Thảnh thơi chăm đào Tết, lão nông xứ Lạng thu hơn trăm triệu/vụ
Đến vườn đào ông Nguyễn Văn Hòa, tại thôn Nặm Thỏm, xã Hoàng Đồng, TP.Lạng Sơn người xem cảm thấy choáng ngợp trước sắc đào nổi bật đang khoe sắc. Chính vườn đào này hàng năm đem lại cho vợ chồng ông Hòa thu nhập hơn trăm triệu.
Đến Lạng Sơn những ngày này đi dọc con đường quốc lộ, rất đông người trồng đào mang hoa ra bán. Chúng tôi cảm nhận được rõ không khí mùa xuân đang về, ai nấy đều phấn khởi hy vọng một vụ hoa đào rực rỡ.
Ông Nguyễn Văn Hòa bên những cây đào đã được khách hàng đặt từ trước.
Là một trong những gia đình đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây ăn quả sang trồng hoa đào, gia đình ông Nguyễn Văn Hòa ở thôn Nặm Thỏm, xã Hoàng Đồng đã gắn bó với nghề trồng đào hơn 10 năm. Lúc đầu ông chỉ trồng vài ba cây với mục đích chơi Tết, thấy hoa đẹp nhiều người hỏi mua nên ông Hòa đã tự ươm giống và trồng xen 150 cây đào vào giữa các luống cây ăn quả trong vườn để phục vụ bà con trong vùng.
Nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng lớn và có thể phát triển cây hoa đào theo hướng sản xuất hàng hóa, ông Hòa đã mạnh dạn tiếp tục đầu tư phát triển vườn đào. Nhờ học hỏi kinh nghiệm trồng đào từ những vùng khác, từ những người có kinh nghiệm và được sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ về kĩ thuật trồng đào, ứng dụng các tiến bộ khoa học nên hiệu quả kinh tế mang lại từ nghề trồng đào ngày càng tăng. Ông Hòa cho biết: “Tôi làm nghề sửa cầu đường nên khá bận rộn vì vậy thời gian chăm sóc vườn đào cũng rất ít. Hôm nào đươc nghỉ là hai vợ chồng tôi là lúi húi trong vườn, làm cỏ xới đất và tỉa cành. Đến nay, gia đình tôi có hơn 400 gốc, chủ yếu là đào thế và đào cành nhưng do năm nhuận nên một số cây đã nở hoa trước Tết”.
Những cây đào ra hoa trước Tết được vợ chồng ông Hòa cắt cành, chăm sóc để cho hoa vào năm tới.
Với kinh nghiệm 10 năm trồng đào, theo ông Hòa nên trồng đào từ cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch, đến tháng 4, tháng 5 sẽ tỉa bớt cành, nhánh xấu ở gốc để nuôi cành trên; tháng 7, tháng 8 tiếp tục cắt những cành cao quá, bấm tỉa bớt cho đều tán; cuối tháng 11 là tuốt hết lá để cho cây ra hoa và lộc non. Nếu thời điểm gặp rét thì phải dùng nước ấm để tưới cho cây nhanh ra nụ... "Trồng đào không phải đầu tư vốn liếng nhiều như các loại cây khác, chỉ cần ươm cây giống trồng khoảng 2 năm bắt đầu cho hoa, muốn có cây đẹp thì bỏ chút thời gian ra để cắt tỉa cành, tạo dáng và hãm cây để ra hoa đúng vào dịp Tết. Hoa đào nếu nở trước hoặc sau Tết khoảng 10 -15 ngày là coi như trắng tay, ông Nguyễn Văn Hòa cho hay.
Năm nay, vườn nhà ông có một số cây ra hoa trước Tết.
Với diện tích hơn 3 sào, Tết năm ngoái mặc dù thời tiết rét nhiều, hoa nở muộn nhưng gia đình ông vẫn thu được hơn 50 triệu đồng tiền bán hoa. Hiện nay, 400 gốc đào của gia đình ông Hòa đã được khách đặt mua từ trước tết dao động với giá từ 1-8 triệu đồng/cây tùy gốc. Ông dự tính với giá cả như vậy, vợ chồng ông sẽ thu được hơn trăm triệu đồng.
Theo ông Hòa cắt tỉa cành cũng phải theo kỹ thuật riêng.
Không chỉ riêng gia đình ông Hòa nhiều hộ dân ở xã Hoàng Đồng đã xác định phát triển cây hoa đào là hướng đi lâu dài, có tiềm năng và đem lại nguồn thu nhập cao. Trung bình mỗi hộ trồng từ 100 - 200 gốc, có gia đình trồng nhiều từ 300 - 400 gốc. Nắm bắt được nhu cầu thị trường chơi hoa dịp Tết, người dân ngày càng mở rộng diện tích trồng hoa đào qua các năm, khiến cho doanh thu tăng lên đáng kể.
Phát triển nghề trồng đào đã tận dụng được lợi thế, tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương gắn với phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, là một hướng đi mới giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất canh tác, góp phần hoàn thiện mục tiêu Quốc gia nông thôn mới trên địa bàn. Cũng nhờ có tiền bán hoa đào mà năm nay nhiều gia đình được đón Tết đầm ấm sung túc hơn.