Thực phẩm sau Tết không tăng giá, sức mua yếu

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Ngay từ chiều mùng 2 Tết (ngày 17-2), đã có lác đác người bán rau, cá mở hàng bán lại tại các chợ, và chợ tạm ở Hà Nội. Thời tiết trước và trong Tết năm nay đẹp, không quá lạnh, chỉ lấy phất mưa xuân nên các loại rau, củ phát triển tốt. Thêm các hệ thống siêu thị bán lẻ cũng sớm mở cửa trở lại nên dự kiến, nguồn dồi dào và sẽ không còn cảnh chặt chém, tăng vọt giá sau tết.

Như mọi năm, các mặt hàng được bán sớm trở lại là rau xanh và cá, hải sản. Từ chiều mùng 2 và cả ngày mùng 3 Tết, khảo sát của chúng tôi tại nhiều chợ bán lẻ cho thấy, lác đác mới có người đi chợ. Tuy nhiên, sang ngày mùng 4 Tết, sức mua đã tăng dần, tập trung vào các mặt hàng thay thế mâm cỗ Tết. Tại chợ Gia Lâm, một trong những chợ lớn của quận Long Biên, nhiều quầy hàng bán rau, cá, tôm, ngao đã tấp nập người mua.

Giá cả đắt hơn ngày thường không đáng kể. Giá cá chép to 85 nghìn đồng/kg, đắt hơn trước Tết 10 nghìn đồng/kg. Cá trắm cỏ được bán 80 nghìn đồng/kg và cá trắm đen có mức giá 160 nghìn đồng/kg, bằng giá thời điểm trước Tết.

Thực phẩm sau Tết không tăng giá, sức mua yếu - 1

Giá cả thực phẩm sau Tết tại các chợ không tăng nhiều.

Chị Hoa, tiểu thương bán cá tại chợ Gia Lâm cho biết, người mua tuy chưa nhiều như ngày thường, nhưng chị cũng lấy đủ loại về vì theo kinh nghiệm, đến ngày mùng 5 - mùng 6 Tết sức mua sẽ tăng mạnh.

"Chủ yếu mọi người mua cá về ăn lẩu, hấp, hay sốt cà chua. Nhưng hai, ba năm nay chúng tôi lấy hàng về bán giá không bị tăng nên bán lẻ ra cũng không tăng", chị Hoa cho biết.

Còn tại phố Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), các hàng bán rau xanh cũng đã bày bán đầy đủ các loại rau. Phong phú về chủng loại, thuận lợi về thời tiết nên rau xanh phát triển mạnh, non và xanh tốt. Giá cả hầu như không thay đổi so với trước Tết. Giá một mớ rau cần vẫn ở mức 9-10 nghìn đồng. Cải cúc có giá 4.000 đồng/mớ. Rau xà lách 20-25 nghìn đồng/kg.

Riêng giá các loại nấm có tăng nhưng cũng không quá biến động. Nấm hải sản có giá 150 nghìn đồng/kg; nấm kim châm có giá 20 nghìn đồng/túi. Sang ngày mùng 4 Tết, nhiều chợ cũng đã xuất hiện các quầy bán thịt lợn, thịt bò. Nhưng người bán cũng chỉ lấy dè chừng.

Chị Hoàng Thị Thắm, tiểu thương kinh doanh thịt lợn chợ tạm phố Vĩnh Hồ (quận Đống Đa) cho biết, trước Tết, riêng quầy hàng chị bán hết 1 con lợn/ buổi nhưng những ngày này, chị và ba người nữa chung nhau một con bán cũng thấy lo. "Ngày đẹp nên tôi mở hàng thôi chứ vừa ngập trong cỗ Tết toàn thịt, ít người mua lắm. Chủ yếu họ mua xương về ninh nước ăn lẩu hoặc sườn", chị Thắm chia sẻ.

Hoa tươi cũng không có sự khác biệt về giá so với thời điểm sát Tết Nguyên đán. Đặc biệt, trong những ngày Tết, chủ yếu người bán phục vụ các loại hoa có hương thơm dành cho khách đi lễ chùa. Hoa ly có giá 200 nghìn đồng/bó chục cành. Các loại cúc đại đóa và hồng thơm được bán với giá 7 nghìn đồng/bông.

Về phía người tiêu dùng, xu hướng vài năm trở lại đây, giá cả thực phẩm trong những ngày Tết không biến động cũng khiến họ dễ chịu, dần từ bỏ tâm lý tích trữ thực phẩm nhét đầy các tủ lạnh từ trước Tết. "Trước đây, sợ sau Tết thực phẩm đắt đỏ, nhà tôi phải mua ê hề thịt, cá, cất hộp lớn hộp nhỏ chật kín ngăn đá tủ lạnh. Rau su hào, bắp cải có khi phải để cả dưới gầm giường.

Nhưng vài năm nay, tôi chỉ mua vừa đủ ăn hết ngày mình 2 Tết. Sang đến mùng 3 đi chợ mua đồ tươi. Ăn vừa ngon, vừa tiện", bác Thanh Ngân, ngõ 95 Chùa Bộc cho biết. Để đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội dành khoảng 26 nghìn tỷ đồng dự trữ hàng hoá.

Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung vào mặt hàng như: gạo, thịt, trứng, hải sản, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát và các mặt hàng về may mặc, điện máy với trị giá hàng hóa ước khoảng 26 nghìn tỷ đồng.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đơn vị này đã có kế hoạch theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa trên địa bàn TP, đẩy mạnh công tác an toàn thực phẩm. Trong đó chú trọng đến nhóm hàng lương thực, thực phẩm và các hàng hóa dịch vụ thiết yếu phục vụ Tết.

Sở cũng sẽ có các biện pháp để bình ổn thị trường, cung cầu hàng hóa hợp lý trong dịp Tết Nguyên đán, tránh để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Sở Công Thương Hà Nội cũng là đầu mối kết nối các đơn vị sản xuất và phân phối, giữa các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP với các tổ chức cá nhân trên cả nước nhằm thúc đẩy sản xuất, phân phối hàng hóa an toàn, phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Yến (CAND)
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN