Sau Tết Quý Tỵ: Sức mua chưa tăng
Chỉ trong 20 ngày sau Tết Nguyên đán 2013, các siêu thị đã liên tục tổ chức các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Tại các chợ, ngoại trừ thực phẩm tươi sống vẫn bán được, các ngành hàng khác đang có dấu hiệu “đóng băng” bởi sức mua quá chậm.
Hàng hóa đang về giá bình thường
So với thời điểm này năm ngoái, giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã giảm khá nhanh. Chỉ 1 tuần sau tết, giá thực phẩm ở các chợ, cửa hàng bán lẻ đã giảm gần một nửa so với mức giá tăng thêm hồi trước tết. Ghi nhận tại các chợ đầu mối, lượng rau củ về chợ đã và đang trở lại mức bình thường.
Tại chợ Thủ Đức, lượng hàng nhập trong những ngày qua đạt trên 3.500 tấn/ngày, giá hầu hết các loại rau củ đều ổn định, một số loại giảm nhẹ. Có thể nói, đến thời điểm này tại thị trường TPHCM chỉ còn một vài mặt hàng rau củ quả (đậu Hà Lan, dưa leo, nấm...), trái cây (xoài, mãng cầu) còn đứng ở mức cao hơn bình thường từ 10% - 15% do nhu cầu ăn chay và cúng lễ trong tháng Giêng. Còn lại, hầu hết giá các mặt hàng thiết yếu như thịt, thực phẩm chế biến vẫn ổn định ở mức thấp. Cụ thể, gà công nghiệp tại trại còn 32.000 đồng/kg, giá heo hơi ở mức 40.000 đồng/kg…
Nhiều ý kiến cho rằng, giá hàng hóa trước, trong và sau tết năm nay tương đối dễ thở so với những năm trước. Ở góc độ kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giá bán các mặt hàng giảm có lợi cho người tiêu dùng, nhưng với các DN lại là một vấn đề khác.
Hàng hóa tại các chợ đầu mối rất dồi dào (ảnh chụp tại chợ Nông sản Thủ Đức TPHCM). Ảnh: Phạm Kim Ngân
Tiếp tục khuyến mãi
Theo ghi nhận của chúng tôi, thị trường sau Tết Quý Tỵ tại TPHCM khởi động từ rất sớm. Nếu những năm trước, khu vực các cửa hàng kinh doanh trên đường phố thường có biểu hiện “lãng thị” để du xuân, thì năm nay sau mùng 10 Tết đã đồng loạt mở cửa, thậm chí nhiều cửa hàng còn khai trương ngay từ mùng 5 Tết. Chị Huyền, chủ cửa hàng Th.Tr., kinh doanh quần áo trẻ em trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh quận Bình Thạnh cho biết, trong suốt năm 2012, sức mua đã xuống rất thấp nên năm nay phải mở cửa sớm để giữ khách.
Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ngay sau khi tổ chức các chương trình khuyến mãi sau tết, kể từ ngày 1-3 sẽ lại bước vào cuộc đua giảm giá, đón đầu ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Theo đó, Saigon Co.op sẽ tập trung khuyến mãi 1.000 sản phẩm thời trang giảm giá đến 50%. Với chương trình “Dành tặng người phụ nữ tôi yêu” với hơn 3.000 sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, giảm giá đến 45% và nhiều đồ dùng nhà bếp. Ngoài ra, Co.opmart cũng thiết kế hơn 100 mẫu hộp quà, phù hợp với nhu cầu biếu tặng nhân ngày 8-3. Tại hệ thống BigC, ngay sau chương trình “Đồng giá bán, thuận tay mua”, kể từ 1-3, cũng triển khai hai chương trình “Tôn vinh vẻ đẹp Việt” và “Khuyến mãi như mơ, rẻ không ngờ”, với quy mô lớn hơn, giảm giá nhiều hơn, sản phẩm phong phú và đa dạng hơn. Ngoài ra, BigC cũng tổ chức nhiều hoạt động giải trí như tư vấn làm đẹp, ca nhạc thời trang, giao lưu với các nghệ sĩ... Công ty Vissan cũng khuyến mãi từ ngày 1-3, giảm 5.000 đồng/kg đối với các loại thịt heo tươi sống.
Thắt chặt chi tiêu
Giám đốc một siêu thị cho biết, sức mua chậm trong suốt năm 2012 đã tạo ra một cuộc cạnh tranh về giá rất khốc liệt tại các siêu thị. Cho dù các siêu thị có liên tục tổ chức chương trình khuyến mãi hấp dẫn đối với hàng trăm mặt hàng thì cũng khó có thể kéo được doanh thu tăng như mong muốn. Hơn lúc nào, các nhà kinh doanh, DN sản xuất cần nắm bắt và phân tích kịp thời diễn biến từ thị trường, phân tích và dự báo về sức mua một cách tương đối chính xác, để có định hướng sản xuất và cung ứng hàng hóa phù hợp.
Trên thực tế, năm nay các DN mở hàng khá sớm sau tết nhưng sức mua không như mong đợi. Chủ một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng cho biết, từ mùng 6 Tết đến nay, doanh thu của cửa hàng chỉ đạt khoảng 7 triệu đồng, cũng chưa có hợp đồng nào được ký kết. Nếu tình hình này kéo dài, không biết xoay sở thế nào để duy trì hoạt động. Không riêng ngành hàng vật liệu xây dựng, các cửa hàng kinh doanh quần áo, giày dép, mắt kính sức mua còn rất chậm. Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến tại các chợ bán lẻ, đặc biệt tại các ngành hàng như quần áo, giày dép, vải…
Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc chuỗi siêu thị Co.opMart cho rằng, sức mua trong hệ thống siêu thị Co.opMart trong những ngày đầu năm dù tăng, nhưng không đạt được con số như kỳ vọng. Người tiêu dùng vẫn đang thắt chặt chi tiêu và mua sắm chừng mực. Ông Nhân dự báo, 6 tháng đầu năm 2013, sức mua chung trên thị trường sẽ rất khó tăng, có xu hướng co cụm vào các nhóm hàng phục vụ nhu cầu hàng ngày như thực phẩm tươi sống, hàng hóa phẩm và công nghệ phẩm; trong khi các nhóm hàng tiêu dùng không thường xuyên như quần áo, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm, giày dép sẽ khó có thể tăng. Mặt khác, việc mua sắm của khách hàng cũng sẽ được tính toán, chọn lọc hơn.