Ra Tết, 'bấn loạn' vì thiếu ô sin
Lương cao, thưởng Tết hậu hĩnh, thậm chí đưa xe ô tô đưa về tận quê để ăn Tết để người giúp việc (ô sin) cảm động và ra đúng quy định của chủ nhà. Ấy thế mà ra Tết, nhiều gia đình khổ sở vì ô sin xin ở lại ăn Tết qua rằm hoặc bỏ hẳn không lên nữa.
Nghỉ cả làm vì ô sin ăn Tết hết rằm
Hết Tết, đã đến lịch đi làm trở lại nhưng chị Nguyễn Oanh (Đại Kim, Hà Nội) đang phải "bấn" lên cùng chồng chia nhau nghỉ để trông con nhỏ 17 tháng tuổi. Nguyên nhân: người giúp việc nhà chị (ô sin) về quê ăn Tết nhưng "khất lần" hẹn qua rằm mới lên.
Trước khi nghỉ Tết, chị Oanh còn lì xì cho ô sin 2 triệu đồng, mua quà Tết và bảo chồng lái xe ô tô đưa osin về tận quê ăn Tết. Lúc đầu ô sin hứa hẹn mùng 5 lên để chị và chồng đi làm. Nhưng dù điện từ mùng 4 nhưng osin không nghe máy, đến mùng 5 osin gọi điện kêu nhà có giỗ phải ở qua rằm.
"Mình năn nỉ thế nào nhưng họ vẫn quyết ở lại nên chả biết làm cách nào. Ngày 6 đi làm mình phải xin nghỉ, mùng 7 đến lượt chồng nghỉ ở nhà trông con. Từ giờ cho đến rằm chắc vợ chồng phải thay phiên nhau nghỉ vì ông bà nội đều ở xa, không thể tìm giúp việc nào trong khoảng thời gian ngắn hạn được", chị Oanh nói.
Ngoài lương cứng 4 triệu đồng, tháng nào osin cũng được mua quần áo mới, nạp thẻ điện thoại 200.000 đồng và được "nghỉ" về quê 2 ngày cuối tuần.
Tình trạng "ngóng" ô sin của chị Oanh khá giống nhiều gia đình có con nhỏ ở Hà Nội. Thậm chí, có nhà còn "căng" hơn như chị Bích Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) không chịu được khi osin hẹn qua rằm mới ra nên đến nhiều trung tâm tìm giúp việc. Tuy nhiên, kết quả vẫn chỉ là lời hứa hẹn vì các trung tâm cũng trong tình trạng osin ăn Tết không thời hạn.
Nhiều gia đình "khổ sở" vì không có người trông trẻ kỳ nghỉ Tết.
Khan giúp việc vì nhiều người đi ... cấy hái
Những ngày này, các trung tâm môi giới người giúp việc ở Hà Nội nhộn nhịp, nhưng phần lớn là người đến đăng ký tìm ôsin.
Tại một trung tâm ở đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), nhân viên trực cho biết từ mồng 3 tết đã có người liên hệ đăng ký tìm ôsin. Giáp tết cũng có vài chục người đến đặt cọc để được trung tâm ưu tiên. Nhưng đến thời điểm này rất ít ôsin lên phố. Trung tâm cử người về các vùng quê tìm, nhưng phần lớn những người chọn nghề giúp việc đều muốn ở quê đến sau rằm tháng giêng.
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, sau tết luôn là thời điểm biến động về giúp việc gia đình. “Sở dĩ năm nay sau nghỉ tết khan hiếm giúp việc hơn những năm trước còn bởi kết thúc thời gian nghỉ lễ cũng là lúc vào vụ lúa xuân nên nhiều người còn ở nhà cấy hái xong rồi mới đi làm. Bên cạnh đó, nhiều người giúp việc đi làm ở thành phố nhiều năm có kinh nghiệm nên thường viện cớ “làm giá” đòi tăng lương”, bà Liễu nói.
Để tránh tình trạng giúp việc “bùng” sau tết, theo bà Liễu, gia chủ nên giữ lại một phần lương, không nên thanh toán hết tiền. Nên có sự khuyến khích, động viên thưởng người giúp việc nếu lên sớm. Ngược lại, giúp việc vi phạm hợp đồng hoặc phá vỡ hợp đồng cũng cần phải phạt.
Ngoài ra, để đỡ mất thời gian tìm người giúp việc không ưng ý, mất công đổi đi đổi lại nhiều lần, theo bà Liễu, tốt nhất nên nhờ gia đình, bạn bè tìm người trực tiếp. Trong trường hợp tìm người qua trung tâm, các gia đình nên đưa ra nguyện vọng càng cụ thể càng tốt như: độ tuổi, kinh nghiệm, quê quán, mô tả công việc, mức lương…
Ngược lại, phải yêu cầu trung tâm cung cấp thông tin đầy đủ của người giúp việc như: tên tuổi, quên quán, kinh nghiệm, kỹ năng và một vài thông tin cơ bản về gia đình, con cái... “Các gia đình nên tìm hiểu kỹ thông tin từ các trung tâm uy tín, xem xét kỹ nhân thân, các điều khoản hợp đồng. Mức lương giúp việc hiện tại phổ biến 4 triệu đồng/tháng, đừng vì bức xúc nhu cầu tìm người mà “phá giá” thị trường, càng khiến các trung tâm được đà đẩy giá lên cao”, bà Liễu khuyến cáo.
Bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng cho rằng: “Đặc điểm chung của giúp việc gia đình đều xuất thân từ những vùng nông thôn. Họ không được qua đào tạo bài bản mà làm việc dựa trên kinh nghiệm. Do phải xa gia đình nên rất dễ tủi thân, mặc cảm. Vì vậy, trước hết gia chủ phải yêu thương, đối đãi có tình có nghĩa thì người giúp việc mới tận tâm, gắn bó với gia đình”.