Mất triệu đô trả "học phí" hội nhập

Phải chơi với những người giỏi, gắn với những hiệp định có tiêu chuẩn cao qua đó để gây áp lực thúc đẩy cải cách.

Chỉ còn hai tuần nữa, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các nước có hiệu lực, đặc biệt là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành. Tính đến nay Việt Nam đã ký tổng cộng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA).

Làm sao để tận dụng được cơ hội cũng như vượt qua thách thức mà hội nhập mang lại? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Đừng sợ hội nhập

. Phóng viên: Thưa ông, có ý kiến cho rằng Việt Nam “vô địch” về việc ký kết các hiệp định nhưng lại thiếu sự chuẩn bị để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức mà hội nhập mang lại?

+ TS Võ Trí Thành: Tôi không thích từ “vô địch”. Tôi thấy dường như chưa có bài báo nào phân tích về hiệu quả gắn với những thứ vô địch hay nhất ấy!

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Liệu hội nhập có nhanh quá so với năng lực, trình độ của mình hay không? Tôi cho rằng không nhanh! Hội nhập nhanh nhất phải là năm 1989, trong một đêm đã mở cửa. Còn hiện chúng ta đã trải qua 30 năm đổi mới, 25 năm hội nhập nên học hỏi và đã có những bài học kinh nghiệm rất lớn.

Tôi cũng cho rằng cần phải chơi với những người giỏi, người tốt, gắn với những hiệp định tiêu chuẩn cao, qua đó gây áp lực để thúc đẩy những cải cách trong nước.

. Nhưng vấn đề là doanh nghiệp (DN) Việt quá yếu, liệu họ có địch nổi với các tập đoàn hùng mạnh nước ngoài?

+ Đó là câu hỏi cần đặt ra trong quá trình hội nhập. Theo rất nhiều tính toán, Việt Nam là nước được hưởng lợi rất nhiều so với mức xuất khẩu và GDP.

Thực tiễn có những lúc chúng ta rất e ngại như hồi năm 2000 khi ký Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ. Bởi thị trường Hoa Kỳ rất cao cấp, pháp lý rất phức tạp làm sao chúng ta tiếp cận được? Thế mà chỉ vài năm sau, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Từ đó tôi có thể khẳng định khó khăn, thách thức trong hội nhập là rất nhiều nhưng thực tiễn cho thấy Việt Nam có thể hội nhập được.

Mất triệu đô trả "học phí" hội nhập - 1

Mất triệu đô trả "học phí" hội nhập - 1

Nếu không chủ động hội nhập thì phần thiệt thòi sẽ rơi vào các doanh nghiệp Việt. Ảnh: HTD

Cái giá phải trả sẽ cao hơn nếu…

. Nhiều ý kiến cho rằng các DN Việt còn rất mơ hồ về hội nhập trong khi các FTA đang đến gần, thưa ông?

+ Tôi không thích cách nói Việt Nam hay DN của chúng ta mơ hồ về các FTA. Thật ra DN Việt với 25 năm hội nhập từ 1990 đến nay đã học được nhiều bài học kinh nghiệm, đã trưởng thành.

Nhưng điều chúng ta lo ngại là DN hiểu được các cam kết, tiến trình hội nhập, chuyển hóa các cam kết, cách chơi vào ý đồ, kế hoạch và chiến lược kinh doanh. Điều này thì DN Việt yếu.

. Với các DN nhỏ, nguồn lực không mạnh thì sao, thưa ông?

+ Việt Nam cũng như các nước khác, DN nhỏ và vừa chiếm đa số. Nhưng cái khác của Việt Nam là DN nhỏ và vừa của chúng ta là nhỏ… “li ti”. Nguồn lực, khả năng tiếp cận, chuyển hóa cơ hội kinh doanh thành lợi nhuận khá yếu.

Cái yếu này dẫn đến việc DN Việt sẽ chọn một trong hai cách thức hội nhập: Một là tìm hiểu kỹ càng luật chơi, chuẩn bị trước rồi vươn lên phát triển bền vững. Chọn cách này thì chi phí tuân thủ trong hội nhập sẽ giảm đi rất nhiều. Hai là cứ hội nhập (một cách thụ động - PV), rồi vấp ngã, rồi sụp đổ, rồi chuyển hóa, thích nghi… Có điều nếu chọn cách thứ hai thì chi phí phải trả sẽ rất cao.

. Như vậy, theo ông, chi phí tuân thủ cao do không học hỏi về hội nhập có phải là điều đáng lo ngại?

+ Tôi đã từng nói với một DN rằng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ từ năm 2000 đến 2014 từ 1 tỉ lên 30 tỉ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 14 năm lên tới hàng trăm tỉ USD… DN đó nói xuất khẩu được hàng trăm tỉ trong 14 năm, còn chi phí phải trả nhiều triệu USD (khoảng 60-70 triệu USD - PV) để theo đuổi các vụ kiện chống phá giá thì cũng coi như chấp nhận được. Anh cứ lo làm gì!

Từ đó cho thấy điều đáng lo ngại ở đây là nếu chúng ta muốn làm ăn bài bản, trả phí tổn đàng hoàng thì chi phí tuân thủ ít hơn. Nhưng nếu để DN học hỏi, sống sót dần dần thì kinh nghiệm 20 năm qua cho thấy DN cũng như người Việt Nam vẫn sống sót, trưởng thành và hội nhập được nhưng cái giá phải trả sẽ cao hơn.

. Xin cám ơn ông.

Kiện chống phá giá sẽ nhiều hơn

Sau khi các FTA có hiệu lực, đặc biệt là các FTA quan trọng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), rất nhiều hàng rào thương mại sẽ được gỡ bỏ hoặc giảm. Do vậy, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường các nước sẽ tăng lên.

Tương tự như vậy, DN Việt sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn tại thị trường trong nước. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng các vụ kiện chống phá giá, phòng vệ thương mại sẽ ngày càng nhiều hơn chứ không ít đi và DN Việt sẽ không chỉ là bên phải theo hầu kiện mà sẽ cần chủ động khởi kiện để bảo vệ thị trường trong nước.

Vấn đề là làm sao để sử dụng ngân sách cho hiệu quả, thuê luật sư giỏi ngay từ sớm để giúp DN có sự chuẩn bị, theo kiện đạt kết quả tốt nhằm bảo vệ được thị trường xuất khẩu.

Luật sư TRẦN TUẤN PHONG, Chủ nhiệm CLB Luật sư thương mại quốc tế (Liên đoàn Luật sư Việt Nam)

Hoa Kỳ hiện đang là nhà đầu tư tốp 10 ở Việt Nam. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ rất tự tin rằng trong tương lai, họ sẽ là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chân Luận (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN