Phụ tùng xe máy giả ồ ạt tuồn vào Việt Nam

Sự kiện: Kinh Doanh

6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện và xử lý gần 10.000 phụ tùng xe máy giả, nhập lậu.

Thông tin trên được ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) chia sẻ tại hội thảo "Sở hữu trí tuệ và các vấn đề trong việc thực thi quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” hôm qua, 26/9. Đây là lần thứ 13 hội thảo được tổ chức bởi Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy châu Á (FAMI), Hiệp hội các nhà xe máy Việt Nam (VAMM).

Theo ông Tín, 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 9.730 phụ tùng xe máy các loại vi phạm sở hữ trí tuệ (SHTT). Trong đó, phần lớn là phụ tùng nhập lậu. Số còn lại là phụ tùng nhãn hiệu giả sản xuất trong nước.

Cũng theo nhà chức trách, nhiều kiểu dáng xe máy có xuất xứ Trung Quốc và xe máy điện được lắp ráp tại Việt Nam đang xâm phạm kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ. Cùng với đó, nạn sản xuất, buôn bán phụ tùng xe máy, mũ bảo hiểm, dầu nhớt giả mạo nhãn hiệu đang ngày càng gia tăng.

Phụ tùng xe máy giả ồ ạt tuồn vào Việt Nam - 1

Một lô xe máy Nhật Bản nhập lậu bị Hải quan TP.HCM bắt giữ

Đối với mặt hàng xe máy và xe chạy điện, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 733 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa hơn 2 tỷ đồng, xử phạt 1,2 tỷ đồng. Lượng linh kiện giả, linh kiện nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam rất lớn, tiêu thụ tại các thành phố lớn và vùng lân cận là chủ yếu.

Theo ông Tín, đây là một vấn đề nhức nhối bởi phụ tùng giả mạo với chất lượng kém sẽ đe dọa đến chất lượng chung của phương tiện và an toàn của người sử dụng.

Trên cơ sở đó, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữ trí tuệ (SHTT) cho rằng, việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT trong kinh doanh toàn cầu có vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp và chủ thể doanh nghiệp đó.

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, tại Việt Nam hiện nay, thực trạng của việc thực thi quyền SHTT còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những khó khăn đối với ngành công nghiệp xe máy gặp phải. Các vi phạm SHTT này gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Việt Nam đang rất cần cải thiện và phát triển việc bảo hộ, thực thi quyền SHTT trong ngành công nghiệp xe máy.  

Ông Gianluca Fiume, đại diện Ban điều hành VAMM đã gửi đến cơ quan Nhà nước văn bản kiến nghị của VAMM về thực trạng thực thi quyền SHTT tại Việt Nam. Trong đó, văn bản này kiến nghị 2 giải pháp, một là kiện toàn lại khung pháp lý với một số đề xuất như mở rộng đối tượng SHTT mà việc xâm phạm các đối tượng này là cấu thành tội hình sự, nâng cao chế tài xử  phạt hành chính…. Hai là, nâng cao năng lực thực thi, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp hiệp hội và cơ quan quản lý Nhà nước, tăng cường hơn nữa sự chủ động và hợp tác giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Nguyễn (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN