Người Việt sang Úc mua trang trại nuôi bò

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhiều nhà đầu tư Việt đang rất quan tâm tới trang trại, bất động sản nông nghiệp ở Úc.

Hãng tin ABC (Úc) mới đây đưa tin một đại gia Việt Nam đã bỏ ra 13,6 triệu USD để mua lại trang trại Vermelha Station tại miền Bắc nước Úc để đầu tư vào ngành chăn nuôi gia súc. Giá trị thương vụ này bao gồm trang trại và đàn bò lên tới 10.000 con.

Thương vụ lớn

Đây được xem là vụ đầu tư lớn đầu tiên của người Việt Nam vào ngành chăn nuôi bò ở vùng phía Bắc của Úc. Đại diện công ty môi giới bất động sản (BĐS) Tanami Rural Property cho hay ngoài chăn nuôi, trang trại này có thể được tận dụng nhằm phát triển nhiều mô hình khác nhằm tận dụng giá trị đầu tư. Trước đó, tại vùng phía Bắc nước Úc cũng đã có nhiều người đến từ Việt Nam làm ăn tốt nhưng chủ yếu trong lĩnh vực trồng rau, quả.

Anh Nguyễn Vinh, một nhà đầu tư ở Đồng Nai, nhận định số lượng người Việt bỏ hàng chục triệu USD để đầu tư theo mô hình trang trại ở nước ngoài như Úc, Mỹ, Canada… là hiếm, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn những người mua trang trại, BĐS có giá từ vài trăm ngàn USD đến xấp xỉ 1 triệu USD thì không ít.

Trong khi đó, ông Lưu Minh Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển và Đầu tư BĐS Bắc Sơn, nói: “Pháp lý ở nước ngoài bảo vệ cho người mua trang trại khá cao. Hơn nữa, ở một vài quốc gia như đảo Síp, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra khoảng 300.000 euro trở lên, tương đương khoảng 7,5 tỉ đồng đã có thể vừa mua được một căn hộ đồng thời được cấp thẻ xanh. Nếu nhà đầu tư không ở đó và cho thuê thì cũng không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Nhiều ý kiến khác cũng cho hay nhiều người Việt đang rất quan tâm tới trang trại, BĐS nông nghiệp ở Úc. Trong đó một số người mua để phát triển nông nghiệp vì ngoài trồng cây ăn trái (thanh long, chuối, xoài…) thì khu vực miền Bắc của Úc còn phù hợp để chăn nuôi gia súc, nhất là bò. Số khác mua trang trại để cải tạo, phát triển thêm rồi bán lại, gọi là đầu tư BĐS trang trại.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nhận định thông thường doanh nhân Việt đầu tư ra nước ngoài có thể có nhiều mục đích khác. Chẳng hạn như đầu tư để được cấp thẻ xanh (green card) hay còn gọi là thẻ định cư. Mục đích đầu tư vì lợi nhuận có khi chỉ đứng hàng thứ yếu.

Người Việt sang Úc mua trang trại nuôi bò - 1

Nhà đầu tư Việt đang quan tâm tới bất động sản và làm nông nghiệp ở Úc. Trong ảnh: Nông dân Úc tại một trang trại nuôi bò. (Nguồn: VINAFOREST)

Vươn ra “biển lớn” không dễ

Xu hướng người Việt đầu tư mua trang trại hoặc BĐS nước ngoài không phải là hiếm nhưng nhiều ý kiến cho rằng khả năng thành công ở xứ người không dễ dàng. Ông Lưu Minh Ngọc phân tích: “Nhìn chung, đầu tư BĐS ở nước ngoài cũng là một cách để phân bổ rủi ro. Nếu đầu tư tất cả tài sản vào một rổ thì có thể gặp rủi ro khi thị trường gặp bất ổn về tỉ giá, lạm phát... Trong khi đó, đầu tư BĐS ở những quốc gia đã phát triển thì khả năng tăng giá có thể không nhiều nhưng lại là kênh giữ tài sản khá tốt”.

Phân tích về khả năng sinh lợi đối với BĐS trang trại ở nước ngoài, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, chuyên gia chiến lược, Giám đốc Trung tâm Khoa học tư duy (CTS), cho rằng: “Kinh doanh BĐS theo mô hình trang trại ở Mỹ, Úc… thường phù hợp với các đại gia hoặc Việt kiều yêu nông nghiệp. Nhưng họ chỉ có thể thành công khi có nhiều vốn để làm ăn lâu dài, áp dụng tư duy nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông tin vào nông nghiệp. Tuy nhiên, một số người Việt chưa có tư duy tốt về chiến lược phát triển nông nghiệp thông minh mà chủ yếu là làm theo kiểu đánh quả dự án BĐS, tức lấy đất phân lô, bán nền là chính.

Cũng theo ông Hòa, muốn thành công khi đầu tư ở nước ngoài thì nhà đầu tư phải là người giúp tăng trưởng chuỗi giá trị nông nghiệp bằng những giá trị song hành với canh tác như vùng nguyên liệu, giống, thuốc, phân bón, nhà máy chế biến, đóng gói, xuất khẩu, phân phối, siêu thị. Mô hình chuỗi giá trị này mới tạo ra tăng trưởng lợi nhuận.

Đại diện một công ty có đầu tư ra nước ngoài cũng nhìn nhận một số người Việt còn hạn chế về khoa học kỹ thuật, quản lý, cung cách bán hàng và luật lệ nước sở tại. Thậm chí có doanh nghiệp BĐS đầu tư nổi đình nổi đám ra nước ngoài với con số lên đến vài chục triệu USD nhưng về sau bị thu lãi gần hết do không tìm hiểu kỹ về luật thuế khắt khe của nước sở tại.

Ở góc độ pháp lý, ông Lưu Minh Ngọc lưu ý thêm để tránh rủi ro, nhà đầu tư BĐS hoặc trang trại ở nước ngoài cần tìm kiếm đơn vị tư vấn uy tín, có kiến thức chuyên môn. Bởi nếu không quen làm việc trong môi trường quốc tế, doanh nhân Việt có thể gặp bất lợi trong việc mua bán. Bên cạnh đó, cần khảo sát giá BĐS qua kênh độc lập để tránh mua bán phải những sản phẩm BĐS bị làm giá thông qua đơn vị môi giới làm ăn theo kiểu chộp giật.

“Ví dụ, khi mua BĐS ở Úc, nhà đầu tư phải xin giấy phép cấp cho người nước ngoài mua nhà và chỉ được phép mua nhà đang xây dở, nhà hoàn thiện nhưng chưa từng có người ở. Khi có nhu cầu chuyển nhượng thì thường chỉ được bán lại trong thị trường nội địa, tức là chỉ bán cho người Úc chứ không được phép bán cho người nước ngoài” - ông Ngọc dẫn chứng.

Vào năm 2012, doanh nhân Phạm Đình Nguyên mua một thị trấn của nước Mỹ có tên Buford với giá 900.000 USD đã gây xôn xao giới truyền thông trong nước và quốc tế. Sau đó, ông Nguyên đã đổi tên thị trấn Buford có lịch sử 147 năm của Mỹ thành thị trấn cà phê Việt PhinDeli, chuyên bán các sản phẩm cà phê Việt Nam.

Tuy nhiên, chuyện kinh doanh của cà phê PhinDeli cũng không tránh khỏi những khó khăn. Trao đổi với báo chí, ông Nguyên thừa nhận áp lực về nhiều vấn đề đã làm ông bạc tóc.

Theo ABC, trang trại Vermelha Station từng được Tập đoàn CT Group của Việt Nam cân nhắc mua lại để trồng thanh long năm 2014. Tập đoàn này đã lên kế hoạch phát triển một siêu trang trại trồng loại cây này với diện tích lên tới 10.000 ha, vốn đầu tư dự kiến 100 triệu USD. Tuy nhiên, đến đầu năm 2016 thì thỏa thuận này bị hủy bỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Linh (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN