“Ma trận” mật ong rừng

Cần bao nhiêu cũng có, giá chỉ xấp xỉ 500.000 đồng/lít, chính người nuôi ong cũng bị lừa khi mua trúng mật ong rừng giả

Thời gian gần đây, trên các tuyến đường chính dẫn vào tỉnh Lâm Đồng như Quốc lộ (QL) 20, QL 27, Tỉnh lộ 723 và đi các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, nhiều người dân mặc đồ đi rừng lấm lem bùn đất, xe treo lủng lẳng các tổ ong và những chai mật bắt mắt với lời quảng cáo “đặc sản của rừng 100%”.

Đủ chiêu biến hóa

Cầm chai mật ong khoảng 500 ml có màu nâu sẫm, ông Hùng, một người bán dọc QL 20 (đoạn qua đèo Chuối, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) quảng cáo: “Mật ong ruồi xịn đấy! Đặc sản của rừng nên giá hơi cao. Thông thường giá từ 700.000-900.000 đồng/lít nhưng tôi bán rẻ cho mấy anh chai này nửa lít chỉ 250.000 đồng. Mua dùng và làm quà biếu thì tốt nhất, quý lắm!”. Để tạo niềm tin cho khách hàng, ông Hùng nói rằng lâu lâu đến mùa lấy mật mới có chứ không dễ gì bởi rừng nay cạn kiệt rồi.

Đi hết địa phận huyện Di Linh, đến xã Tam Bố (đoạn giáp ranh huyện Đức Trọng) lại xuất hiện thêm điểm bán mật ong rừng dọc đường, người bán là đồng bào dân tộc thiểu số. Chị Ka B’rê tỉ tê rằng mình bán mật ong rừng thật 100%. Chồng chị hay đi rẫy nên săn được nhiều lắm, giá bán bảo đảm rẻ hơn các nơi khác. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua số lượng lớn để về TP HCM bán lại, người này khẳng định: “Muốn bao nhiêu cũng có. Chỉ cần anh đặt hàng, chồng tôi sẽ đi cùng nhiều đồng bào dân tộc vào rừng là có hàng trăm lít ngay”.

Hay tin các tỉnh Tây Nguyên đang bán nhiều mật ong rừng, ông Trần Ngọc Hải (36 tuổi) từ Bình Dương lên tận TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) mua gần 5 lít với giá 500.000 đồng/lít để dành dùng và làm quà biếu người thân. Khoảng 1 tuần sau, số mật ong ông mua dọc đường đã đổi màu và lắng xuống đáy bình. Lúc này, ông mới biết mình bị lừa.

“Trước khi mua, tôi đã cẩn thận nhưng vẫn mắc lừa. Bởi tôi thấy họ thật thà, ăn mặc kham khổ giống hệt như vừa đi lấy mật trong rừng ra nên mua ngay” - ông Hải lắc đầu.

Những người này còn quảng cáo và cho ông Hải số điện thoại để khi cần nhiều thì liên lạc hay giới thiệu cho người thân lên mua. Thế nhưng, khi những chai mật ong nói trên xuất hiện dấu hiệu “lạ”, ông gọi số điện thoại trên đều không liên lạc được hoặc nhầm số.

Chị Lê Thị Hạnh (ngụ huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cũng bị lừa mua mật ong rừng giả đắt gấp 5 lần. Một lần vào xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông thăm người thân, chị Hạnh thấy 2 người đàn ông xách theo xô mật ong đứng giữa đường. “Thấy trong xô có hơn 3 lít mật ong, gồm cả sáp và những con ong đang còn sống, tôi hỏi mua 2 lít. Tuy nhiên, do không có can đựng nên tôi đồng ý mua hết cả xô mật với giá 1,5 triệu đồng” - chị Hạnh kể.

Sau khi vắt được gần 3 lít mật, chị Hạnh gửi 2 lít về quê biếu bố mẹ, còn lại để trong tủ lạnh. Khoảng 1 tuần sau, chai mật có hiện tượng đóng đường dưới đáy. Nhờ người am hiểu kiểm tra, chị Hạnh mới hay đó là mật ong nuôi giá khoảng 100.000 đồng/lít.

“Ma trận” mật ong rừng - 1

Người dân huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum nuôi ong trong rừng Ảnh: HOÀNG THANH

“Ma trận” mật ong rừng - 1

Rao bán mật ong rừng dọc Quốc lộ 20 ở huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng Ảnh: ĐÌNH THI

Dùng lâu có thể tăng cân, béo phì

Theo anh Vũ Văn Trường - người nuôi ong ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai - những người làm giả “cao thủ” có bí quyết riêng để khiến cho mật ong nuôi như mật ong rừng thật. Dù là người nuôi ong, đã thử mật ong giả rồi nhưng anh cũng không phát hiện ra đâu là mật ong nuôi, đâu là mật ong rừng.

Trong khi đó, một người nuôi ong tại huyện Krông Pa cho biết “chiêu” thường được dùng nhất là trộn chung tỉ lệ 40% mật ong rừng với 60% mật ong nuôi. “Pha như vậy chỉ có người trong nghề mới phân biệt được, còn người bình thường thì vẫn tin đó là mật ong rừng 100%” - người này tiết lộ.

Trước tình trạng mật ong rừng được rao bán tràn lan, anh Kha, một chủ cửa hàng kinh doanh mật ong ở TP Đà Lạt, cho rằng mật ong rừng thật muốn kiếm 1 lít khó như lên trời, không phải lúc nào thợ đi lấy mật cũng gặp may kiếm được nhiều đến hàng trăm lít có sẵn như thế nên rõ ràng là lừa đảo. Kể cả những người chuyên nuôi ong theo các mùa hoa trà, cà phê, cao su… ở Tây Nguyên cũng không dễ kiếm được nhiều đến vậy, trừ phi họ làm giả từ đường hóa học nấu cô đặc lại. Anh Kha cũng khuyến cáo tại các cửa hàng kinh doanh mật nhỏ lẻ cũng chưa chắc là mật ong rừng thật.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều hóa chất tạo mùi rất giống với mật ong, những người làm ăn bất chính đã mua về và qua sơ chế sẽ biến mật dỏm thành mật thật mà người bình thường rất khó phát hiện. Vừa nói, ông Kha vừa để 2 chai mật ong thật - giả cạnh nhau so sánh, quả thật giống nhau đến hơn 90%.

Ông Kră Jãn Moa, bán mật ong rừng dọc Tỉnh lộ 723 (đoạn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), tiết lộ không có mật ong rừng thật nhiều, phần lớn là pha đường. Mật ong thật không đủ bán cho khách quen dặn trước với giá hơn 1 triệu đồng/lít, lấy đâu ra giá rẻ vài ba trăm ngàn đồng.

Theo ông Moa, nhiều người cẩn thận mua tổ ong về vắt mật nhưng vẫn bị giả. Một số người mang tổ ong ruồi bán dạo ở các phố, thấy tổ ong tươm mật, nhiều người mua về để vắt nhưng không biết rằng người bán dùng xi-lanh hút mật thật ở từng hộc nhỏ trong tổ ong ra rồi bơm mật đường vào các hộc này. Đây là cách làm giả mật ong “cao cấp” hiện nay.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tạo - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng - khẳng định mật ong thuộc nhóm thực phẩm bổ dưỡng và có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Tuy nhiên, nếu dùng phải mật ông giả, kém chất lượng thì nguy hại vô cùng. Mật ong giả thường có nhiều tạp chất, hóa chất và cả chất tạo màu, tạo mùi độc hại. “Nếu dùng phải với số lượng nhiều, tích tụ lâu ngày sẽ mất cân bằng hệ tiêu hóa, gây tăng cân, béo phì, thậm chí bệnh tim mạch ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Người dùng không nên mua trôi nổi dọc đường, tránh trường hợp tiền mất tật mang” - bác sĩ Tạo cảnh báo.

Nuôi ong trong... rừng

Trước nhu cầu mua mật ong rừng lớn nhưng lượng mật ong rừng tự nhiên có hạn, người dân xã Ngọc Yêu, tại huyện Tu Mơ Rông đã nghĩ ra cách vào rừng để nuôi ong. Vào dịp cuối năm, người dân lại vào rừng tìm những gốc cây sâu, bộng rồi đục rỗng để ong về trú ngụ. Đến khoảng tháng 6, chỉ cần mang theo can vào những hốc cây đã đục đó thu hoạch mật ong. Theo anh A Néo, người dân xã Ngọc Yêu, trung bình mỗi năm, anh thu được khoảng 100 lít mật, bán được khoảng 50 triệu đồng.

Thử đúng cách cũng bị lừa

Bà Nguyễn Thị Phẩm (ngụ đường Phan Đình Phùng, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) từng sống ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai trước năm 1975. Bà từng có thời gian buôn mật ong và đã được người Êđê bày cách thử mật ong để phân biệt đâu là thật - giả. Theo bà Phẩm, cách phân biệt mật ong rừng và mật ong thường là dùng 1 cọng hành lá để thử. Nếu nhúng cọng hành vào mật, thấy cọng hành héo ngay thì đấy là mật ong thật.

Tuy nhiên, bà cũng từng bị một người dân tộc thiểu số lừa. Số là người này gùi mật ong xuống TP Tuy Hòa bán. Trước khi mua, bà nhúng cọng hành vào mật thấy cọng hành héo ngay nên tin đấy là mật ong thật. Nào ngờ chỉ phần trên của can mật ong là thật, toàn bộ phần dưới là giả. Mật ong bao giờ cũng nhẹ hơn mật đường. Người phụ nữ kia đã làm giả khi nấu mật đường chế vào gần đầy các can nhựa rồi chế mật ong lên phần trên của can.

H.Ánh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Thi - Hoàng Thanh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN