Thị trường điện cạnh tranh: 10 năm nữa!

Nhiều ý kiến cho rằng việc phát triển thị trường điện cạnh tranh là cần thiết nhưng lộ trình lại quá dài.

Lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện lực Việt Nam được Chính phủ phê duyệt dự kiến sẽ hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trong giai đoạn 2021-2023. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng mới đây cũng khẳng định đến năm 2024 sẽ hoàn tất thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Nửa vời

Phân tích rõ hơn về lộ trình này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), cho biết 3 cấp độ của thị trường điện cạnh tranh lần lượt được thực hiện như sau: Thị trường phát điện cạnh tranh hình thành từ năm 2005-2014; thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2015-2021 và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thực hiện trong giai đoạn 2021-2023, đến năm 2024 sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, theo ông Ngãi, lộ trình phải trải qua 3 cấp độ từ năm 2005 đến sau 2023 là quá dài. “Ngay cấp độ 1 được bắt đầu từ năm 2005 nhưng mãi đến 2011 mới vận hành thí điểm, tháng 7-2012 mới chính thức vận hành là quá chậm. Nếu theo lộ trình phải mất đến 20 năm cho thị trường này. Nên chăng có thể xem xét khả năng các cấp độ thực hiện có sự đan xen nhau, thường xuyên rút kinh nghiệm và hoàn thiện để rút ngắn thời gian” - ông Ngãi nói.

Thị trường điện cạnh tranh: 10 năm nữa! - 1

Khi chưa có thị trường điện cạnh tranh, người tiêu dùng không được chọn người bán lẻ điện cho mình Ảnh: Tấn Thạnh

Tại một hội thảo tổ chức ở Hà Nội mới đây, ông Tobjorn Kirkeby Garstad, Phó Chủ tịch Đông Nam Á của Tập đoàn SNP Power, đánh giá thị trường phát điện cạnh tranh của Việt Nam hiện nay “nửa vời”, chưa phải thị trường hoàn hảo. “Nguyên tắc của thị trường điện cạnh tranh là không áp đặt giá, nhất là giá cho nguồn phát, chỉ những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng phức tạp mới cần sự can thiệp của Chính phủ. Ngoài ra, lộ trình 10 năm nữa để tiến tới thực hiện thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh là quá dài” - ông Tobjorn nhận xét.

Còn “mò mẫm”

Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương thanh minh do cơ sở hạ tầng của Việt Nam quá thiếu và yếu, con người và công nghệ nhà máy điện… khó đáp ứng đòi hỏi cao ngay được. Ngay như việc triển khai thị trường phát điện cạnh tranh, phải mất 1 năm (từ 1-7-2011 đến 1-7-2012) các nhà máy mới quen được nhịp điệu thị trường. “Vì vậy, Việt Nam không thể “nhảy cóc” mà phải tiến hành từng bước” - vị này nói.

Tính đến cuối năm 2013, có 48 nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường với tổng công suất đặt là 11.947 MW, chiếm 44,4% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Các nhà máy còn lại tham gia thị trường theo hình thức gián tiếp. Ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết giá thị trường phát điện cạnh tranh từng giờ đã được công bố công khai trên website của thị trường điện theo đúng quy định, tạo điều kiện cho việc minh bạch hóa chi phí mua điện của nhóm các nhà máy điện tham gia thị trường. “Tuy nhiên, cạnh tranh được đưa vào khâu phát điện, một khâu chi phí trung gian; trong đó, đầu vào là năng lượng sơ cấp (như than, dầu, khí) và đầu ra là giá bán lẻ thì cả 2 khâu này chưa được thị trường hóa một cách tương ứng, dẫn đến những hạn chế nhất định” - ông Thành phân tích.

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, việc nghẽn mạch đường dây truyền tải 500 KV trong các chu kỳ cao điểm cũng tác động lớn đến kết quả vận hành thị trường ngay cả trong mùa mưa, dù công suất sẵn sàng của các nhà máy thủy điện miền Bắc tương đối cao nhưng không thể truyền tải hết vào miền Nam.

Người tiêu dùng còn chịu thiệt

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng nếu thị trường bán lẻ điện cạnh tranh không thực hiện được hoặc thực hiện chậm thì giá thành điện còn tiếp tục rơi vào tình trạng không công khai, minh bạch. “Như vậy, người dân không được chọn người bán lẻ điện cho mình. Nền kinh tế có thể trả giá đắt khi EVN tiếp tục tăng giá điện mà không giải trình minh bạch” - TS Doanh nói.

Ông Doanh đề xuất vấn đề phát triển thị trường điện cạnh tranh cần một lần nữa đưa ra Quốc hội để bàn bạc và bổ sung thêm quy định về giám sát độc quyền trong ngành điện. Cần lập cơ quan kiểm soát độc quyền nằm trong Quốc hội, hoàn toàn độc lập với các cơ quan của Bộ Công Thương và Chính phủ để hoạt động công khai, hiệu quả. Đây cũng là bài học của nhiều nước trên thế giới trong quản lý ngành điện. 

Độc quyền là rào cản

Trên khía cạnh cơ cấu ngành điện, Cục Điều tiết điện lực cho biết tỉ lệ tổng thị phần của các nhà máy điện thuộc sở hữu của EVN vẫn ở mức rất lớn với trên 60% công suất đặt, 90% khâu phân phối bán lẻ và độc quyền hoàn toàn trong các khâu truyền tải điện. Yêu cầu cần có đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực, chịu trách nhiệm điều hòa, phối hợp hoạt động giao dịch, mua bán điện và dịch vụ phụ trợ trên thị trường điện lực... cũng chưa thực hiện được mà do EVN điều hành. Đó là những vấn đề cần khắc phục trong quá trình vận hành thị trường tới đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN