Luật Đầu tư sửa đổi: Cấm 6 hoạt động đầu tư, kinh doanh
Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) với 6 hoạt động đầu tư kinh doanh bị cấm như kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người...
Ngày 26/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư sửa đổi với đa số phiếu tán thành. Điểm mới của dự thảo luật lần này là việc thay vì quy định theo hướng “chọn-cho”, nghĩa là cái gì “cho” thì ghi trong luật, đã thay đổi theo hướng “chọn-bỏ” (những gì cấm, không được phép làm) thì mới ghi vào luật.
Sau khi xem xét, cân nhắc Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Ảnh minh họa
Luật cũng sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Sau khi xem xét, cân nhắc Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh gồm: kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người...
Luật cũng cấm các hoạt động kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại luật; kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại luật; kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại phụ lục 3 của luật này.
Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, có ý kiến đề nghị quy định rõ những trường hợp nào phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và những trường hợp nào được thực hiện hoạt động kinh doanh khi có đủ điều kiện.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ hệ thống và công bố các điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề quy định tại phụ lục 4.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, điều kiện kinh doanh là các yêu cầu cần thiết để bảo đảm cho hoạt động bình thường mà không bị pháp luật cấm; còn các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được hiểu là hạn chế quyền tự do đầu tư kinh doanh, do đó cần quy định trong luật nhằm bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng như dự thảo luật.
Để tăng cường tính công khai minh bạch của các chính sách pháp luật tạo điều kiện cho nhà đầu tư tự quyết định hoạt động của mình, dự thảo luật đã quy định rõ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại phụ lục 4 kèm theo.
Hiện nay, nước ta đang cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thiểu hình thức cấp phép để chuyển sang áp dụng chủ yếu hình thức ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để nhà đầu tư tự đăng ký thực hiện và cơ quan quản lý tiến hành hậu kiểm.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng đã quy định nguyên tắc về điều kiện đầu tư kinh doanh của ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải bảo đảm tính minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.
Căn cứ vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại luật này, Chính phủ sẽ tập hợp và công bố công khai trên cổng thông tin doanh nghiệp các điều kiện đầu tư áp dụng đối với cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Tại hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về quy định về ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư sửa đổi, ngày 9/9/2014, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) băn khoăn về quy định cấm kinh doanh mại dâm. Ông cho rằng: “Hệ thống pháp luật của chúng ta không thừa nhận mại dâm là một nghề, không công nhận mại dâm là lĩnh vực kinh doanh. Chúng ta không thừa nhận nên không thể cấm, nếu chúng ta cấm mại dâm thì chẳng khác gì gián tiếp thừa nhận mại dâm là một nghề, là lĩnh vực kinh doanh”. |