Nhẫn lông voi thật vẫn… giả
Đến với cao nguyên Đắk Lắk - mảnh đất của những câu chuyện cổ tích, nguyên sơ, bằng tiếng tù và, tiếng cồng chiêng hòa quyện… và đặc biệt hơn đó là voi. Du khách khi đến đây thường mua sắm lông voi làm vật lưu niệm nhưng chuyện thật giả khó nhận biết.
Điểm du lịch nổi tiếng như hồ Lăk, Bản Đôn… và một điều dĩ nhiên là du khách không quên lựa chọn cho mình một món đồ từ các cửa hàng bán đồ lưu niệm về làm quà lưu niệm cho mình hay tặng người thân, bạn bè…
Đông đảo người mua
Một trong những món hàng lưu niệm đang “hút hàng” là nhẫn lông đuôi voi. Bởi đây là vật mà theo quan niệm của người dân địa phương là mang lại nhiều may mắn về tình duyên và sức khỏe…
Nhẫn lông đuôi voi bày bán tràn lan tại Khu du lịch Bản Đôn, khó phân biệt thật, giả.
Tại Khu du lịch Bản Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn có trên dưới 20 cửa hàng, cơ sở bày bán nhẫn lông đuôi voi. Với giá mà các cửa hàng đưa ra 80.000-120.000 đồng đối với nhẫn bạc, 200.000-300.000 đồng đối với nhẫn vàng là du khách có thể sở hữu cho mình một chiếc nhẫn xinh xắn để làm vật trang sức cho mình hay tặng người thân, bạn bè sau chuyến tham quan tại đây.
Những chiếc nhẫn được làm từ vật liệu bạc, vàng… rất tinh vi với nhiều kích cỡ cho nam hay nữ, trẻ con, thanh niên, thậm chí cho cả người già... Ở giữa chiếc nhẫn có một vòng hổng để luồn lông đuôi voi vào, trông rất khác biệt với các loại nhẫn trang sức khác. Với ý nghĩa về quan niệm may mắn về tình duyên, sức khỏe của nó nữa nên nhẫn lông đuôi voi đang được đa số các du khách khi đến đây không quên mua cho mình một vài cái về làm đồ lưu niệm.
Chị Nguyễn Tú Anh, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết: “Qua thông tin từ bạn bè, được biết nhẫn lông đuôi voi theo quan niệm của người dân địa phương là vật mang lại nhiều may mắn về tình duyên và sức khỏe cho chủ nhân của nó. Do vậy, khi đến đây tôi cũng cố gắng mua một cái làm kỷ niệm. Không những vậy, biết tôi vào đây nhiều bạn bè cũng nhờ mua giúp nhẫn lông voi nữa…”.
Thật vẫn… giả
Nhẫn lông đuôi voi hiện nay “mua bao nhiêu cũng có” đã khiến cho nhiều người hoài nghi không biết thật hay giả. Nếu thật thì lông đuôi voi ở đâu mà nhiều vậy? Làm thế nào mà có được lông đuôi voi thật?…
Đến với Khu du lịch Bản Đôn, sợ nhẫn lông voi giả, nhiều du khách cũng “cảnh giác” cao nên đã không chọn mua loại nhẫn này tại các cửa hàng lưu niệm mà thay vào đó là mua lông đuôi voi một cách “mục sở thị” trên lưng voi. Sau khi du khách tham gia hành trình cưỡi voi xong, thay vào đó là “vận động” nài voi cắt lông đuôi voi tại chỗ bán cho mình để khỏi bị “hàng nhái”.
Chia sẻ niềm vui sau khi mua được lông đuôi voi thật theo cách này, chị Lê Thị Thuấn, du khách đến từ Nghệ An, chia sẻ: “Trước khi đến Đắk Lắk, tôi đã tìm hiểu nhiều thông tin trên mạng về loại nhẫn này. Sợ mua phải nhẫn “giả cầy” nên khi tham gia cưỡi voi, tôi nói với người quản voi cắt bán cho tôi một sợi lông đuôi voi với giá 200.000 đồng (tùy theo sợi dài hay ngắn)… Mua như vậy mới không sợ hàng giả anh ạ”.
Nhiều du khách sợ nhẫn lông voi giả nên đã tìm cách mua loại lông voi “nóng” ngay trên lưng voi.
Ông Khẩn, một người dân sinh sống lâu năm ở Buôn Đôn, cho biết: “Là người dân địa phương, tôi chẳng bao giờ tìm mua loại nhẫn này bởi một điều chắc chắn rằng đàn voi bây giờ chẳng còn lông huống chi là nhẫn… May ra có du khách ở xa không biết mới tìm mua loại nhẫn này mà thôi… Việc lấy từ sừng trâu rồi bào ra từng sợi nhỏ y như hình chiếc lông đuôi voi rồi đánh bóng biến nó thành hàng thật. Việc này chỉ qua mặt được các du khách ở xa đến thôi, chứ qua mắt chúng tôi khó lắm”.
Ông Khẩn cho biết thêm: “Riêng việc các nài voi cắt lông ngay trên lưng voi để bán cũng cần xem xét lại. Ngày nào cũng có hàng trăm du khách cưỡi voi rồi gạ hỏi mua lông thực tế trên đuôi voi thì lông đâu mà nhiều thế. Chỉ có cách họ bắn lông giả vào đuôi voi thật để bán cho du khách thôi…”.
Thực tế đáng buồn cho thấy số lượng đàn voi của Đắk Lắk đang giảm theo từng năm. Voi nơi đây ngày càng ít đi. Vậy thì lông voi thật lấy đâu ra?
Nếu voi còn lông đuôi thật thì một điều chắc chắn rằng các nài voi này cũng không dễ có được những chiếc lông thật để bán cho khách.
Từ lâu nhẫn lông đuôi voi là loại mặt hàng phục vụ khách du lịch mang ý nghĩa may mắn về tình duyên và sức khỏe. Tuy nhiên đây cũng chỉ là quan niệm mà thôi, còn trên thực tế chứng minh cũng chẳng ai may mắn khi đeo loại nhẫn này cả.
Thiết nghĩ có cung ắt có cầu, nếu du khách cố tình tìm mua thì sẽ có người lừa bán hòng kiếm lời. Do vậy, khi đến du khách hãy lựa chọn cho mình những món đồ lưu niệm khác có ý nghĩa hơn. Và đặc biệt hơn khi đến với cao nguyên Đắk Lắk, du khách hãy thả lòng mình với cái nắng, cái gió, về với tiếng vọng của đất trời, tiếng ngày xưa anh dũng quật cường, tiếng ngày nay mê say lao động, nối dài những khao khát tương lai và hạnh phúc. Hãy góp tiếng nói chung góp phần bảo tồn loài voi để voi mãi là biểu tượng đặc sắc của Tây Nguyên.
Theo số liệu từ Sở NN&PTNT tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 43 cá thể voi nuôi, trong đó có 25 cá thể cái và 18 cá thể đực, nuôi tại huyện Buôn Đôn 24 cá thể và huyện Lăk 19 cá thể; số voi trong độ tuổi sinh sản 20-40 tuổi có 25 cá thể, gồm chín cá thể đực và 16 cá thể cái; số voi trong độ tuổi không còn khả năng sinh sản trên 40 tuổi có 18 cá thể, gồm chín cá thể đực và chín cá thể cái… |
Theo truyền thuyết của người dân tộc Êđê sống tại Buôn Đôn thì những chiếc nhẫn lông đuôi voi ngoài giá trị làm đẹp còn đem đến sự may mắn về tình duyên và sức khỏe. Chuyện niềm tin về hạnh phúc duyên tình từ chiếc lông đuôi voi cũng có giai thoại kể rằng: Ngày xưa có đôi trai gái làng yêu thương nhau đắm say nhưng bị ngăn cản bởi mâu thuẫn giữa hai làng nên họ không thể lấy nhau được. Chàng trai nghĩ tới việc nhờ vị thần to lớn nhất ở núi rừng Tây Nguyên là thần Nguăch Ngual (thần Voi) giúp đỡ để hai người nên nghĩa vợ chồng. Và lời cầu xin của chàng trai đã được “thần Voi” giúp đỡ. Họ được tặng một chiếc lông đuôi voi để làm tín vật. Hai người đã vượt qua mọi trở ngại để đến với nhau và chung sống cho đến “răng long, đầu bạc”. Kể từ đó chiếc lông đuôi voi được xem như là “bùa” yêu, là tín vật của tình yêu mang lại sự may mắn… |