Những tỷ phú “vàng đen” trên đất Tây Nguyên
Trong khi nhiều hộ trồng tiêu ở Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên “dở khóc dở mếu”, của nả đi tong vì tiêu chết, thì nhiều hộ trúng mánh nhờ trồng tiêu bền vững, mỗi năm đút túi vài tỷ bạc. Cây tiêu trên đất Tây Nguyên giờ đã biến thành “vàng đen” với giá lên tới cả 10.000 USD/tấn.
Kiếm tiền tỷ nhờ trồng tiêu
Cơn sốt trồng hồ tiêu ở Gia Lai vẫn đang nóng, cái thời mà người người, nhà nhà trồng tiêu. Cái thời mà ra đường, nông dân hỏi nhau năm nay thu được mấy tấn tiêu, trồng thêm bao nhiêu trụ, so kè bằng tiêu thì có thể thấy hồ tiêu phát triển nóng đến mức nào. Theo Sở NNPTNT Gia Lai, hiện diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh vào khoảng hơn 13.000ha. Trong khi đó, trong quy hoạch đến năm 2020 của Gia Lai chỉ có 5.000ha và 3 năm trước đây, diện tích của hồ tiêu của tỉnh Gia Lai cũng chỉ trên dưới 8.000ha.
Thu hoạch hồ tiêu ở Gia Lai.
Hệ lụy của việc trồng tiêu ồ ạt là việc hàng trăm ha tiêu đã bị chết do nhiễm bệnh và nhiều nguyên nhân khác trong những năm gần đây không chỉ làm người dân thất thu, mà biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền bạc cũng đã đội nón ra đi. Những huyện có diện tích tiêu chết nhiều phải kể đến như Chư Pưh, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê… hầu như năm nào, cũng có hàng chục đến hàng trăm ha tiêu bị chết. Thậm chí, nhiều xã, diện tích hồ tiêu gần như bị xóa sổ do tiêu mắc bệnh, khiến người dân phải lao đao.
Viễn cảnh thảm đạm của nhiều nhà nông có hồ tiêu bị chết do mắc bệnh tiêu chết nhanh, chết chậm thì đâu đó vẫn lóe lên những tia hy vọng cho người trồng tiêu. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư trồng tiêu theo hướng bền vững và đã thành công. Về xã Ia Hrú (Chư Pưh, Gia Lai) nhắc đến anh Đặng Hữu Phú, hầu như ai cũng biết. Không chỉ bởi diện tích hồ tiêu của anh Phú khá lớn với 5ha, mà bởi vì anh trồng tiêu theo mô hình bền vững. Năm 2010, được bố cho ra làm riêng với 5 sào hồ tiêu khoảng 1.000 trụ. Lúc này, tiêu bắt đầu được giá, thu được bao nhiêu, anh đổ vào mua thêm đất trồng tiêu. Chưa hết, anh Phú còn cầm cố rẫy tiêu vay đến hơn 2 tỷ đồng để mua đất trồng tiêu. Đến bây giờ, anh Phú là chủ nhân của 5ha tiêu, với 8.000 trụ.
Thành công của anh Phú là ở chỗ, anh đầu tư trồng tiêu theo hướng bền vững. Bắt đầu từ khâu làm đất, anh Phú cho xử lý rất kỹ lưỡng, phần chọn giống được anh Phú quan tâm đặc biệt, bởi mỗi gốc tiêu bị bệnh trồng xuống là thiệt hại được đong đếm bằng tiền. Không giống nhiều người trồng bằng trụ bê tông, trụ gỗ, anh Phú trồng bằng trụ sống. Những diện tích trước đây trồng bằng trụ bê tông, anh xử lý bằng cách trồng các cây lấy gỗ che bóng cho tiêu. Những gốc tiêu già, tiêu chết đều được anh xử lý, phá bỏ triệt để rồi trồng mới. Kinh nghiệm của anh Phú là hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng phân bón vô cơ, anh chỉ dùng phân hữu cơ để bón cho cây, anh chỉ bón phân vô cơ bổ sung vào giai đoạn tiêu đóng hạt. Giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vì có thể xảy ra ngộ độc đất làm tiêu chết.
Vườn tiêu được trồng, chăm sóc theo mô hình bền vững của anh Nguyễn Năng Châu ở xã Ia Tiêm (Chư Sê, Gia Lai).
Năm 2014, anh Phú thu được 17 tấn tiêu, bán được hơn 3 tỷ đồng, anh trích một phần trả tiền vay ngân hàng. Năm 2015 này, anh đã thu được khoảng 18 tấn tiêu, hiện giá tiêu đang ở mức 230.000 đồng/kg, nhưng anh Phú vẫn chưa xuất bán vì đang chờ giá lên. Tính sơ sơ, năm nay Một nông dân đang trồng tiêu theo hướng bền vững và đã thắng lớn là ông Nguyễn Văn Sỹ ở thôn 6, xã Ia Blang (Chư Sê, Gia Lai). Ông Sỹ bắt đầu trồng tiêu từ năm 1998 cho đến nay. Vụ tiêu thu được nhiều nhất của ông Sỹ là năm 2007, ông thu được 25 tấn tiêu. Cũng nhờ tiêu, năm 2010, ông Sỹ xây dựng được căn nhà có giá tới gần 2 tỷ đồng. Hiện nay, ông có khoảng 5.000 trụ tiêu, mỗi năm cũng thu được chừng 15-17 tấn. Chính ông Sỹ cũng từng nhận những thất bại cay đắng khi tiêu bị chết.
Rút kinh nghiệm từ những thất bại được tính bằng tiền tỷ, có năm cả ngàn gốc tiêu già cỗi, xuống cấp, chết vì bị bệnh khiến ông Sỹ lao đao mất ăn mất ngủ. Rồi ông cũng quyết định trồng tiêu theo mô hình bền vững, vì chỉ có trồng tiêu theo mô hình bền vững mới sống được. Hiện trong vườn ông Sỹ có khoảng 3.000 trụ tiêu trồng theo mô hình này, tầm 2.000 trụ còn lại đang trong thời gian cải tạo vì đã xuống cấp sau nhiều năm cho quả.
Duy trì canh tác bền vững
Ông Dương Luận- Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và nông sản huyện Chư Pưh cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc nhiều diện tích hồ tiêu bị chết trong thời gian qua trên địa bàn huyện là do người dân phát triển hồ tiêu ồ ạt, bất chấp khuyến cáo của chính quyền cũng như hiệp hội. Việc trồng tiêu theo hướng bền vững trở nên bức thiết và trở thành xu thế chung, bắt buộc người nông dân phải làm nếu muốn tồn tại. Theo tính toán, mỗi ha tiêu trồng bằng trụ sống có thể tiết kiệm được chừng 30-40% tiền đầu tư, khoảng 600-700 triệu đồng so với 1-1,2 tỷ đồng nếu không làm trụ.
Vườn tiêu của trồng theo mô hình bền vững của Chủ tịch HND xã Đăk Djrăng ông Nguyễn Văn Thinh ở (Mang Yang, Gia Lai).
Tại Diễn đàn “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai tổ chức vừa qua ở huyện Chư Sê (Gia Lai), nhiều kinh nghiệm, bài học đã được chia sẻ, nhưng các giải pháp được bàn để tìm lối ra cho hồ tiêu đều chỉ mũi tên về việc trồng hồ tiêu bền vững.
Từ đó, có thể thấy, để tránh việc bị tiêu tan tài sản do tiêu chết, hàng loạt người nông dân chỉ còn tự cách cứu mình. Đó là mô hình trồng hồ tiêu bền vững bằng trụ sống, chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trở thành cứu cánh cho những nhà nông trồng tiêu trong thời gian tới.
Ở huyện Chư Sê, hiện xuất hiện ngày càng nhiều những hộ nông dân tiêu biểu trồng tiêu theo mô hình bền vững như hộ ông Đồng Quốc Bảo ở xã Al Bá (Chư Sê), hộ anh Nguyễn Năng Châu ở xã Ia Tiêm (Chư Sê); hộ anh Đào Tiến Trình, hộ anh Tâm, anh Sáng ở Thị trấn Chư Sê (Chư Sê). Họ đang sở hữu hàng chục ha hồ tiêu trồng theo mô hình bền vững, mỗi năm thu được vài tỷ đồng… |