Mất lãi 100.000 tỷ đồng, gửi đơn kêu cứu lên Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng

Sự kiện: Kinh Doanh

Mới đây, ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đã có công văn số 114 kiến nghị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trong công văn ông Vang viết, trong bối cảnh hiện nay, trước sức ép của hội nhập quốc tế, nông sản Việt Nam đang và sẽ chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt mà tự nội tại của ngành nông nghiệp và nông dân thì không thể tự giải quyết được.

Nông sản không tiêu thụ được, hoặc tiêu thụ với giá rất thấp thậm chí dưới giá thành, phần thua thiệt này chủ yếu vẫn thuộc về người sản xuất, nhất là nông dân.

Mất lãi 100.000 tỷ đồng, gửi đơn kêu cứu lên Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng - 1

Ảnh minh họa

Thực trạng của ngành hàng thịt lợn và người chăn nuôi lợn vừa qua là những minh chứng điển hình, mặc dù đã có sự vào cuộc rất tích cực của Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã làm giảm thiểu đáng kể sự thua lỗ cho người chăn nuôi lợn trong nước lên tới trên 3.000 tỷ đồng mỗi tháng trong thời gian vừa qua.

Nhưng điều đáng nói là khủng hoảng về cung cầu thị trường thịt lợn vừa qua đã làm mất đi phần lãi trên 100.000 tỷ đồng của người chăn nuôi lợn trong nước mà lẽ ra họ hoàn toàn được hưởng.

Để cứu ngành chăn nuôi, ông Vang kiến nghị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc 4 điểm chính:

Thứ nhất, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Riêng khâu nuôi, trồng, sơ chế thì cần tạo điều kiện để người nông dân làm dưới hình thức mô hình hợp tác xã, hoặc gia công, sản xuất nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Nội dung này cần được luật hóa trong Luật Chăn nuôi.

Thứ hai, kiểm soát tốt chất lượng và an toàn nông sản, thực phẩm. Phải quyết tâm cao để thay đổi thói quen, tập quán canh tác của nông dân, doanh nghiệp. Không nhất thiết phải sản xuất ra thật nhiều nông sản có chất lượng thấp mà không tiêu thụ được…

Thứ ba, phải giữ và mở rộng không gian cho thị trường nông sản Việt Nam, trong đó cần coi trọng thị trường các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc phải được khai thông và khai thác thực sự có hiệu quả.

Theo ông Vang, chính thị trường này mới là tiềm năng rất lớn cho chăn nuôi và thủy sản nước ta. Do vậy, ngoài việc phải nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản xuất thì vấn đề kiểm soát, hạn chế tối đa việc tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh của các nước trên thế giới qua Việt Nam đưa vào Trung Quốc là vô cùng quan trọng. Việc làm này vừa được Nhà nước Trung ương Trung Quốc ủng hộ vừa giữ được không gian thị trường nông sản cho Việt Nam.

Hiện nay khối lượng mặt hàng này tạm nhập tái xuất sang Trung Quốc là rất lớn, khoảng trên 5 triệu tấn/năm (tương đương toàn bộ sản lượng thịt các loại của cả ngành chăn nuôi nước ta sản xuất ra).

Các loại thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất này đều là thứ phẩm của các nước phát triển với giá rất rẻ như cổ, cánh, chân, đầu, phủ tạng gia súc, gia cầm; thịt trâu, bò của các nước không dùng thịt… nên sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam không thể cạnh tranh nổi.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp và những người dân chuyên buôn bán nông sản ở các tỉnh vùng biên giữa hai nước Việt – Trung, mặt hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất gia tăng bao nhiêu thì nông sản Việt Nam càng khó sang Trung Quốc bấy nhiêu, nhất là các mặt hàng xuất khẩu tiểu ngạch, trong đó đặc biệt là với mặt hàng lợn thịt.

Vì ngoài giá rẻ (thậm chí có thông tin “bán như cho không”) được nhập lậu vào Trung Quốc, hoàn toàn trốn thuế, trốn kiểm dịch, nên khả năng cạnh tranh về giá cũng như “thủ tục” với những sản phẩm chăn nuôi, thủy sản của Việt Nam là rất lớn.

Cũng không loại trừ khả năng được “giữ lại một phần” tiêu thụ ngay trong nước gây xáo trộn, lũng đoạn thị trường Việt Nam và là nguồn dịch bệnh và thực phẩm không an toàn.

Cuối cùng, theo ông Vang, hiện nay, phía Trung Quốc đã có cơ chế thí điểm để Myanmar được xuất bán thực phẩm tươi sống, trong đó có gia súc, gia cầm sống vào Trung Quốc qua cửa khẩu thuộc tỉnh Vân Nam.

Trong khi tỉnh Quảng Tây cũng đang xúc tiến và rất muốn được sự cho phép của hai nhà nước Trung Quốc và Việt Nam để triển khai mô hình này. So với các đối tác trong Asean thì Việt Nam có tiềm năng và lợi thế nhất để thực hiện chương trình hiện đại hóa một số cửa khẩu trong trao đổi mậu dịch của Trung Quốc với các nước láng giềng.

Trong đó sẽ chuyển mạnh việc trao đổi các mặt hàng nông sản thực phẩm từ tiểu ngạch sang chính ngạch nhằm kiểm soát tốt hơn vấn đề dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN