Lọc dầu Nghi Sơn lo lỗ ngàn tỉ
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoàn toàn có thể không lâm vào tình trạng lỗ nếu như biết đầu tư mạnh cho mảng hóa dầu
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Khu Kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) vận hành thương mại vào năm 2017 và đạt công suất tối đa vào năm 2018, nguồn cung trên thị trường sẽ được tăng cường thêm 9,6 triệu tấn. Tuy nhiên, do không cạnh tranh được về giá nên nguy cơ thua lỗ của nhà máy là khó tranh khỏi.
PVN gánh lỗ 2.500 tỉ đồng/năm?
Tại báo cáo mới nhất, PVN cho biết với vai trò là đơn vị thay mặt Chính phủ thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu cho dự án lọc dầu Nghi Sơn trong suốt thời gian ưu đãi, ngay khi nhà máy này đi vào vận hành thương mại, số tiền tập đoàn phải thanh toán cho nhà máy là rất lớn.
Cụ thể, căn cứ theo lộ trình cam kết của Chính phủ, trên cơ sở giả định giá dầu thô WTI là 75 USD/thùng thì chênh lệch thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm xăng dầu khoảng 65.000 tỉ đồng, trong đó có 7.000 tỉ đồng thanh toán cho nghĩa vụ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT phát sinh trên số tiền chênh lệch thuế. Chênh lệch thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm hóa dầu mà nhà máy bán cho bên thứ ba khoảng 10.000 tỉ đồng. Như vậy, tổng cộng khoảng 75.000 tỉ đồng.
Một tính toán khác cũng cho thấy về cơ bản, khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, PVN sẽ phải bù lỗ bình quân từ 80-110 triệu USD/năm, tương đương khoảng 1.800-2.500 tỉ đồng/năm; chưa tính đến khoản hỗ trợ trực tiếp để đầu tư các hạng mục công trình bên trong là 3.833 tỉ đồng.
Điều đáng nói, mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho các nhà máy lọc dầu trong nước lại cao hơn xăng dầu nhập khẩu, kéo theo giá bán cũng cao hơn. Khi đó, việc tiêu thụ sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn sẽ rất khó khăn do không cạnh tranh được về giá. Đặc biệt là quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu không bắt buộc các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước.
Do đó, PVN đã từng kiến nghị trên cơ sở cân đối cung cầu, chỉ cấp hạn ngạch (quota) nhập khẩu sau khi cân đối bảo đảm tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước như Nghi Sơn và Dung Quất để bảo đảm cho các nhà máy lọc dầu này được tiêu thụ an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối bởi nó đi ngược lại với các cam kết hội nhập của Việt Nam, thậm chí có thể dẫn đến việc vi phạm các cam kết quốc tế.
Để tháo gỡ khó khăn, Bộ Công Thương từng chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ưu tiên tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của lọc dầu Nghi Sơn thông qua ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm trên nguyên tắc giá cả thị trường với PVN. Dù vậy, đây vẫn chưa phải là giải pháp lâu dài và không phù hợp với nguyên tắc thị trường cần thiết.
Một góc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Ảnh: Tuấn Minh
Hóa dầu: Lối thoát!
Dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn còn dự kiến xuất khẩu một số phẩm hóa dầu như: lưu huỳnh 0,25 triệu tấn/năm, benzen 0,25 triệu tấn/năm, paraxelen 0,69 triệu tấn/năm và prolypylene 0,19 triệu tấn/năm. Tổng cộng, các sản phẩm hóa dầu xuất khẩu đạt khoảng 1,37 triệu tấn/năm. Phần xuất khẩu này sẽ không phải chịu thuế xuất khẩu.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), cho rằng chính phần sản phẩm hóa dầu nêu trên mới là đường ra cho các dự án nhà máy lọc dầu tại Việt Nam. Thực tế, trên thế giới, việc lựa chọn đặt các nhà máy lọc dầu tại một địa điểm nào đó chỉ có ý nghĩa về mặt địa lý giao thương chứ không phải vì lợi thế hay lợi ích từ lọc dầu.
Ông Ngãi đánh giá: “Làm lọc dầu thực ra không có lãi, ngay cả các dự án được đầu tư ở các nước khác trên thế giới cũng vậy. Việt Nam tiêu thụ sản phẩm lọc dầu chỉ có mức độ nhất định thôi, hiện đã có Dung Quất rồi nên Nghi Sơn là một bài toán khó” - ông Ngãi nói.
Chưa kể đến, Việt Nam thực tế không có thế mạnh về dầu thô để khai thác bởi các dự án đều phải nhập dầu thô về để chế biến, cụ thể như dự án này nhập dầu thô từ Kuwait. Như thế, lọc dầu sẽ không thể có giá hợp lý cũng như chất lượng vượt trội để có thể cạnh tranh được với xăng dầu nhập khẩu thuế thấp, chất lượng tốt.
Tuy nhiên, theo chủ tịch VEA, ngành lọc hóa dầu hiện đang “ăn” ở chuỗi hóa dầu, tức là các chất phụ gia sau lọc dầu sẽ thông qua hóa dầu như sản xuất ra nhựa đường, polyme, sợi dệt vải… Ông Ngãi dẫn chứng trên thế giới có những nhà máy lọc hóa dầu sản xuất hạt polyme tiêu thụ trên toàn cầu, lợi nhuận mỗi năm đạt hàng tỉ USD, như Đài Loan là một ví dụ.
Theo ông Ngãi, các nhà máy lọc dầu sẽ không bao giờ lỗ nếu như chủ đầu tư biết định hướng đúng theo ngành hóa dầu, bởi lẽ, ngành hóa dầu trong nước còn rất non kém, nhiều dư địa để phát triển. “Vấn đề là đối với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, 2 nhà đầu tư chính là Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật) và Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (Kuwait) phải có chiến lược xác định hóa dầu là một mục tiêu chính, sau đó xem xét chọn công nghệ nào, đầu tư ở mức độ nào, đầu ra ra sao…” - ông Ngãi góp ý.
Dự án 189.000 tỉ đồng Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 14-4-2008 do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn thực hiện. Công ty này là liên doanh gồm 4 thành viên: Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật) và Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (Kuwait) góp vốn mỗi bên 35,1%; PVN nắm 25,1% và một đối tác Nhật khác là Hóa chất Mitsui góp 4,7%. Dự án có tổng vốn đầu tư 189.000 tỉ đồng, tương đương 9 tỉ USD với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm (200.000 thùng/ngày). Nguyên liệu cơ bản là dầu thô nhập khẩu từ Kuwait. |