Một tháng phạt hơn 800 vụ vi phạm, thu 9.356 tỷ đồng

Sự kiện: Kinh Doanh

Chỉ trong vòng một tháng gần đây (từ 15/11 đến 16/12), Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã đã kiểm tra 1.066 vụ, xử lý 824 vụ, thu 9,356 tỷ đồng.

Đây là thông tin được bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội đưa ra tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều ngày 20/12.

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, để kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, từ ngày 15/11 đến ngày 16/12, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 1.066 vụ, xử lý 824 vụ. Trong đó: Vi phạm về hàng lậu, hàng cấm: 191 vụ, vi pham về hàng giả; vi phạm sở hữu trí tuệ 107 vụ; vi phạm về đo lường chất lượng 50 vụ; vi phạm về an toàn thực phẩm là 208 vụ; vi phạm về nhãn hàng hoá 97 vụ, vi phạm về đăng ký kinh doanh 77 vụ…  tổng thu 9,356 tỷ đồng.

Trong đó, phạt hành chính 4,508 tỷ đồng; trị giá hàng hoá tịch thu là 2,761 tỷ đồng; trị giá hàng hoá buộc tiêu huỷ là 2,059 tỷ đồng; trị giá hàng chuyển đổi    0,028 tỷ đồng.

Một tháng phạt hơn 800 vụ vi phạm, thu 9.356 tỷ đồng - 1

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội

“Kế hoạch kiểm tra ban hành được các lực lượng, cơ quan ban hành đầy đủ. Các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra đi sâu các cơ sở không đủ điều kiện phải dừng, vi phạm cao hơn thì chuyển cơ quan điều tra xử lý. 30 đội Quản lý thị trường trên địa bàn, 3 đội cơ động có kế hoạch kiểm tra riêng, bám sát địa bàn…”, bà Phương Lan nhấn mạnh.

Về kết quả kiểm tra, xử lý của Đoàn kiểm tra liên ngành Tết, bà Phương Lan cho biết: Chi cục Quản lý thị trường đã chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng (PC46, PC49-Công an Thành phố, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện Kế hoạch kiểm tra liên ngành trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Kết quả kiểm tra 40 vụ; xử lý 34 vụ; đang xử lý 5 vụ; không xử lý 1 vụ; phạt hành chính 277,9 triệu đồng; trị giá hàng vi phạm 306,050 triệu đồng.

Ngoài ra, các đoàn kiểm tra cũng phát hiện 3.700 kg phụ gia thực phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; 4,3 tấn lê có nhãn chữ Trung Quốc và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có giấy kiểm dịch thực vật…

Ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục Quản lý thị trường cho biết, việc kiểm tra an toàn thực phẩm là quan trọng hàng đầu. Kết quả kiểm tra so với năm 2015 cao hơn, tổng số kiểm tra thấp hơn nhưng kết quả xử lý cao hơn. Việc kiểm tra cũng được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm. “Với việc kinh doanh rượu, thuốc lá, theo ông San, thị trường thời điểm này so với thời kỳ trước có thể giảm nhưng vẫn tồn tại. Chúng tôi có trách nhiệm bắt buộc các cơ sở có kế hoạch chuyên đề để kiểm tra hiệu quả hơn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N. Huyền (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN