Ném tiền tỷ xuống ao lấy ngọc
Sinh năm 1992, với tuổi đời còn rất trẻ nhưng Trương Đình Tùng (thôn Dạo Lưới, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, Bắc Giang) đã thành công bước đầu với mô hình nuôi, cấy ghép trai nước ngọt lấy ngọc xuất khẩu, một nghề hoàn toàn mới ở vùng quê miền núi phía Bắc.
Quyết định táo bạo
Sau khi học xong Cao đẳng xây dựng công trình đô thị, Trương Đình Tùng về quê và không xin việc ở các cơ quan nhà nước. Năm 2015, được một người bạn thân giới thiệu mô hình nuôi, cấy ghép trai lấy ngọc khá mới mẻ ở tỉnh Ninh Bình, Tùng hăm hở lặn lội về tận nơi tìm hiểu. Nhận thấy đây là mô hình kinh tế mới, có nhiều tiềm năng và khá phù hợp với vùng quê anh, Tùng quyết định thay đổi con đường lập nghiệp. “Khi tôi đưa ra quyết định sẽ theo đuổi học nghề này, bố mẹ tôi phản đối kịch liệt và cho rằng tôi mơ hồ, viển vông vì mình không học hành qua trường lớp nào liên quan đến nông nghiệp. Mặt khác, từ trước tới nay cũng chưa thấy ai nuôi, cấy ghép trai lấy ngọc từ nước ngọt bao giờ. Rồi còn bao nhiêu vấn đề khác như chất lượng ra sao, có tiêu thụ được hay không, thị trường, giá cả như thế nào? Đó không chỉ là những băn khoăn của gia đình mà cả của mình lúc đó nữa”, Tùng nhớ lại những ngày đầu khó khăn.
Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc - nghề mới có triển vọng.
Nhưng muốn biết thế nào thì phải thử, phải có niềm đam mê. Vốn là người thông minh, năng động nên sau một năm rưỡi được ông chủ truyền “bí quyết”, tháng 6 năm 2016, Tùng về quê tự xây dựng trang trại lập nghiệp với tổng vốn ban đầu bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng. Với diện tích 5 sào mặt nước, Tùng nuôi khoảng 10 nghìn con trai, các con giống này được mua ở trong và ngoài huyện. Và ngay lập tức, Tùng đã gặp phải khó khăn đầu tiên đó là thời tiết khi nuôi trai không phù hợp, nhiệt độ ngoài khu nuôi luôn khá cao nên lượng trai mua về chết gần một nửa. Khi nhận thấy nguyên nhân này, Tùng đã nhanh chóng thay đổi phương thức nuôi để bảo đảm cho trai sống khỏe trong môi trường phù hợp. Cũng may, môi trường nước ở tỉnh Bắc Giang rất phù hợp để nuôi cấy trai nước ngọt do ít bị nhiễm phèn. Nước nhiễm hóa chất sẽ làm mất vẻ đẹp thuần khiết của viên ngọc.
Công phu “bắt trai nhả ngọc”
Theo Trương Đình Tùng, đầu tư chi phí cho một con trai không phải là lớn nhưng lợi nhuận thu về có thể rất cao. Hiện, tính toán chi phí một con trai để nuôi, cấy ghép chỉ hết 35 nghìn đồng. Song, giá bán hiện tại trên thị trường một viên ngọc trai loại trung bình có giá từ 400-800 nghìn đồng, ngọc trai loại đẹp từ 2-4 triệu đồng. Nhật Bản, Hồng Kông và Hàn Quốc là những thị trường tiêu thụ rất lớn loại hàng trang sức quý này và đây cũng là thị trường tiềm năng để xuất khẩu trong thời gian tới. Theo dự kiến, với khả năng sống của lứa trai đầu tiên, năm sau Tùng sẽ thu về 4-5 tỷ đồng.
Tùng chia sẻ, khác với việc nuôi cấy trai biển thực hiện hàng trăm năm nay, việc nuôi, cấy trai nước ngọt mới du nhập về Việt Nam. Việc nuôi trai nước ngọt lấy ngọc cấy ghép nhân vào túi tinh thay vì cấy vào nội tạng như trai nước mặn. Phương pháp nuôi, cấy vô cùng công phu từ việc vệ sinh môi trường nước, giữ nhiệt độ phù hợp, thức ăn... Đặc biệt, kỹ thuật cấy ghép tế bào trai là công đoạn khó khăn, tỉ mỉ nhất. Ở khâu này, người nuôi sử dụng các dụng cụ chuyên dụng cắt con trai non từ 8-12 tháng để tạo ra các miếng có kích thước 0,22mm tương ứng với các viên nhân (trung bình 1 con trai cắt được 40 miếng, tương ứng 40 viên nhân). Mỗi con trai sẽ được cấy 2 nhân trên 2 màng áo ngoài. Nếu như dải cấy không vuông, vết cắt không gọn, khi thu hoạch viên ngọc sẽ bị lỗi. Mặt khác, vết mổ không chuẩn rất dễ rách màng áo ngoài khiến trai nhả nhân. Trai sau khi được cấy ghép phải được nuôi trong môi trường nước bảo đảm, theo dõi trong vòng 48 tiếng, có chế độ chăm sóc đặc biệt. Nếu nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh cũng khiến trai bị chết. Thông thường, để có ngọc trai đẹp, chất lượng, phải mất 2 năm từ khi cấy ghép cho đến lúc thu hoạch. Đặc biệt, do màu sắc của trai nước ngọt chủ yếu là màu tím nên nếu muốn tạo màu trắng phải lai chéo với quy trình phức tạp hơn.
Anh Tùng tâm sự: Tới đây, sau khi trang trại ổn định và phát triển, anh sẽ đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại để chế tác sản phẩm. Mặt khác, chú trọng hướng vào thị trường nội địa, nhiều tiềm năng để có lợi nhuận cao hơn. Còn ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, đây là mô hình làm kinh tế rất mới ở tỉnh Bắc Giang cũng như trên cả nước, sử dụng kỹ thuật tiên tiến. Dựa trên kết quả bước đầu của mô hình này, thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang sẽ xem xét, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá toàn diện làm cơ sở để hướng dẫn thực hiện các dự án, đề tài khoa học để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho nghề này phát triển.