Sẽ có luật trảm các quy định “nửa dơi nửa chuột”

Tại Hội thảo về đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh tổ chức chiều 22/7, ông Lê Ái Thụ, Chủ tịch hội kinh tế (Tổng hội địa chất Việt Nam), đánh giá, đang tồn tại tính cát cứ, cục bộ trong xây dựng văn bản luật, cần loại bỏ điều này.

“Ví dụ ngành khai thác khoáng sản, trên thế giới chỉ riêng Việt Nam quy định phải có giám đốc điều hành mỏ. Quy định “nửa dơi nửa chuột” vì khi xảy ra sự cố, tai nạn, giám đốc doanh nghiệp (DN) phải chịu trách nhiệm, vậy ông giám đốc mỏ không để làm gì”, ông Thụ bức xúc.

Theo người đứng đầu Tổng hội địa chất Việt Nam, pháp luật thiếu tính ổn định. Thuế tài nguyên, các loại phí thay đổi theo từng năm với tốc độ “ngựa bay” làm DN không xoay xở kịp. Khi lập dự án, DN hoạch toán dựa trên quy định hiện hành, nhưng năm sau tăng vài trăm % thì sao DN chịu nổi.

Cùng quan điểm, bà Đinh Thị Kim Anh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội kiến nghị việc áp mã ngành kinh tế khi DN đăng ký kinh doanh quá rắc rối, phức tạp. Theo luật đầu tư sửa đổi, DN được tự do kinh doanh ngành nghề không bị cấm, vì vậy DN tự áp mã khi đăng ký kinh doanh.

“Thoạt đầu thủ tục áp mã tưởng đơn giản nhưng rất khó khăn. DN nộp hồ sơ lên Sở KH&ĐT bị từ chối vì áp mã không phù hợp. Chúng tôi đề nghị việc áp mã nên để nhà nước làm thay DN”, bà Kim Anh kiến nghị.

Bà Kim Anh kiến nghị thêm quy định về khắc dấu, thời gian công bố mẫu dấu trên cổng thông tin điện tử tốn nhiều thời gian. Nhiều nghị định hướng dẫn thi hành luật nhưng quy định chặt chẽ hơn luật, thậm chí “đẻ thêm giấy phép con”.

Để loại bỏ các quy định “nửa dơi nửa chuột”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ KH&ĐT xây dựng Luật điều chỉnh điểm chưa hợp lý trong 37 Luật khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của người dân, DN.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng việc sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh lần này nên được coi là một cuộc “tổng tấn công” vào những gì đang cản trở đầu tư, kinh doanh.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định, trong những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh hiện nay, cần rà soát lại các luật về đầu tư kinh doanh để tìm kiếm những điểm bất hợp lý và còn chưa tương thích để điều chỉnh, nếu cần thiết thì bãi bỏ, để phục vụ sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nga (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN