Lo ngại cước vận tải tăng theo giá xăng
Sau 4 lần liên tiếp tăng giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp có phương án tăng cước vận tải. Dù cơ quan quản lý chưa đồng ý, nhưng cước vận tải sẽ khó đứng yên khi giá xăng dầu tiếp tục tăng.
Nhiều doanh nghiệp vận tải đang tính toán tăng giá cước khi giá xăng dầu liên tục tăng thời gian qua - Ảnh: Hữu Khoa
Đã bác bỏ một số phương án tăng giá cước
Liên Bộ Tài chính - Công thương chiều 5/9 đã quyết định tăng giá xăng RON 92 thêm 306 đồng/lít; xăng E5 tăng 285 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 155 đồng/lít; dầu hỏa tăng 149 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 43 đồng/kg. Như vậy, tính từ 15h ngày 5/9, giá xăng RON 92 chạm mức 17.792 đồng/lít; xăng E5 17.539 đồng/lít; dầu diesel 0.05S 13.950 đồng/lít; dầu hỏa 12.547 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S là 11.148 đồng/kg.
Đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp của giá xăng với tổng mức tăng 1.777 đồng/lít (tương đương tăng 10,8%). Như vậy, tính từ đầu năm, với 7 lần tăng giá (thêm 2.934 đồng/lít) và 7 lần giảm giá xăng (bớt được 2.682 đồng/lít), 3 kỳ điều chỉnh giữ nguyên giá, giá xăng đã tăng thêm 261 đồng.
Còn với dầu diesel, sau 5 lần điều chỉnh gần đây nhất (4 lần tăng, 1 lần giữ nguyên), giá dầu diesel cũng tăng mạnh 1.115 đồng/lít. Từ đầu năm tới nay, giá dầu diesel có 9 lần tăng (2.639 đồng/lít) và 6 lần giảm (2.212 đồng/lít), tính chung đã tăng thêm 247 đồng/lít kể từ đầu năm.
Đáng chú ý, hiện xăng đã tăng 10,8% trong 4 lần điều chỉnh liên tiếp như đã nói ở trên và dầu diesel tăng 8,6% cũng đã đủ lớn để các doanh nghiệp vận tải đăng ký tăng giá cước. Điều này dấy lên lo ngại về một đợt tăng giá cước vận tải mới để bù đắp chi phí đầu vào do xăng dầu tăng giá.
Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong tháng 7 và 8 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã nhận được một số văn bản trình phương án tăng giá nhưng đều bị bác bỏ với lý do: Các đơn vị trên chưa thực hiện đúng theo quy định về phương án tính giá (không thể hiện các chi phí để cấu thành giá, không có cột chi phí tính giá liền kề để so sánh đối chiếu). Trước đó, Sở GTVT đã có Văn bản số 2522 SGTVT-KHTC về việc bình ổn giá cước vận tải hành khách bằng ô tô, nội dung văn bản đề nghị các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố rà soát các chi phí cấu thành giá; không kê khai tăng giá cước, chủ động điều chỉnh giảm giá cước, tổ chức thu giá cước theo đúng phương án đã kê khai, có văn bản và phương án giá gửi về Sở GTVT Hà Nội.
Giá xăng tăng liên tiếp 4 lần kể từ 20/7 - Ảnh: Lưu Thủy
“Thắt lưng buộc bụng” cách nào?
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, theo thông lệ, giá xăng cứ tăng khoảng 5%, các doanh nghiệp vận tải sẽ xem xét lên phương án điều chỉnh giá cước. Sau 4 lần tăng giá liên tiếp, hiện giá xăng đã tăng 10,8%. Tuy nhiên, theo ông Thanh, sở dĩ các doanh nghiệp chưa tăng cước ngay vì còn nghe ngóng. “Trước sức cạnh tranh của các loại hình vận tải phi truyền thống như hiện nay, doanh nghiệp vận tải truyền thống khó có thể công khai phương án tăng giá. Đó là chưa kể mỗi lần trình phương án điều chỉnh giá cước phải trải qua khá nhiều thủ tục”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng bác bỏ khả năng doanh nghiệp vận tải phải “thắt lưng buộc bụng” chịu lỗ. “Không bao giờ doanh nghiệp chịu lỗ. Thay vì công khai tăng giá cước, họ sẽ tìm mọi cách để không phải bù lỗ, trong đó cũng không loại trừ hành vi nhồi nhét khách, tăng tải...”, ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho biết, hiện việc điều chỉnh giá xăng dầu đang theo chu kỳ chỉ có 15 ngày, song các doanh nghiệp vận tải, taxi khó có thể tăng, giảm liên tục theo chu kỳ đó nên phải tính toán dự liệu kế hoạch kinh doanh trong một thời gian nhất định.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GTVT Hà Nội) cũng chia sẻ: Trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, các doanh nghiệp phải giải bài toán cơ cấu chi phí hợp lý, phương án tăng giá liệu có được thị trường chấp nhận hay không? “Giá cước vận tải hiện nay hoàn toàn do thị trường quyết định nên mức giá phải có sức cạnh tranh cả về giá lẫn chất lượng. Trước sự cạnh tranh của các loại hình Uber, Grab..., các hãng taxi truyền thống có thể không công khai tăng giá”, vị đại diện nhận định.
Lo ngại thuế chồng thuế làm tăng giá xăng Thông tin Bộ Tài chính đề xuất tăng mạnh khung Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng lên 8.000 đồng chưa kịp lắng xuống thì Bộ này tiếp tục đề xuất tăng Thuế Giá trị gia tăng (VAT) các mặt hàng thiết yếu (trong đó có mặt hàng xăng, dầu) từ 10% lên 12%. Điều này khiến người dân lo ngại, nếu được Quốc hội thông qua, việc tăng hai loại thuế trên sẽ làm cho giá xăng, dầu tăng mạnh. Giả sử, giá xăng RON A92 sau điều chỉnh chiều ngày 5/9 có giá 17.792 đồng/lít. Nếu Thuế Bảo vệ môi trường tăng từ 3.000 đồng hiện nay lên gấp đôi là 6.000 đồng/lít và thuế VAT tăng từ 10% lên 12% thì giá xăng sẽ tăng thêm hơn 5.113 đồng/lít lên hơn 22.727 đồng/lít. Trao đổi với báo chí mới đây, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) vẫn khẳng định việc tăng khung Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mới chỉ là đề xuất và mới là mức khung. “Còn cụ thể thế nào, Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định”, ông Thi nói. |