Quảng Nam: Làng rau trắng tay
Ông Phan Văn Đùng bì bõm lội trong nước lũ cùng mớ sình lầy, chua chát: “Lũ chi kỳ lạ, giờ ni mà còn lũ. Cuốn hết rồi mô nữa mà Tết với nhất”.
Hộ ông Đùng có 7 sào rau màu gồm ớt, khổ qua, đậu… với hy vọng sẽ cho thu nhập 500 triệu đồng trong vụ Tết. Với kinh nghiệm hàng chục năm làm nông, ông Đùng cũng như hàng trăm hộ dân tự tin gieo giống vì đã qua “hạn” 23/10 âm lịch. “Có ai ngờ nay mà còn lũ, lại còn lũ lớn. Tính kỹ lắm rồi chớ, đầu tư bao nhiêu tiền của công sức, vèo cái lũ cuốn hết cả. Tết nhất đến nơi mà còn thế này…”.
Những ngày này, ở làng rau Bàu Tròn, đâu đâu cũng có những ánh mắt rầu rĩ của những người nông dân lam lũ như ông Đùng. Bàu Tròn được xem là làng rau sạch lớn nhất Quảng Nam với 300 hộ tham gia sản xuất vùng chuyên canh. Nhưng cơn lũ bất thường bỗng chốc cuốn đi tất cả. Cánh đồng rau sạch vốn mơn mởn xanh tươi giờ chỉ còn lại là đống bùn sình lầy.
Ông Lê Trọng Quốc - Giám đốc HTX Bàu Tròn, cho biết, trận mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con vùng chuyên canh rau, nhất là đang thời kỳ chuẩn bị cho vụ Tết. Ngoài xã Đại An với 165 ha, các xã khác như Đại Hồng thiệt hại 200ha, Đại Lãnh 110 ha… tổng thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Tan hoang làng rau sạch lớn nhất Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Thành
Đà Nẵng “đói” rau
Mưa lũ kéo dài từ ngày 14-17/12 tại Đà Nẵng nhấn chìm hàng loạt cánh đồng trồng rau của người dân. Tại thôn Yến Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), chỉ sau một đêm mưa lớn, khu vực rau an toàn trước thôn đã chìm nghỉm, chỉ còn trồi lên vài đọt đậu đeo vào giàn thép. Những cánh đồng phía trước làng trắng xóa nước. Cũng trong tình cảnh tương tự, HTX rau an toàn La Hường (quận Cẩm Lệ), Túy Loan (huyện Hòa Vang)… cũng mất trắng toàn bộ rau củ. Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX rau an toàn La Hường, rầu rĩ: “Hơn 2.000 cây ớt chỉ một tuần nữa thu hoạch đã bị ngâm, hơn 1.000 cây súp lơ bị chôn vùi, 5 sào hành hương, cả trăm giàn khổ qua, đậu ve úng nước. Mấy hôm ni bà con đi mót lại được mấy cân, nhìn ứa nước mắt”.
Ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX rau an toàn Túy Loan cũng bất ngờ vì tới thời điểm này vẫn còn lũ. “Lũ thì năm nào cũng gánh, nông dân đôi khi phải liều “đánh bạc” một mất một còn với các ruộng rau khi lũ về. Nhưng đó toàn là những trận lũ “quen”, chứ đâu có ngờ tới gần Tết mà vẫn còn lũ. Bây giờ không dám chắc có còn thêm trận lũ bất thình lình nào nữa không”, ông Dũng nói.
Hội Nông dân TP Đà Nẵng cho hay, riêng địa bàn huyện Hòa Vang đã có hơn 160 ha diện tích trồng rau, màu bị hư hại.
“Mấy năm nay trước và sau Tết giá rau củ lên rất cao, nhiều hộ thu hàng chục triệu đồng. Giá bán các loại quả như khổ qua 70.000đ/kg, dưa leo 50.000đ/kg, rau húng, rau thơm trên dưới 100.000đ/kg, rau cải, rau muống gần 50.000đ/kg… Do vậy bà con “cày” ngày đêm cho Tết. Giờ thì lũ nhấn chìm tất cả, không kịp bán được cọng rau nào, coi như mất Tết” - ông Bùi Dũng nói.
Nhờ trời hãm giá nông sản
Ghi nhận tại các chợ tại Đà Nẵng, mặt hàng nông sản bày bán lèo tèo. Nhiều quầy hàng chỉ còn các loại củ, quả sót lại trước mưa lũ như khoai tây, cà rốt, hành, củ cải. Chị Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương chợ Đống Đa cho hay những ngày lũ vừa qua không còn gì để bán, một số mặt hàng lấy từ Đà Lạt về cũng bị “đứt” do đường sạt lở, xe hàng không thể lưu thông. Riêng rau mùng tơi, dền, cải, ngót không có một cọng do số rau này hoàn toàn lấy trên địa bàn hoặc tỉnh Quảng Nam.
Đại diện các vùng rau ở Đà Nẵng cho biết những ngày gần đây liên tục hủy đơn của khách hàng vì không còn rau để cung ứng. Thương lái liên tục đổ về hỏi mua nhưng không còn gì để bán.
Tình hình khan hiếm đẩy giá rau củ lên cao, các loại rau xanh tăng gấp 3, thậm chí 5 lần ngày thường. Tại chợ đầu mối Hòa Cường, giá các loại rau xanh đồng loạt tăng từ 5.000đ lên 20.000đ/bó. Riêng ớt hết sức đắt đỏ, trên dưới 100.000đ/kg.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, giá rau củ trên địa bàn đang tăng cao bởi mưa lũ và một số tuyến đường bị ngập nước, sạt lở khiến xe chở hàng bị ùn ứ không cung cấp được. Riêng lượng rau trên địa bàn và các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế cung cấp thường xuyên cho các chợ thì gần như không còn, do các tỉnh này cũng bị lũ nhấn chìm đất sản xuất.