Nhập nhèm thực phẩm hữu cơ

Sự kiện: An toàn thực phẩm

Người tiêu dùng đang quen dần với những khái niệm như rau hữu cơ, thịt lợn hữu cơ, thịt gà hữu cơ, cá hữu cơ… Cùng với đó, các mô hình chăn nuôi hữu cơ cũng bắt đầu xuất hiện tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc nhập nhèm chứng nhận hữu cơ diễn ra khá phổ biến.

Lạm dụng quảng cáo hữu cơ

Dạo qua hàng loạt các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội, đa số đều có bán nông sản hữu cơ. Tại cửa hàng S.B phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), hàng loạt sản phẩm như: Rau cải, đậu xanh… có in trên bao bì nội dung: Rau hữu cơ. Một cửa hàng khác trên phố Duy Tân (Cầu Giấy) có thêm các sản phẩm thịt lợn, gạo hữu cơ. Tất cả những sản phẩm này đều có giá bán gấp 4- 5 lần so với những loại nông sản thông thường. Có giá cao nhưng trên bao bì hầu hết các sản phẩm chỉ in nội dung đơn giản về chứng nhận hữu cơ. Thậm chí có sản phẩm “2 trong 1”, vừa ghi là sản phẩm hữu cơ, phía dưới có cả tem chứng nhận VietGap. Đây được coi là việc “nhập nhèm”, không am hiểu về thực phẩm hữu cơ. Bởi tiêu chuẩn hữu cơ là tiêu chuẩn cao nhất trong chăn nuôi, trồng trọt trong khi đó tiêu chuẩn VietGap chỉ đơn thuần là tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam.

Chị Hoàng Thị Thảo (giáo viên tại trường Đại học Đại Nam) cho biết, chị thường xuyên mua thực phẩm hữu cơ, giá cao hơn thịt thường, nhưng mang lại cảm giác an tâm hơn. Tuy nhiên, khi được hỏi thế nào là hữu cơ, chị Thảo chỉ nêu được khái niệm mơ hồ: Nuôi lợn không có chất kháng sinh, không tăng trọng là hữu cơ. Cũng giống như chị Thảo, rất nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ về khái niệm hữu cơ trước “ma trận” thực phẩm hữu cơ hiện nay.

Nhập nhèm thực phẩm hữu cơ - 1

Người tiêu dùng trước “ma trận” thực phẩm hữu cơ.

Việc lạm dụng quảng cáo hữu cơ không chỉ xảy ra tại những cửa hàng nhỏ, mới đây tại Nghệ An, trang trại bò sữa của tập đoàn lớn cũng được giới thiệu là trang trại bò sữa hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng thực tế, theo trang web chính thức của Control Union (Hà Lan), trang trại này mới chỉ có chứng nhận đồng cỏ của 2 tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ cho các sản phẩm: “Ngô, ngô ủ chua, cỏ Mombasa tươi, cỏ Mombasa ủ chua, cỏ Mombasa khô”. Trang trại này chưa đạt chứng nhận hữu cơ cho chuỗi sản xuất và sản phẩm sữa.

Khó với tay tới chứng nhận hữu cơ

Tại Ha Nội, trang trại Bảo Châu, huyện Sóc Sơn được coi là một trong những đơn vị tiên phong trong việc thực hiện nuôi lợn hữu cơ theo công nghệ vi sinh hữu hiệu E.M (Effective Microorganism) của Nhật Bản. Đây là công nghệ chăn nuôi tiên tiến hiện nay, bởi công nghệ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà hầu hết các trang trại chăn nuôi tại Việt Nam đang phải đối mặt. Theo ông Nguyễn Đại Thắng, chủ trang trại, để có một chứng nhận khẳng định thịt hữu cơ thì trang trại vẫn chưa có. 

Anh Phong, đại diện một chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp nhân việc “nhập nhèm” giữa thực phẩm an toàn và thực phẩm hữu cơ để kiếm lời. Thế nên mới sinh ra việc: Trên một bao bì vừa có chữ “hữu cơ”, vừa có chứng nhận sản phẩm an toàn VietGap. Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp muốn làm mức gần như hữu cơ nhưng không được chứng nhận. Dẫn chứng về một đơn vị sản xuất gạo tại Thừa Thiên- Huế, đóng bao bì hữu cơ nhưng thực tế chỉ đạt chứng nhận VietGap, anh Phong cho rằng, doanh nghiệp rất muốn có chứng nhận gạo hữu cơ nhưng Việt Nam chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ nên có muốn cũng chẳng được. Trong khi đó, việc mời các đơn vị quốc tế sang chứng nhận thì giá thành quá cao, kéo theo giá gạo tăng, rất khó cạnh tranh. 

Lãnh đạo Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, hiệp hội đã chứng nhận sản xuất hữu cơ cho gần 500 nông dân theo hệ thống PGS. Hệ thống này bao gồm cả chăn nuôi và trồng trọt. Chứng nhận ban đầu mới chỉ cấp cho nông dân chứ chưa cấp rộng rãi cho các trang trại. Khi được hỏi về việc kiểm tra đột xuất và định kỳ thì lãnh đạo hội cho rằng: Chúng tôi không kiểm tra mà chỉ tư vấn để họ xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ. “Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm với những gì họ làm”, lãnh đạo Hiệp hội nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định: Ở Việt Nam chưa cấp chứng nhận hữu cơ cho bất cứ doanh nghiệp nào. Hiện nay, Bộ đang theo dõi quy trình xây dựng tiêu chuẩn hữu cơ, căn cứ thực tiễn để tích luỹ kiến thức. Dự kiến sẽ có bộ quy chuẩn hữu cơ trong 1- 2 năm tới. “Trong thời gian này, chúng tôi đang xem xét chấp nhận các tiêu chuẩn của các tổ chức nước ngoài”, ông Chinh nói.

Được biết, từ năm 2006, Bộ NN&PTNT đã có quyết định mang tên “Hữu cơ - tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chế biến”. Nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc cấp chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Một số nhà sản xuất sản phẩm hữu cơ được chứng nhận từ các tổ chức quốc tế như Control Union, IFOAM… Đây là những tổ chức độc lập, việc thẩm định và cấp chứng nhận cho các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ dựa trên uy tín của họ và từ chính đánh giá của người tiêu dùng chứ không phụ thuộc sự công nhận của chính quyền địa phương hay các hiệp hội trong nước.

PGS. TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, có nhiều ý kiến trái chiều về thực phẩm hữu cơ hiện nay. Nhiều người cứ nghĩ mua giống, đưa về nhà nuôi, cho ăn thực phẩm sạch… là hữu cơ nhưng thực sự không phải. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiểu Minh (Tiền phong)
An toàn thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN