Sẽ tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm trong bán hàng đa cấp
Cục Quản lý cạnh tranh sẽ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các điều, khoản không còn phù hợp với thực tế hoạt động của DN bán hàng đa cấp theo hướng siết chặt hơn nữa hoạt động này và tăng mức phạt đối với vi phạm.
Công ty Liên Kết Việt lừa đảo hơn 6 vạn người với số tiền 1.900 tỷ đồng
Hoạt động bán hàng đa cấp là hoạt động kinh doanh hiện đại trên thế giới. Ở Việt Nam, hoạt động này cũng được cấp phép. Tuy nhiên hiện nay, nó đang bị biến tướng và gây ra nhiều hệ lụy.
Mới đây nhất là vụ việc công ty Liên Kết Việt lừa đảo hơn 60.000 người với số tiền 1.900 tỷ đồng. Về trường hợp của Công ty Liên Kết Việt, ông Phan Đức Quế- Trưởng Phòng điều tra xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, công ty này được Sở Công Thương Hà Nội cấp Giấy chứng nhận thực hiện bán hàng đa cấp vào ngày 10 tháng 02 năm 2014.
Sau khi Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực (từ ngày 1 tháng 7 năm 2014), việc đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được chuyển từ các Sở Công Thương về Bộ Công thương (Cục QLCT).
Ngày 21 tháng 10 năm 2014, Công ty Liên kết Việt nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Cục QLCT. Sau khi thẩm định hồ sơ, do Công ty Liên kết Việt đáp ứng được các quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, Cục QLCT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số 006/QLCT-GCN cho Công ty Liên kết Việt ngày 22 tháng 12 năm 2014.
Theo ông Quế, do hoạt động kinh doanh đa cấp là hoạt động phức tạp nviệc quản lý hoạt động bán hàng đa cấp là việc do nhiều cơ quan thực hiện, trong đó, đóng vai trò quan trọng là các Sở Công Thương nhưng Bộ Công Thương đã chủ động lên kế hoạch và tổ chức thành lập đoàn kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ tháng 6/2015.
Ngày 15/7/2015, Đoàn kiểm tra của Cục QLCT đã làm việc với Công ty Liên Kết Việt và đã phát hiện một số dấu hiệu ban đầu cho thấy vi phạm quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP.
Từ các dấu hiệu ban đầu đó, Cục QLCT đã ra quyết định điều tra và xử phạt các hành vi vi phạm của Công ty Liên Kết Việt với tổng tiền phạt là 570 triệu đồng. Đây là số tiền phạt rất lớn đối với các vi phạm mang tính hành chính.
“Bản chất của vụ việc Liên Kết Việt là lợi dụng phương thức kinh doanh đa cấp để lừa đảo. Đây không còn là vi phạm hành chính nữa mà là vi phạm hình sự. Chính vì vậy, trong quá trình kiểm tra Công ty Liên Kết Việt, do có những giới hạn nhất định về mặt quyền hạn nên Cục QLCT đã phối hợp với C46 Bộ Công An làm việc với Công ty Liên Kết Việt. Với quyền hạn điều tra được pháp luật cho phép, cơ quan công an sẽ có điều kiện bóc tách những hành vi có tính chất hình sự của Công ty Liên Kết Việt”, ông Quế cho biết.
Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet, ông Quế cho biết, để chấn chỉnh lại hoạt động bán hàng đa cấp, sắp tới Cục Quản lý cạnh tranh sẽ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các điều, khoản không còn phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp và thực tế quản lý của cơ quan quản lý nhà nước theo hướng siết chặt hơn nữa hoạt động này và tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm.
Cụ thể Cục Quản lý cạnh tranh cũng đang tổng hợp các vướng mắc trong quá trình quản lý của các Sở Công Thương ở các tỉnh, thành phố để từ đó kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan.
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc do các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phản ánh liên quan đến Thông tư 24/2014/TT-BCT, Cục Quản lý cạnh tranh đã kiến nghị Bộ Công Thương tiến hành sửa đổi, bổ sung Thông tư này để hoàn thiện hơn khung pháp lý điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp. Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 24/2014/TT-BCT sẽ được ban hành trong năm 2016.
Về dài hạn, Cục sẽ tiếp tục tổng hợp các khó khăn, bất cập trong công tác quản lý để kiến nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 42 nhằm đưa ra những quy định chặt chẽ và hoàn thiện hơn đồng thời nâng cao chế tài xử lý đối với doanh nghiệp và người tham gia vi phạm các quy định của pháp luật.
Đồng thời, tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Sở Công Thương để tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý đối các doanh nghiệp bán hàng đa cấp không tuân thủ các quy định của pháp luật.
Cục Quản lý Cạnh tranh tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hoạt động của các tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy định của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Mặt khác, Cục sẽ tăng cường các hoạt động tập huấn, tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp. Để từ đó doanh nghiệp phải tuân thủ quy định và người tham gia bán hàng đa cấp có thể nắm vững quy định pháp luật, kiểm tra tính hợp pháp trong hoạt động của doanh nghiệp và tự điều chỉnh hoạt động của bản thân mình để tuân thủ đúng quy định, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ bởi các công ty bán hàng đa cấp bất chính.