"Quê tôi mỗi kg củ đậu 5.000 đồng, đem ra HN 50.000 đồng"

Chính phủ nhấn mạnh quan điểm coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế.

Ngày 27-5, Văn phòng Chính phủ đã họp báo giới thiệu những điểm mới của Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 vừa được Chính phủ ban hành.

Nhiều giải pháp hỗ trợ DN

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết sau sự việc hình sự hóa vụ quán cà phê Xin Chào ở TP.HCM, Chính phủ đã họp và thảo luận rất nhiều vấn đề liên quan đến kinh doanh của DN.

“Mục đích của Chính phủ là có một chính sách đồng bộ để hỗ trợ DN phát triển thông qua cải cách hành chính, hỗ trợ khởi nghiệp và giảm chi phí. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 35. Để triển khai nghị quyết này, Chính phủ đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ, UBND các tỉnh, thành vào cuộc và ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để phối hợp cải thiện môi trường kinh doanh cho DN. Ngoài những bộ, ngành về kinh tế, nghị quyết này cũng nêu bật vai trò, trách nhiệm của Bộ TT&TT đồng hành cùng DN. Theo đó, bộ này có nhiệm vụ tổng hợp các phản ánh của báo chí về những khó khăn, tố cáo, khiếu nại của DN” - ông Hà nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hà, điểm nổi bật của nghị quyết này so với các nghị quyết trước đây về kinh tế là xem DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế. Đặc biệt nghị quyết có bốn lần nhắc đến việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế.

“Nghị quyết này cũng nêu rõ chủ tịch UBND tỉnh, TP mỗi năm tổ chức hai lần đối thoại với cộng đồng DN. Ngoài ra, nghị quyết nhấn mạnh chỉ cho phép kiểm tra chuyên ngành ở các DN một lần/năm. Quy định này nhằm giảm tình trạng các đoàn kiểm chuyên ngành kiểm tra DN quá nhiều như hiện nay.

“Trước đây, trong một tháng có DN phải tiếp rất nhiều đoàn kiểm tra chuyên ngành, có đoàn đến kiểm tra xong không có kết quả gì, hôm khác lại đến khiến DN rất khó chịu. Sắp tới đây chính sách kiểm tra, thanh tra sẽ tập trung vào kiểm tra liên ngành tổng hợp, tìm hiểu kỹ về hoạt động của DN trước khi đến” - ông Hà cho hay.

"Quê tôi mỗi kg củ đậu 5.000 đồng, đem ra HN 50.000 đồng" - 1

Nghị quyết 35 tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh: HTD

Phí ảnh hưởng đến từng bó rau, ký thịt

Chia sẻ tại cuộc họp báo, bà Phạm Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, cho biết theo kết quả khảo sát của đơn vị này, DN đang phải gánh rất nhiều chi phí, trong đó chủ yếu là thuế và phí. Thuế, phí chiếm đến 40% lợi nhuận của DN. Đây là tỉ lệ rất cao so với các nước trong khu vực.

Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông đánh giá con số trên là cao. Điều này sẽ làm hạn chế năng lực cạnh tranh của các DN. “Quốc gia nào cũng có thuế, phí nhưng quan trọng là phải cân đối nguồn thu cũng như đưa ra mức thuế phù hợp, hợp lý để DN phát triển” - ông Đông nêu ý kiến.

Trước nhiều ý kiến chỉ ra rằng trong số chi phí mà DN phải gánh nặng nhất là phí cầu đường (nhất là các dự án BOT), Thứ trưởng Đông nói: “Tôi không đồng tình với quan điểm nếu không tăng phí thì không có đường, không có nhà đầu tư nào tham gia. Đó là lý do vô lý”.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT dẫn chứng ví dụ từ quê hương ông. Ông nói: “Quê tôi cách Hà Nội 120 km, người nông dân bán mỗi kg củ đậu chỉ 5.000 đồng nhưng khi đem về Hà Nội, giá bán bị đội lên 50.000 đồng/kg. Giá đội lên như thế chắc chắn có tác động của phí giao thông. Người dân có quyền yêu cầu làm rõ mọi yếu tố dẫn đến mức phí áp dụng trên các tuyến đường BOT. Bởi chi phí giao thông ảnh hưởng đến từng cân thịt, cân gạo mỗi gia đình phải sử dụng hằng ngày, ảnh hưởng tới từng mớ rau từ nông thôn đưa ra đô thị”.

Đồng quan điểm, ông Lê Mạnh Hà cho biết cơ quan thường trực thực hiện Nghị quyết 35 sẽ cùng Bộ GTVT rà soát và công bố sớm nhất tình hình thu phí ở các trạm BOT.

“Tôi được phản ánh có tuyến đường BOT báo cáo số tiền thu phí mỗi ngày chỉ được 1 tỉ đồng nhưng dư luận cho rằng con số thực lên đến 3-4 tỉ đồng. Đây là mức chênh khủng khiếp. Chúng ta phải vào cuộc điều tra, làm rõ thông tin này. Thậm chí cần áp dụng công cụ kiểm đếm độc lập để tăng tính khách quan” - ông Hà nhấn mạnh.

Bị kiểm tra, có quyền khiếu nại lên Thủ tướng

Nếu bị kiểm tra, thanh tra nhiều lần trong năm, các DN sẽ phải làm gì? Liệu quy định thanh tra không quá một lần/năm có dẫn đến sự buông lỏng quản lý DN?

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nói: Pháp luật chỉ quy định số lần thanh tra nhưng không quy định cụ thể về số cuộc kiểm tra trong năm. DN có quyền từ chối tiếp các đoàn thanh tra nếu đã bị thanh tra. Trường hợp bị yêu cầu kiểm tra, DN có quyền khiếu nại hoặc phản ánh đến Thủ tướng.

Cũng trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết quy định thanh, kiểm tra một lần/năm nhằm hạn chế những hành vi lạm dụng quyền lực để làm phiền, làm khó DN. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc dung túng, bao che, thả lỏng hành vi vi phạm của DN. Các đoàn kiểm tra chuyên ngành trước kia sẽ được tổ chức thành đoàn liên ngành như thuế, hải quan, môi trường,… kiểm tra một lần ở DN.

Theo Nghị quyết 35, đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48%-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Mong các bộ trưởng hành động

Nghị quyết 35 đã đưa ra nhiều chính sách đổi mới. Tuy vậy, tôi xin lưu ý rằng với Nghị quyết 19 trước đây, một số bộ, ngành thực hiện chưa như kỳ vọng. Do vậy, với Nghị quyết 35, tôi mong các bộ trưởng phải thực hiện mạnh tay, quyết tâm thực hiện bằng được. Bởi ý tưởng tốt nhưng hiệu quả lại ở khâu hành động.

TS LÊ ĐĂNG DOANH, chuyên gia kinh tế

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN