“Quét” 4 tỉnh trọng điểm về chế biến, xuất khẩu tôm
Bộ NN&PTNT vừa ban hành kế hoạch tăng kiểm soát, ngăn chặn việc bơm tôm tạp chất, tiến tới đến năm 2018 chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y trong kinh doanh tôm.
Bơm tạp chất vào tôm không chỉ gây mất an toàn thực phẩm, còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo đó, sẽ tập trung “quét” 4 tỉnh trọng điểm về chế biến, xuất khẩu tôm là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang. Các địa phương sẽ tổ chức thống kê, ký cam kết cho các cơ sở nuôi, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tôm trên địa bàn không đưa tạp chất vào tôm và sản xuất kinh doanh tôm tạp chất.
Các địa phương sẽ tăng giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên tôm nuôi, kịp thời khuyến nghị, hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả, không dùng chất cấm, kháng sinh nguyên liệu, sử dụng thuốc thú y theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách
Cùng đó, các địa phương sẽ thanh tra, kiểm tra đột xuất, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nuôi tôm, cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến tôm vi phạm các quy định pháp luật về sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm tạp chất.
Theo kế hoạch, trong năm 2016, sẽ giảm 10% tỷ lệ mẫu tôm nuôi bị phát hiện vi phạm quy định về hóa chất kháng sinh so với năm 2015. Giảm 10% số lô tôm nuôi xuất khẩu vào các thị trường bị cơ quan thẩm quyền Việt Nam và nước nhập khẩu cảnh báo vi phạm quy định về tồn dư hóa chất kháng sinh so năm ngoái.
Đến năm 2017, sẽ giảm tỷ lệ 50% mẫu tôm nuôi bị phát hiện và giảm 50% số lô xuất khẩu bị cảnh báo hóa chất kháng sinh so với năm 2016. Đến năm 2018, sẽ chấm dứt tình trạng trên.
Bộ NN&PTNT đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), tiếp tục duy trì chương trình “Doanh nghiệp nói không với tạp chất”; cung cấp các phản ánh, kiến nghị của khách hàng, nhà nhập khẩu, người tiêu dùng về tồn dư hóa chất, kháng sinh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trong việc cung cấp thông tin phục vụ thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm.