Nước mắt người trồng dưa hạ du thủy điện An Khê-Ka Nak
Trận lũ do thủy điện An Khê - Ka Nak xả lũ vào giữa tháng 12 vừa qua đã làm hàng nghìn hộ dân ở lưu vực sông Ba tỉnh Gia Lai điêu đứng…
Chỉ hơn một tuần nữa, ruộng dưa Hắc Mỹ Nhân của nhà ông Bốn Việt xuất bán nhưng thủy điện xả lũ khiến những quả dưa đang độ chín thì bị thối
“Mất sạch rồi con ạ”!
Chỉ hơn một tuần nữa, ruộng dưa Hắc Mỹ Nhân của nhà ông Bốn Việt (Lê Hồng Việt, 63 tuổi, trú tại xã Phú An, huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai) được xuất bán. Nhưng giờ thì chẳng còn giá trị gì nữa. Hàng nghìn quả dưa nằm lăn lóc, phủ một lớp bùn non do lũ từ thủy điện An Khê - Ka Nak đổ về. Dưa ngậm nước hai ngày, thân cây tự rã. Những quả dưa đang chín gặp nước lũ nên bị úng, ruột bở, có quả đã phủ một lớp mốc trắng...
Nhớ lại 6 tháng trước, ông Bốn Việt, một lão nông ngoài 60 tuổi, tất tưởi chạy lên xã Ia Tul (Ia Pa, Gia Lai) nhờ người quen dẫn đến gặp một gia đình người đồng bào Jarai xin ngỏ ý thuê đất. Thỏa thuận và đặt cọc trước 20 triệu đồng với diện tích 2,5ha để trồng dưa. Tiếp đó, ông mạnh dạn vay ngân hàng 200 triệu đồng rồi cùng con trai và thuê thêm mấy người đồng bào đến đám ruộng đã đặt cọc để cắm lều trại chuẩn bị cho vụ mùa. Vậy mà, bây giờ, ông Bốn Việt lắc đầu: “Mất sạch rồi con ạ!” khi nhìn những quả dưa lăn lóc với bùn đất.
Sau những tháng ngày chăm bẵm, ăn ngủ trên đồng, những tưởng đám dưa sẽ không phụ công người chăm, hứa hẹn một cái Tết ấm cúng…; vậy mà cách đây một tuần lũ thủy điện ập đến, nước lên nhanh. “Ban đầu ngập dưới luống, rồi ngập nửa quả, rồi lút cả quả. Nghìn vạn quả dưa đang chuẩn bị chín bị phủ lấp bởi thứ nước trắng bạc. Lâu lâu lại có cuộc điện thoại của người thân, thủy điện lại tăng lưu lượng xả… Chỉ đến khi bộ đội đem ca nô cưỡng chế thì tôi mới chịu rời ruộng dưa mà đi”, ông Bốn Việt nhớ lại.
Tới nay, ruộng dưa còn nguyên đó nhưng… đã bị ung hỏng hết. Chỉ cần nắng vài ngày nữa là những quả dưa này sẽ thối sạch. “Nhìn dưa mà thấy xót! Giá như lũ cuốn đi thì tôi có lẽ đỡ buồn hơn. Vì lúc ấy chẳng còn gì để nhìn nữa…”, ông Bốn Việt nói.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đa thuê đất trồng dưa tại xã Ia Tul (Ia Pa, Gia Lai) bị lũ cuốn sạch lứa dưa mới trồng, sau lũ phải trồng lại từ đầu
Lựa tính thủy điện mà sống?
Cách chòi ông Bốn Việt là ruộng dưa hơn 2ha của nhà ông Nguyễn Văn Đa (51 tuổi, trú tại xã Bình Nghi 2, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cũng tan hoang sau lũ. Cả nhà ông Đa và những người làm thuê đang ngồi trên lớp bùn nhoe nhoét, trơn trượt để đóng những bầu nhỏ trồng lại lứa dưa mới.
Đưa tay lên trán quệt mồ hôi, ông Đa kể: “Mấy ngày trước, ruộng dưa của nhà chỉ mới trồng gần 20 ngày, cây vừa bò ra luống chừng hơn gang tay thì bị lũ nhấn chìm, chết sạch cả... Tính toán cả công đầu tư chăm bón thì cũng ngót nghét trăm triệu. Dự là trồng dưa để ra Giêng bán cho người dưới xuôi. Ai ngờ đâu, thủy điện xả về, cả trăm triệu bị lũ cuốn rồi, giờ mất trắng. Ở cái tỉnh này có hàng nghìn người dân bị mất sạch sau lũ chứ đâu riêng gì tôi. Cái nghề nông vốn dĩ ăn may theo thời tiết, nông dân như tụi tui tính làm sao bằng trời tính. Giờ lại tính thêm cả thủy điện”, ông Đa than thở.
Nhìn xuống lớp bùn phù sa dày trên đám ruộng mới, ông Đa ngậm ngùi: “Chắc nhiều người trồng dưa như tôi Tết này phải ở lại rẫy. Dưới đó (Bình Định - PV) quê tôi cũng lũ lụt tang thương lắm. Nghe đâu hai lần xuống giống đã bị mưa lũ cuốn sạch. Nhưng bà con vẫn động viên nhau, có mưa lũ thì sẽ hết chuột, sâu bọ. Phù sa cũng bồi đắp màu mỡ hơn. Vì thế, đồng áng có phần thuận lợi hơn…”.
Chia tay chúng tôi, ông Bốn Việt, ông Đa đều buồn như muốn khóc. Đôi bàn tay của người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vốn không quen bắt tay khách lạ như một xã giao, rụt rè không dám buông. “Tôi biết phải làm sao bây giờ. Vài ngày nữa trời khô ráo, tôi cũng thuê xe tải rồi thu ống bơm, những thứ còn giá trị để chuẩn bị cho vụ mùa mới. Có lẽ một nơi nào khác chứ không phải ở rốn lũ sông Ba”, ông Bốn Việt ngậm ngùi.
Hàng nghìn héc ta cây trồng bị nước lũ nhấn chìm Theo thống kê chưa đầy đủ, đợt thủy điện An Khê - Ka Nak xả lũ từ ngày 16-17/12 vừa qua, khiến hàng nghìn ha cây trồng của người dân bị nhấn chìm, gần 40km đường giao thông và 12 công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng. Uớc tính tổng thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng. Trong đó, Ia Pa (khoảng 18 tỷ đồng), Đắk Pơ (khoảng 11,622 tỷ đồng), K’bang (khoảng 7,9 tỷ đồng), Kông Chro (trên 23,6 tỷ đồng), Krông Pa (khoảng 5,5 tỷ đồng), TX An Khê (khoảng 6 tỷ đồng). |