Nông dân Việt xuất ngoại thuê đất trồng xoài

Sự kiện: Kinh Doanh

Thời gian gần đây, từ miền Nam tới miền Bắc, trái xoài keo Campuchia đang tràn ngập thị trường, phần nào “đánh bật” trái xoài nội địa từ mẫu mã cho tới giá cả... Đáng nói, hầu hết lượng xoài này do nông dân Việt Nam sang nước bạn thuê đất trồng.

Trồng xoài keo trên nước bạn

Tháng 3 đang là mùa thu hoạch xoài keo. Như mọi năm, thương lái sẽ qua các tỉnh giáp biên giới có trồng nhiều xoài của Campuchia để mua xoài đem về nước bán. Năm nay, đã xuất hiện việc nhiều doanh nghiệp, nông dân trực tiếp qua bên Campuchia để mua luôn từng gốc xoài và tự mình thực hiện quy trình chăm sóc ngay từ đầu, nhằm sản xuất được sản phẩm xoài chất lượng ngon và an toàn nhất.

Nông dân Việt xuất ngoại thuê đất trồng xoài - 1

Vườn xoài của anh Nguyễn Văn Ninh thuê ở Campuchia đang cho thu hoạch.Ảnh: S.N

Theo công bố của Bộ Nông nghiệp Campuchia, nước này có 65.000ha trồng xoài, sản lượng mỗi năm đạt 2,6 triệu tấn. Các thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng xoài là Trung Quốc, Pháp, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường có lượng hàng xuất lớn nhất.

Xoài keo hay còn được xoài Miên, là giống xoài có nguồn gốc từ Campuchia, theo đó giống xoài này được trồng nhiều ở vùng Tà Keo (Campuchia). Do đặc điểm từ khi trái non xoài keo đã rất ít chua, khi vào độ thu hoạch thịt đã ngọt, thanh và không có mùi hăng giống như một số giống xoài khác nên xoài keo rất dễ ăn, hấp dẫn nhiều người tiêu dùng. Với chất lượng ngon và giá cả hợp lý, nhiều năm nay xoài keo được các thương lái nhập về Việt Nam qua các ngả Hà Tiên, Kiên Giang và An Giang để tiêu thụ.

Trao đổi với phóng viên. anh Nguyễn Văn Ninh – Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Phú Lâm Tây (TP.HCM) cho hay, ngay từ đầu vụ năm nay, anh đã sang tận Campuchia để thỏa thuận thu mua xoài keo với bà con bên đó. “Họ bán cho mình theo từng năm, tính theo đầu gốc, mỗi gốc có giá 1 triệu đồng. Mình tự chăm sóc, tự thu hoạch. Nếu được mùa, mình được, mất mùa thì mình chịu. Hết năm, nếu mình có nhu cầu làm tiếpthì lại ký hợp đồng với họ” – anh Ninh cho hay.

Theo anh Ninh, giống xoài keo dễ trồng, mau cho trái, chỉ 2 - 2,5 năm sau trồng với giống là cây ghép, 3 năm với cây giống gieo bằng hạt (đã cao 40cm). Nếu người trồng chăm sóc đúng kỹ thuật, cây sẽ cho vài ba chùm trái. Cách chăm sóc xoài keo tương tự như giống xoài ghép (xoài bưởi) Việt Nam, nếu được chăm sóc đầy đủ, cây có thể ra 2-3 đợt trái liên tục trong một vụ.

Anh Ninh cho biết, hiện đang có rất nhiều nông dân Việt sang Campuchia thuê đất để trồng xoài keo. Trên thị trường từ sau Tết Nguyên đán đến nay, xoài keo tiêu thụ khá mạnh và mùa xoài keo còn kéo dài 1-2 tháng nữa. “Bên Campuchia người dân trồng nhiều xoài nhưng hầu như không có tác động gì lên cây, cây xoài chủ yếu phát triển tự nhiên. Tuy nhiên, cũng giống xoài keo này mang về Việt Nam trồng nhưng chất lượng lại không ngon bằng, chua hơn nhiều, vì thế thị trường không ưa chuộng. Mình sang nước bạn trồng, có bón thêm phân hữu cơ, chăm sóc, tưới đủ nước hơn nên cây tốt hơn, chất lượng và năng suất trái cũng tăng lên. Hay cái là từ lúc trồng cho tới giờ, tôi thấy cây xoài không bị sâu bệnh gì, nhất là tránh được các loại nấm trên cây xoài như ở Việt Nam” – anh Ninh chia sẻ.

Xoài keo tràn ngập thị trường

Nông dân Việt xuất ngoại thuê đất trồng xoài - 2

Nông dân Việt xuất ngoại thuê đất trồng xoài - 3

Mặt hàng xoài keo tại một đại lý ở Hoàng Mai, Hà Nội.  Ảnh: Lê San

Không chỉ xuất hiện phổ biến tại thị trường miền Nam, xoài keo cũng đã được chuyển ra phía Bắc tiêu thụ khá rộng rãi và được người tiêu dùng cực kì ưa chuộng. Khảo sát tại các chợ đầu mối và điểm bán hoa quả tại Hà Nội cho thấy, xoài keo rất dễ bán.

Chị Lê Hương - một tiểu thương bán hoa quả ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay: “Xoài keo thu hút người tiêu dùng bởi có quả to hơn xoài bình thường, cơm xoài dày, bên ngoài có vỏ màu xanh đậm nhưng bên trong ruột vàng óng, khi xanh ăn giòn, khi chín vàng lại rất thơm. Lượng hàng cung cấp khá ổn định. Ngược lại, xoài Việt lại có giá cả và lượng hàng rất bấp bênh. Ví dụ, xoài cát thường có giá từ 35.000 – 70.000 đồng/kg, còn xoài keo Campuchia chỉ quanh mức 20.000 đồng, cao lắm là 30.000 đồng/kg”.

Không chỉ bán lẻ, nhiều chủ cửa hàng còn tạo mối bán buôn hàng tạ xoài mỗi lần. Mức thu nhập ổn định từ xoài keo Campuchia lên đến hàng triệu đồng mỗi ngày nên nhiều tiểu thương chuyển hẳn sang kinh doanh chuyên loại xoài này. Anh Nguyễn Văn Tài - một chủ hàng chuyên bán hoa quả tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cửa hàng của anh hàng ngày vẫn bán 3 loại xoài là xoài Cát Hoà Lộc, xoài Thái và xoài keo Campuchia. Tuy nhiên, xoài Cát Hoà Lộc và xoài Thái tiêu thụ khá chậm, một ngày chỉ bán được khoảng 30-40kg/loại, trong khi xoài keo xuất xứ từ Campuchia thì mức tiêu thụ cao hơn gấp 5-6 lần.

Một số tiểu thương tại chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết có ngày bán được từ 2 - 3 tạ xoài keo. “Ngoài bán sỉ, đổ cho các mối bán lẻ, các đầu mối còn tổ chức bán hàng trên mạng nên lượng tiêu thụ ngày càng lớn” – chị Lê Hương cho hay. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo San Nguyễn (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN