuê hàng lậu…
Theo các kiểm nghiệm gần đây tại Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an và Viện Thuốc lá đã cho thấy tỷ lệ các thành phần độc hại (ví dụ như coumarin) và tỷ lệ các thành phần khác như: tar và nicotin trong các mẫu thuốc lá Jet và Hero nhập lậu (là hai sản phẩm thuốc lá lậu chủ yếu, hiện chiếm tới 80-90% tổng lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam) đều vượt quá mức cho phép của Bộ Y tế.
Cơ quan chức năng thu giữ thuốc lá lậu tại An Giang. Ảnh: CTV.
Cũng Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, ngành sản xuất thuốc lá trong nước vẫn còn đóng góp ngân sách cho nền kinh tế ở mức cao, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Cụ thể hằng năm, ngành thuốc lá nộp ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD/năm). Trong khi đó, buôn lậu thuốc lá không chỉ gây thất thu ngân sách gần 10.000 tỷ đồng/năm mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự an ninh xã hội, tác động xấu đến sức khỏe cho nhiều người…
Ngày 23/7/2017, tại huyện Thanh Bình, Đồng Tháp ô tô mang biển số 64A-02882, trên xe chở 4.777 gói thuốc lá nhập lậu đã di chuyển với tốc độ cao dẫn đến mất lái va chạm với 3 cháu nhỏ, khiến 1 cháu bị tử vong.
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp-điểm nóng buôn lậu thuốc lá từ Campuchia đổ về Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh này chủ động kiểm tra 508 vụ vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xử lý 288 vụ, trong đó: Phạt tiền và tịch thu tang vật 168 vụ, với tổng số tiền 1,08 tỷ đồng; tịch thu tang vật vắng chủ 120 vụ thu gồm 41.135 bao thuốc lá nhập lậu, 20 mô tô đã qua sử dụng, ước trị giá tang vật và phương tiện tịch thu 508.548.000 đồng.
Từ nay tới cuối năm 2017 rất thuận lợi cho buôn lậu thuốc lá, bởi các văn bản pháp lý xử lý thuốc lá nhập lậu có tính răn đe đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 (Luật hình sự sửa đổi điều 190, 191 theo hướng coi thuốc lá lậu là hàng cấm, truy cứu trách nhiệm hình sự và phạt người buôn bán, tàng trữ hàng cấm với khung hình phạt cao nhất đến 15 năm).