Thuốc độc bán chung với... bánh kẹo
Tình trạng bán chui thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở Quảng Trị đã đến mức báo động, buộc Sở NNPTNT phải đề nghị UBND tỉnh này ra chỉ thị toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường công tác quản lý thuốc BVTV nhằm hướng đến nền nông nghiệp sạch.
Dễ mua, thuốc gì cũng có
Trong vai một nông dân đi mua thuốc BVTV, phóng viên NTNN - Dân Việt tìm đến cửa hàng tạp hóa ở một ngôi chợ nhỏ vùng đồng bằng huyện Gio Linh. Trên sạp hàng, thuốc BVTV được chủ quán để ở một góc, gần với các thực phẩm bánh kẹo, nước ngọt… Ở một cửa hàng khác, chủ quán cẩn thận hơn nên đã lấy vài thanh gỗ khoanh thành ô nhỏ dành riêng “trưng bày” thuốc BVTV...
Mua bán thuốc BVTV chui tại một cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ ở vùng quê Quảng Trị. Ảnh: NV
Khi chúng tôi bày tỏ lo ngại việc thuốc BVTV để lẫn các mặt hàng tiêu dùng, bán thuốc BVTV không xin phép, một người bán thuốc BVTV cười trừ phân bua: “Tôi biết bán thuốc BVTV phải có giấy phép. Tự ý bán chui là sai nhưng vì phục vụ bà con nên…”.
"Trước diễn biến phức tạp của việc buôn bán thuốc BVTV chui, Sở đã phải đề xuất UBND tỉnh ra chỉ thị toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường công tác quản lý thuốc BTVT nhằm hướng đến nền nông nghiệp sạch”. Ông Trần Thanh Hiền - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị |
Theo tìm hiểu của phóng viên tại nhiều vùng nông thôn ở Quảng Trị, các điểm bán “chui” thuốc BVTV chủ yếu phục vụ khách quen. Một số người bán “chui” mặt hàng này từng bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhưng sau đó họ vẫn tiếp tục “hành nghề”, thuốc BVTV được cất dấu kĩ, khi nào khách - chủ yếu người quen đến hỏi mua mới đem ra bán. Để an toàn hơn nữa, một số người đem thuốc về nhà riêng để bán.
Những cửa hàng đủ điều kiện bán thuốc BVTV đa số ở nơi đô thị. Khách hàng mua thuốc BVTV lại là nông dân, ngại đường xa, muốn mua thuốc ở nơi gần, thuận tiện rồi dần trở thành thói quen. Hầu hết nông dân và người bán thuốc đều không có chuyên môn nghiệp vụ, không được đào tạo nên cứ đoán bệnh, đoán thuốc để mua bán. Bởi vậy, có không ít nông dân Quảng Trị tiền mất, tật mang khi mua phải thuốc BVTV giả hoặc mua thuốc không đúng bệnh, dùng không đúng liều…
Điều đáng buồn là tình trạng thuốc BVTV giả tràn lan và những hệ lụy đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng người mua chẳng mấy quan tâm.
Cần quản lý chặt hơn
Thống kê sơ bộ của các ngành chức năng, bình quân mỗi năm nông dân Quảng Trị sử dụng hơn 80 tấn thuốc BTVT. Qua kiểm tra, ngoài 80 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV thì vẫn còn hơn 100 điểm buôn bán thuốc chui, không đảm bảo các điều kiện về kho quầy, bảo hộ lao động, trình độ chuyên môn về thuốc BVTV của người đứng bán.
Cơ quan chức năng Quảng Trị kiểm tra một điểm bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Ảnh: NV
Thuốc BVTV bán sai quy định, kèm cặp với các loại hàng hóa vật tư nông nghiệp, lương thực thực phẩm và hàng tạp hóa khác tại các chợ và hộ gia đình, hoạt động lén lút theo thời vụ. Người dânsử dụng thuốc BVTV quá lạm dụng, pha chế không đúng cách, vứt bao bì không đúng nơi quy định… gây hậu quả xấu đến sản xuất, môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Bà Nguyễn Hồng Phương - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị cho biết, khi bán thuốc BVTV mà không có nghiệp vụ chuyên môn sẽ bán không đúng loại thuốc, không đúng bệnh, không đúng liều lượng dẫn đến tốn kém, hiệu quả thấp, ô nhiễm môi trường và còn gây hiện tượng kháng thuốc của cây trồng…
Theo bà Phương, hiện nay người tiêu dùng rất chú trọng đến nông sản sạch nên việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan, lạm dụng sẽ không mang lại hiệu quả, uy tín người sản xuất mất đi khiến giá trị nông sản sụt giảm.