Lợn hơi HN rớt giá: Người nuôi lao đao vì chạy theo “sốt ảo”

Giá thịt lợn giảm mạnh trong thời gian gần đây. Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính là do Trung Quốc ngừng nhập khẩu mặt hàng này. Việc giá thịt lợn giảm đột ngột đã ảnh hưởng trực tiếp đến người nuôi, đồng thời người tiêu dùng cũng thêm mối lo giá rẻ có thể chất lượng sẽ tồi(!).

Lợn hơi HN rớt giá: Người nuôi lao đao vì chạy theo “sốt ảo” - 1

Lợn xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: T.L

Giật mình với thịt đông lạnh giá siêu rẻ

Câu chuyện thịt lợn giá rẻ bắt đầu khi thời gian gần đây xuất hiện nhiều điểm bán thịt lợn giá thấp bất ngờ. Tại chợ đầu mối Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội), theo tìm hiểu của chúng tôi vẫn có thịt lợn giá siêu rẻ với giá buôn từ 30.000 – 50.000 đồng/kg tùy loại. Tại một quầy hàng chuyên thịt đông lạnh, những bọc thịt lợn xay đã được cất trong túi nilon để trong thùng, được đậy bằng các lớp vải để ủ lạnh. Những túi, tảng thịt lạnh ngắt vẫn chảy nước khi để tiếp xúc với không khí bên ngoài.

Một người bán hàng bên cạnh cho biết, thịt lợn đã được giết mổ ở đâu không biết và được vận chuyển về từ nhiều ngày trước đó. So sánh giá thịt đông lạnh với loại thịt tươi sống, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự chênh lệch khá xa nhau. Đối với loại thịt nạc ngon được bày bán trên thị trường là 100.000 đồng/kg, thịt đông lạnh chỉ với giá 45.000 – 50.000 đồng/kg. So với hàng nhập của các cửa hàng khác, thịt lợn đông lạnh có giá trung bình rẻ hơn từ 1,5 - 2 lần bình thường. Tuy vậy, khi tiếp chuyện với chúng tôi trong vai khách hàng đi tìm nguồn hàng mở quán ăn, chủ cửa hàng vẫn cam kết rằng “thịt thơm ngon, không có vấn đề”.

Giá lợn giảm theo ngày

Tại thị trường phía Bắc, giá thịt lợn hơi những ngày này dao động từ 50.000 - 52.000 đồng/kg, giảm 6.000 - 7.000 đồng/kg so với mức giá trung bình từ nhiều tháng trước. Nhiều chủ trang trại nuôi lợn lớn ở Hoài Đức (Hà Nội), Bình Lục (Hà Nam) cho biết, từ cuối tháng 6 các thương lái Trung Quốc đã rút dần, cho đến giữa tháng 7 này thì vắng bóng hẳn. Điều đó đẩy giá lợn rớt giá theo ngày.

Ông Nguyễn Bình, một chủ nuôi lợn ở huyện Hoài Đức cho biết: “Lợn hơi những tháng trước luôn ổn định từ 55.000 đồng/kg trở lên, nhưng hiện tại chỉ dao động từ 50.000 đồng/kg hoặc nhỉnh hơn chút ít. Trong khi giá thức ăn đã tăng 2 lần liên tục chỉ trong một thời gian ngắn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi, đặc biệt những chủ trang trại lớn. Tất nhiên giá thịt lợn xuống thấp, thương lái cũng chẳng ảnh hưởng gì”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số chủ trại lợn ở huyện Bình Lục, phải bán tháo cả xe lợn với giá rẻ, chấp nhận lỗ hàng trăm triệu đồng vì ù ứ ở cửa khẩu nhiều ngày mà “không thấy phía Trung Quốc sang mua”.

Theo ông Bình, một trong những nguyên nhân lớn đợt này thịt lợn vừa rẻ, vừa xuất hiện nhiều hàng ôi thiu bởi hàng trăm xe tải lợn nối đuôi nhau tập kết ở cửa khẩu. Lợn bị giảm trọng lượng, mỗi con mất 5 - 10kg, nhiều con còn bị chết nên đành bán rẻ ở Quảng Ninh để vớt vát. Số thịt lợn đó được tuồn ngược về những thị trường tiêu thụ lớn, trong đó có Hà Nội.

Nói dùng thuốc “kích phọt” là không có căn cứ

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Toàn, nhà phân phối thức ăn chăn nuôi của Thái Lan cho thị trường Bắc miền Trung nhận định, việc giá lợn sụt giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người chăn nuôi, đặc biệt là những ông chủ trang trại quy mô lớn. Tuy nhiên, “với giá thịt lợn hơi xuống 50.000 đồng/kg, người nuôi vẫn không lỗ nếu tính toán bình thường khi thị trường không có đột biến về giá”, ông Toàn cho hay.

Ông Toàn nhận định, nguyên nhân giá thịt lợn xuống thấp là do thị trường Trung Quốc ngừng nhập khẩu mặt hàng này. “Nhận định nguyên nhân là do người nuôi làm cho lợn dùng thuốc kích phọt đến mức tác động giá giảm là thiếu căn cứ”, ông Toàn khẳng định. Bên cạnh đó, theo thông tin của nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi này, sắp tới giá thức ăn nhiều khả năng tăng 3%. Trong khi giá thịt lợn bán ra giảm là một trong những khó khăn không nhỏ đối với người chăn nuôi.

Anh Hồ Anh Tuấn, người chăn nuôi ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) nhẩm tính: “Đối với người nuôi nhỏ lẻ, tiền giống mỗi con 7kg, giá 1,7 triệu đồng. Nuôi 4 tháng khoảng 8 bao thức ăn (2 tạ) hết 2,1 triệu đồng cho lợn nặng khoảng 1 tạ, bán ra hơn 5 triệu đồng. Trừ chi phí, kể cả tiền tiêm phòng dịch, người nuôi lời khoảng 1,2 triệu đồng/con. Số tiền đó chia cho 4 tháng thì quá bèo bọt. Những người nuôi số lượng lớn thì gặp những vấn đề bất ổn về giá. Nói chung, người chăn nuôi như… đánh bạc”.

Theo tính toán của anh Tuấn thì với giá lợn hiện tại, người nuôi đang lấy công làm lãi.

Nhưng vậy thêm lần nữa, thương lái Trung Quốc lại làm khổ người chăn nuôi Việt. Trước sự ồ ạt của việc thu mua, người chăn nuôi đã ồ ạt tăng đàn, thậm chí nhiều người đã mua thêm đất, xây thêm chuồng trại làm ảnh hưởng không chỉ đến doanh thu mà còn không đảm bảo yêu cầu vệ sinh dịch bệnh và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Thương lái Trung Quốc tạo cơn sốt lợn

Tháng 3 và 4/2016, việc thu mua buôn bán lợn mỡ sống qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Cao Bằng tăng đột biến do các thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua. Ghi nhận thời điểm đó, mỗi ngày có khoảng 50 đến 100 xe tải, cao điểm tới 300 xe chở lợn giao cho thương lái Trung Quốc. Mỗi xe khoảng 15 - 17 tấn, chở 150 - 155 con. Người chăn nuôi trong tháng 3, tháng 4 và đầu tháng 5/2016 đã có lãi 1-1,2 triệu đồng/con lợn mỡ, thậm chí có lúc thu lãi 1,5 triệu đồng/con; người thu gom, vận chuyển lợn lãi 15 - 17 triệu đồng/xe lợn.

Sợ lợn giảm giá chất lượng khó đảm bảo

Nghe thông tin thịt lợn hơi lại giảm giá, tôi thấy lo lắm vì người chăn nuôi sợ thua lỗ lại làm liều, tính chuyện nuôi nhanh để xuất chuồng. Nuôi nhanh thì chỉ có nuôi bằng chất cấm, thuốc “kích phọt” đi chợ mua thịt cứ lo nơm nớp. Có vài chỗ bán thịt quen, chủ quầy khẳng định thịt lợn được kiểm dịch, tôi yên tâm một phần nhưng con dấu xanh kiểm dịch chỉ khẳng định là gia súc không bị bệnh, không bị chết, chứ không đảm bảo gia súc có tồn dư chất cấm hay không. Muốn biết gia súc có bị cho ăn nhiều chất kháng sinh bổ sung trong thức ăn chăn nuôi hay không thì kiểm dịch lâm sàng không phát hiện được mà phải kiểm nghiệm. Vì vậy, đi chợ mua thịt, tôi cứ phải vận dụng mọi kinh nghiệm, trí thông minh để chọn cho chuẩn, một người dân ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.Phương (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN