"Mùa đông không lạnh" khiến quất ủ rũ, chết khô dịp cận Tết
Nhiều cây quất, cành quất chết khô bị vứt la liệt, chất đống dọc 2 bên đường dẫn vào phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội).
Quất chết vứt đống ở ven đường dẫn vào phường Tứ Liên – vùng trồng quất nổi tiếng nhất ở Hà Nội.
Phường Tứ Liên (Tây Hồ) – một vùng trồng quất nổi tiếng ở Hà Nội. Mỗi năm, nơi đây bán ra hàng triệu cây quất cảnh phục vụ người dân chơi Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay, người trồng quất đang lo lắng vì vào thời điểm cận Tết, quất bị héo rũ và chết nhiều.
Theo ghi nhận của PV ngày 21/12, dọc hai bên đường dẫn vào Tứ Liên, đâu đâu cũng thấy xác quất đã khô hoặc còn tươi, mới bị người dân vứt bỏ. Đi sâu vào bên trong các luống quất, nhiều cây đang héo rũ, vàng lá, quả nhăn nheo… chờ chết.
Bà Thuần (cụm 1, phường Tứ Liên) cho biết, nhà bà trồng hơn 300 gốc quất thì đến nay có khoảng hơn 100 gốc bị hỏng, lá vàng, quả quắt lại.
“Chưa năm nào thời tiết khắc nghiệt như năm nay, mùa đông mà thời tiết nắng nóng, ngột ngạt, đến người còn đang khó sống đây huống gì là cây. Hơn nữa, phân bón, thuốc trừ sâu giả nhiều, không may bón phải phân giả thì cây cứ còi cọc, không lên được”, bà Thuần nói.
Cách vườn nhà bà Thuần không xa, là một vườn quất đang héo rũ, nhiều cây đã chết, lá khô rụng đầy gốc, quả héo quắt.
“Đó là vườn quất của một người ở Hưng Yên đến thuê đất trồng. Quất héo, chữa không được nên người ta bỏ mặc, chả chăm sóc gì nữa”, bà Thuần chia sẻ.
Vườn quất 200 gốc nhà ông Long (cụm 4, Tứ Liên) cũng đang “sống dở chết dở”. Gia đình ông đang vớt vát, chăm sóc cho những cây còn xanh tốt hơn để kịp bán ra dịp Tết.
Chỉ tay vào mấy cây quất đang héo rũ, ông Long nói: “Mùa đông không lạnh, cũng hiếm mưa nên cây cứ còi cọc, lá vàng đi. Để thì không bán được mà nhổ lên thì tiếc”.
Khác với nhiều nhà vườn khác, vườn quất hơn 300 cây của gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng (cụm 3, Tứ Liên) vẫn đang phát triển tốt, lá xanh và quả bắt đầu ương chín.
Ông Dũng chia sẻ: “Đúng là năm nay thời tiết khắc nghiệt khiến cây quất khó phát triển. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật thì cây vẫn xanh tốt và cho quả sai. Mấy ruộng quất chết nhiều là do họ ít chăm sóc, cứ nghĩ thời tiết không ảnh hưởng. Ruộng nhà tôi hơn 200 gốc đây nhưng không việc gì”.
Quất cũ, quất mới chồng lên nhau thành nhiều đống rải rác khắp đường.
Nhiều cây quất hỏng, chết người dân nhổ bỏ cả gốc mang đi vứt.
Những cây gốc to, người dân cắt ngang cây vứt cành để giữ lại gốc chăm sóc cho lên nhánh vào năm sau.
Quất héo bị rụng quả nhiều, người dân phải nhặt từ trong ruộng mang ra đường đổ.
Dù thời điểm cận Tết nhưng nhiều người dân ở Tứ Liên đang phải nhổ quất vứt đi.
Nhiều cây, cành quất bị vứt ven đường đã lâu.
Khi cành khô, người dân đốt đi để lấy tro bón ruộng.
Bên trong các vườn quất, rải rác nhiều cây quất cũng đang chết, héo úa.
Theo một số người trồng quất, thời tiết nắng nóng vẫn là nguyên nhân chính khiến quất chết, chậm phát triển.
Một số nhà vườn bỏ mặc cho quất chết, không buồn nhổ vứt đi.
Lá cây héo khô và quả đang quắt lại.
Diện tích quất còn lại, người dân đang tích cực chăm sóc để cây phát triển tốt, bán ra đúng dịp Tết Nguyên đán 2017.
Về giá cả, người dân dự đoán không có nhiều thay đổi so với năm trước. Cây quất nhỏ có giá dao động từ 300.000 – 500.000 đồng/gốc, cây nhỡ có giá từ 700.000 – 1,5 triệu đồng/gốc, loại quất thế to cao khoảng 3 mét trở lên có giá dao động từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/gốc…