Lý do tăng thuế chưa thuyết phục

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá xăng dầu hiện nay phải “cõng” rất nhiều loại thuế, phí. Nếu tiếp tục tăng thuế môi trường đánh vào xăng dầu sẽ khiến mặt bằng giá tăng. Trong khi đó, lý do đưa ra để tăng giá xăng của Bộ Tài chính chưa thuyết phục và đặc biệt không thể dùng danh nghĩa phí môi trường để thu rồi chi tiêu cho việc khác.

Quả trứng, mớ rau tăng giá theo

Anh Nguyễn Văn Hưng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, gia đình anh có xe tải nhỏ chuyên chở hàng hóa. Trung bình, mỗi tháng chiếc xe tiêu thụ khoảng 1.000 lít xăng dầu. “Chúng tôi kinh doanh xe tải nhỏ phải tiết kiệm nhiều chi phí để có giá cạnh tranh với các hộ kinh doanh khác. Nếu giá xăng tăng, chúng tôi tăng giá dịch vụ vận chuyển theo thì mất khách thuê chở hàng, nếu không tăng giá thì chúng tôi không có lãi”, anh Hưng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến từ năm ngoái. Những người sử dụng phương tiện, nhiên liệu hóa thạch phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ông Thanh kiến nghị, cần có lộ trình, chứ nếu ngay tức khắc đưa lên cao sẽ gây biến động rất lớn và gây cơn sốc về giá đối với giá thành giá cước của vận tải ô tô.

Lý do tăng thuế chưa thuyết phục - 1

Ảnh minh họa: Internet

 “Nếu kỳ này đưa lên kịch trần ngay sẽ gây sốc vì thời gian qua, đầu vào của giá cước vận tải đã tăng nhiều”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, giá nhiên liệu chiếm khoảng 35%-50% giá thành tùy theo từng loại phương tiện, nhiên liệu. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, chắc chắn giá cước sẽ phải tăng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, xăng dầu là mặt hàng quan trọng, tác động mạnh đến mọi mặt hàng sản xuất và tiêu dùng, ảnh hưởng đời sống người dân. Trong bối cảnh hiện nay, năng lực cạnh tranh của ngành, sản phẩm trong nước yếu, nếu tập trung vào xăng dầu nữa sẽ càng khó khăn.

“Theo tính toán của Bộ Tài chính, tăng giá thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ không khiến mặt bằng giá tăng lên nhiều và không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo (vì họ đã có chính sách an sinh xã hội). Nhưng đây mới là lý thuyết do Bộ Tài chính dự báo và chưa toàn diện các mặt tác động. Cần để thực tế trả lời về hệ lụy của việc tăng giá này”, ông Long nói.

 “Trong 2 năm qua, nước ta kiểm soát lạm phát nhờ giá xăng dầu giảm mạnh. Nếu tăng thuế làm tăng giá xăng sẽ khiến lạm phát tăng. Tôi cho rằng, Bộ Tài chính nên thận trọng, tìm phương án khác thay thế phương án tăng thuế môi trường cho xăng dầu”, ông Long kiến nghị.

Xăng, dầu “cõng” nhiều thuế, phí

Theo thống kê, hiện 1 lít xăng phải chịu nhiều loại thuế, phí như: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường; Chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn... Tổng các loại thuế, phí hiện chiếm khoảng 8.500 đồng/lít xăng. Nếu thuế bảo vệ môi trường tăng lên 1.000 đồng/lít thì xăng tăng giá sẽ khiến chi phí toàn xã hội bị đẩy lên.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Bộ Tài chính chịu nhiều sức ép vì thuế nhập khẩu về 0% khiến hụt thu ngân sách cao. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính phải tìm kiếm các nguồn thu. Một trong những nguồn thu dễ dàng và có thể thu được ngay là tăng thuế, phí xăng dầu.

“Gọi là thuế môi trường nhưng thực sự không chi cho môi trường. Bộ Tài chính cần giải trình điều này rõ ràng, chính danh và minh bạch. Nếu dùng danh nghĩa phí môi trường mà không chi cho môi trường thì vấn đề này cần báo cáo Quốc hội, vì không thể dùng danh nghĩa phí môi trường để chi tiêu cho việc khác”, ông Doanh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nga (Tiền phong)
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN