“Thiên đường đồ Nhật” dưới gầm cầu Thăng Long”: Giật mình trước sự thật
Qua kiểm tra, chủ cơ sở thừa nhận hầu hết các đồ ở đây là hàng nội địa, có một số của Nhật sản xuất. Tuy nhiên, đó là đồ thu mua sắt vụn chứ không nhập từ nước ngoài về như quảng cáo lâu nay.
Chủ cơ sở thừa nhận “nói quá” để bán hàng
Khoảng 1 năm trở lại đây, giới buôn bán máy móc, hàng hóa và người dân có nhu cầu thường xuyên tìm đến một khu vực rộng cả trăm mét vuông nằm dưới gầm cầu Thăng Long (thuộc địa phận xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội). Chủ cơ sở giới thiệu và đăng tải công khai trên mạng xã hội đây là hàng nội địa Nhật Bản với đủ loại, từ máy khoan, máy bơm nước, máy phát điện đến điều hòa, tủ lạnh, máy giặt... Theo lời người này, mỗi lần xưởng nhận cả trăm tấn hàng nhưng do khách đông nên chỉ sau vài ngày là vãn.
Các loại máy móc nằm la liệt trong xưởng. Hầu hết các đồ ở đây là hàng phế liệu chứ không nhập từ Nhật về. ảnh: TG
Đáng lưu ý, phía Công ty cổ phần Đường sắt Hà Thái – Đơn vị được giao quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt trên khu vực cầu Thăng Long cho biết: Việc buôn bán, kinh doanh các mặt hàng máy móc ở đây là tự phát và không được cơ quan chức năng cho phép. Nhận thấy đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ cầu Thăng Long, công ty này đã tiến hành lập biên bản xử phạt và gửi báo cáo đến các cơ quan quản lý nhà nước liên quan nhưng đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra khu xưởng buôn bán dưới gầm cầu Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: PV
Sau khi Báo Gia đình & Xã hội đăng tải bài viết: “Thâm nhập “thiên đường đồ Nhật” dưới gầm cầu Thăng Long”, Đội Quản lý thị trường số 9 và số 1 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với Phòng Phòng chống buôn lậu của Cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh của chủ cơ sở nói trên.
Tại buổi kiểm tra ngày 21/11, lực lượng chức năng xác định: Hầu hết, các hàng hóa bày bán ở đây đều đã qua nhiều đời sử dụng. Chủ cơ sở là Đinh Văn Nam cũng đã xuất trình được một số giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ khi thu mua từ các địa phương và một số nhà máy trong các khu công nghiệp.
Trả lời câu hỏi của PV Báo Gia đình & Xã hội về việc quảng cáo 100% máy móc ở xưởng là hàng nội địa Nhật Bản, ông Đinh Văn Nam – Chủ cơ sở cho biết: “Tất cả hàng hóa đều là nội địa, có một số của Nhật sản xuất, tuy nhiên đây là hàng phế liệu thu mua sắt vụn ở trong nước chứ tôi không nhập từ nước ngoài về. Buôn bán mà, mình phải “nói quá” thế người ta mới tìm đến”. Người đàn ông này cũng cam kết từ nay sẽ quảng cáo đúng sự thật để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Không di dời, sẽ cưỡng chế tình trạng lấn chiếm
Các gian hàng được dựng lên bằng những tấm tôn và khung sắt ngay dưới gầm cầu Thăng Long.
Theo phản ánh, tình trạng chủ cơ sở tư nhân đổ bê tông kiên cố, quây tôn một khu vực rộng dưới gầm cầu Thăng Long để buôn bán đã gây mất mỹ quan đô thị, làm ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông khu vực.
Bác Nguyễn Quang Chiến, một người sống gần Cầu Thăng Long cho biết: “Điểm giao cầu Thăng Long vào nội thành được xem là một cửa ngõ quan trọng vì lưu lượng phương tiện qua lại khá lớn. Khu buôn bán này ngày càng hoạt động rầm rộ khiến lưu lượng người và phương tiện qua lại cũng đông hơn và thường xuyên xảy ra ùn tắc gây bức xúc”.
Theo quan sát của phóng viên, khu chợ đồ cũ dưới chân cầu Thăng Long được quây lại bằng tôn, và lắp đặt 3 dãy kệ có nhiều tầng bằng khung sắt chứa đồ đạc để người mua dễ tìm kiếm. Hầu hết, các sản phẩm bày bán tại đây đã qua sử dụng. Nhiều sản phẩm hoen rỉ, đã hư hỏng, nếu muốn sử dụng phải gia công lại. Chính vì vậy, có khoảng 3-4 người thợ ngồi sửa đồ đạc cho khách hàng.
Khách đến mua chủ yếu là một số thợ sửa chữa đồ cũ. Họ đến tìm mua một số bộ phận máy móc, thiết bị có thể sử dụng để về lắp vào máy móc khác. Ngoài ra, có người đến mua một số đồ dùng có giá rẻ, tuy cũ nhưng vẫn có thể sử dụng được.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề trên, đại diện Công ty cổ phần đường sắt Hà Thái cho biết, đơn vị này vừa kết hợp với Phòng Thanh tra an toàn 1 – Cục đường sắt Việt Nam tiến hành kiểm tra việc lấn chiếm nghiêm trọng hành lang bảo vệ cầu Thăng Long.
“Tại thời điểm kiểm tra ngày 21/11, cơ sở này vẫn đang hoạt động buôn bán bình thường. Chúng tôi đã tiến hành lập biên bản, anh Đinh Văn Nam cũng đã thừa nhận hành vi sai phạm và hứa sẽ di dời hàng hóa trong vài ngày tới để trả lại hiện trạng ban đầu cho khu vực gầm cầu từ trụ B7 – B9”, ông Nguyễn Duy Út, cán bộ công ty cho biết.
Cũng theo ông Út, Công ty cổ phần đường sắt Hà Thái sẽ liên tục kiểm tra cơ sở trong những ngày tới về tiến độ di dời hàng hóa, nhà xưởng. “Nếu trong 3 ngày tới mà cơ sở vẫn chưa tiến hành di dời xong, chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị UBND xã Hải Bối tiến hành cưỡng chế”, ông Út khẳng định.
Không thấy ai phạt nên “làm liều” Ông Đinh Văn Nam - Chủ sở hữu kho hàng đồ cũ dưới gầm cầu Thăng Long cho biết, gia đình ông đã đổ nền bê tông dưới chân cầu và quây tôn từ trụ B7 đến B9 năm 2016 nhưng mới chuyển hàng ra để buôn bán khoảng 4 tháng nay. Cũng theo chủ cơ sở này, khi tiến hành xây dựng xưởng bán hàng ở đây đã hiểu rõ là sai phạm, nhưng phần vì thiếu mặt bằng để chứa hàng, phần vì thấy có những hộ dân lấn chiếm hơn chục năm mà không bị cơ quan chức năng xử lý nên đã “làm liều”. Ông Nam cũng khẳng định, bản thân đã nhận thức được rõ hành vi sai phạm khi lấn chiếm hành lang an toàn cầu Thăng Long và sẽ sớm tiến hành di dời để khôi phục hiện trạng khu vực. |