Ngổn ngang trước giờ G

Rất nhiều điều kiện kinh doanh không rõ ràng, mang tính chất định tính, bất hợp lý đã được bãi bỏ nhưng ở một số lĩnh vực, việc “cắt bỏ” lại rất căng thẳng.

Chỉ 1 ngày nữa, cộng đồng doanh nghiệp (DN) sẽ đón luồng gió mới, được tự do kinh doanh tất cả ngành nghề pháp luật không cấm. Cuộc họp cuối cùng của Chính phủ rà soát loại bỏ những điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không hợp lý đã kết thúc cách đây 2 ngày, một số vấn đề được tranh luận rất căng thẳng song vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao của các bên liên quan.

Nhiều bộ vẫn “cố thủ”

Cụ thể, các vấn đề còn gây tranh cãi liên quan đến nghị định quy định về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng; Nghị định 19/2016 của Chính phủ về kinh doanh khí; ĐKKD với thương nhân nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi (Nghị định sửa đổi, bổ sung, ban hành một số quy định về ĐKKD, được nâng cấp từ Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương)...

Liên quan đến ĐKKD vận tải hàng không, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định 5 năm kể từ ngày được cấp phép, DN phải báo cáo với bộ về việc phát triển đội máy bay. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng quy định này không hợp lý vì phương án kinh doanh 5 năm chỉ mang tính định hướng của DN.

Hơn nữa, mỗi máy bay DN đưa về Việt Nam đều phải được sự phê duyệt của Cục Hàng không Việt Nam, một phần phương tiện của DN chỉ hoạt động ở nước ngoài nên quy định báo cáo nói trên rất khó khả thi. Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn bảo vệ quan điểm của mình và cho rằng kinh phí đầu tư hạ tầng sân bay rất lớn, nguồn vốn khó khăn nên cần phải có sự phát triển đội máy bay phù hợp với định hướng đầu tư hạ tầng sân bay.

Ngổn ngang trước giờ G - 1

Từ khi có Thông tư 20, người tiêu dùng phải mua xe giá đắt, thậm chí lỗi mốt. Ảnh minh họa: Chọn mua xe tại một đại lý ở TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Trong khi đó, về kinh doanh khí gas, Bộ Công Thương cũng “cố thủ” quan điểm DN phải có 100.000 vỏ bình trong khi các cơ quan khác phản biện cần để DN tự quyết định quy mô phù hợp với thị trường.

Đối với Thông tư 20/2011, Bộ Tư pháp và VCCI đã chỉ rõ quy định DN nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền là nhà phân phối của hãng sản xuất hoặc hợp đồng đại lý được cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự là không hợp lý, phạm luật.

Hơn nữa, quy định này tạo ưu thế cho các DN đã có giấy ủy quyền, giảm cơ hội tham gia thị trường của các DN khác, làm méo mó thị trường cạnh tranh và khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn cho xe nhập khẩu. Quy định này cũng không mang lại lợi ích nào từ góc độ quản lý. Thế nhưng khi nâng cấp thành nghị định, Bộ Công Thương không đề cập đến vấn đề này và cho rằng đây chỉ là thủ tục hành chính, không phải là ĐKKD nên vẫn giữ ở thông tư.

VCCI cho biết thêm từ khi có Thông tư 20, hàng loạt DN ô tô phải đóng cửa hoặc lâm vào tình trạng khó khăn. “Đến bây giờ vẫn chưa rõ trong bản dự thảo cuối cùng trình Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương xử lý vấn đề này như thế nào. Bên cạnh đó, trong quá trình thảo luận tại các cuộc họp, vẫn có một vài vấn đề của các bộ khác phải gác lại. Như vậy có nghĩa là phải chờ đến khi Chính phủ ban hành mới biết được ĐKKD nào được loại bỏ” - đại diện VCCI cho biết.

Tiếp tục rà soát sau 1-7

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đến thời điểm này đã loại bỏ được hơn 3.000 ĐKKD trong tổng số 5.885 ĐKKD nằm ở nhiều nghị định và thông tư. Theo Luật Đầu tư mới, tất cả ĐKKD nằm ở cấp thông tư sẽ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1-7, chỉ còn 6 ngành nghề cấm kinh doanh và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Hiện có tổng cộng 49 nghị định của tất cả bộ, ngành được xử lý nâng cấp từ thông tư đang chờ Chính phủ phê duyệt để có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7. Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu không chỉ rà soát đến ngày 1-7, sau mốc thời gian này, những ĐKKD không hợp lý vẫn tiếp tục được rà soát, sửa đổi hoặc bãi bỏ để hoàn thiện theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của DN.

“Hiện có những ý kiến e ngại chất lượng của các nghị định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cùng Bộ Tư pháp, VCCI... phối hợp với nhau làm quyết liệt, hy vọng có sản phẩm tốt nhất, đáp ứng yêu cầu cuộc sống” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Bộ trưởng cũng cho biết Chính phủ đang yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn một luật để điều chỉnh tất cả các luật khác có liên quan đến ĐKKD, trình Quốc hội xem xét trong một kỳ họp diễn ra vào tháng 10-2016.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài, nhận định nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đang có tác động tích cực đến cộng đồng DN. “Hai tuần vừa qua thực sự là một cuộc đấu tranh, minh chứng cho công cuộc đổi mới và chống lại bảo thủ để thực hiện mục tiêu nhà nước kiến tạo, tạo hành lang thông thoáng và thúc đẩy đổi mới, phát triển” - ông Mại nhận xét.

Biến tướng của giấy phép con

Đại diện một doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng không cho rằng đây là biến tướng của giấy phép con. Vì DN khi nộp hồ sơ xin cấp phép kinh doanh hàng không đã có phương án kinh doanh kèm theo.

Sau đó, DN được cấp phép hoạt động nghĩa là đã đủ điều kiện thì DN có quyền chủ động trong kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật cho phép. DN mua bán máy bay hay kinh doanh như thế nào, dùng vốn ra sao đều đã có luật quy định.

Đối với DN tư nhân, phương án kinh doanh, chiến lược phát triển còn là bí mật kinh doanh, hãng có quyền công bố thông tin nhưng không có nghĩa vụ phải tiết lộ (báo cáo) với cơ quan quản lý ngành. Yêu cầu báo cáo đồng nghĩa với việc có phê duyệt hoặc không phê duyệt phương án kinh doanh của DN, chẳng khác gì là cấp phép, dễ làm nảy sinh, biến tướng giấy phép con, tạo dư địa để cơ chế xin - cho tồn tại.

Chỉ làm lợi cho doanh nghiệp nước ngoài

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phú, cho biết từ khi có Thông tư 20, người tiêu dùng phải mua ô tô giá đắt, thậm chí lỗi mốt vì các hãng xe nước ngoài được độc quyền kinh doanh tại Việt Nam. Để tìm đường sống, suốt từ năm 2011 đến nay, DN nhập khẩu ô tô đã liên tục gửi kiến nghị và tâm thư lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, khẩn thiết đề nghị xem xét loại bỏ quy định giấy ủy quyền chính hãng tại Thông tư 20.

Các DN cho rằng nếu quy định giấy ủy quyền chính hãng vẫn được nâng cấp trong nghị định thì rất vô lý vì không nằm trong 267 mặt hàng kinh doanh có điều kiện. “Chúng tôi rất mong Thủ tướng thấy được nhóm lợi ích rất lớn ở đây vì Thông tư 20 chỉ làm lợi cho các DN nước ngoài được độc quyền kinh doanh ô tô tại Việt Nam và thu về siêu lợi nhuận. Còn người tiêu dùng, ngân sách và các DN trong nước lại thiệt hại nặng” - ông Tuấn nói.

Nghị định 19 thực chất là hạ chuẩn!

Ông Huỳnh Ngọc Quang, Giám đốc DNTN Kim Long (Tiền Giang, kinh doanh gas), cho rằng những điều kiện về kho chứa, số vỏ bình chứa đối với DN đầu mối được quy định tại Nghị định 19 về kinh doanh khí 2016 vừa có hiệu lực thực chất đã “hạ chuẩn” so với quy định từ năm 2009.

“Vấn đề đặt ra là vì sao DN không đạt chuẩn vẫn tồn tại và cạnh tranh không lành mạnh với DN có đầu tư? Là do việc thực thi luật pháp của cơ quan quản lý không nghiêm khiến thị trường gas loạn và người dân lãnh đủ” - ông Quang đặt vấn đề.

Ngoài ra, DN kinh doanh gas còn bị nhiều ràng buộc khác, ví dụ như quy định về việc “bán đúng giá” khiến DN bị cơ quan thuế “hành” vì bán dưới giá niêm yết. “Giá công ty đầu mối công bố là giá bán lẻ, chúng tôi bán sỉ thì giá phải thấp hơn và tùy theo hình thức thanh toán mà đơn giá không giống nhau. Do vậy, nhà nước chỉ nên yêu cầu DN không bán vượt giá tối đa chứ không nên quy định cứng là bán đúng giá vì không phù hợp thực tế” - ông Quang nói.

Cần bỏ giấy phép con trong kinh doanh vàng

Ngày 29-6, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc bãi bỏ giấy phép con trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vàng nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN.

Cụ thể, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định chi tiết hồ sơ, thủ tục, điều kiện kinh doanh vàng, Bộ Khoa học và Công nghệ quy định điều kiện kinh doanh vàng là không đúng thẩm quyền ban hành và trái với quy định hiện hành.

Đối với điều kiện cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng theo Nghị định 24 của Chính phủ là mạng lưới, chi nhánh, địa điểm bán hàng từ 3 điểm trở lên là đủ điều kiện nhưng các thông tư của NHNN lại yêu cầu DN phải đăng ký địa điểm chi nhánh, địa điểm kinh doanh chờ NHNN xem xét và mỗi lần như vậy phải chờ, các tiêu chí xem xét không được công khai… gây cản trở hoạt động của DN, tốn kém thời gian, chi phí.

Ngoài ra, những loại giấy phép con cần bãi bỏ, theo Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Nguyễn Thành Long, gồm điều kiện vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, tạm nhập tái xuất vàng nguyên liệu để gia công vàng trang sức mỹ nghệ…

P.Anh - Ng.Ánh - T.Phương ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN