Lo mất sân nhà

Sự kiện: Kinh Doanh

Trong nền kinh tế hội nhập, việc nông sản, trái cây Việt xuất khẩu thâm nhập thị trường thế giới, có mặt tại các siêu thị danh tiếng ở châu Âu, Mỹ cùng các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức độ cao không còn gì đáng ngạc nhiên.

Trong nền kinh tế hội nhập, việc nông sản, trái cây Việt xuất khẩu thâm nhập thị trường thế giới, có mặt tại các siêu thị danh tiếng ở châu Âu, Mỹ cùng các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức độ cao không còn gì đáng ngạc nhiên.

Nhưng sau thành tích là lời cảnh báo rất thật và rõ ràng: Nhiều mối nguy đang đe dọa nông sản Việt. Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy, có tới 90% lượng nông sản Việt Nam đang phải mượn danh của nước ngoài để xuất khẩu. Như xuất khẩu hạt tiêu, Việt Nam tự hào giữ vị trí số một thế giới nhưng vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng thế giới biết đến. Lý do: 95% lượng xuất khẩu dưới dạng sơ chế. Nhiều năm nay, Việt Nam được xếp vào danh sách “có số má” thế giới về xuất khẩu lúa gạo nhưng ngay tại thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, tên tuổi các loại gạo Việt vẫn vắng bóng. 

Tương tự, dù thủy sản mỗi năm mang về nhiều tỷ đô la Mỹ, nhưng theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), có tới 90% sản phẩm thủy sản của Việt Nam là xuất khẩu qua trung gian, dưới dạng thô, hoặc gia công cho các thương hiệu của nước ngoài. “Niềm tự hào cá tra”, dù có mặt tại hơn 125 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng chủ yếu mang thương hiệu của các nhà nhập khẩu. Tình cảnh xuất khẩu nhiều nhưng chưa vang danh ở thị trường nước ngoài có ở hầu hết các ngành hàng.

Ở trong nước, sau nhiều năm mải mê đem chuông đi đánh xứ người, nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp giật mình khi nhìn lại toàn bộ khu vực sân nhà đang bị các doanh nghiệp ngoại xâm lấn một cách bài bản. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm, cả nước chi 164 triệu USD (tương đương khoảng 3.720 tỷ đồng) để nhập khẩu rau quả. Năm ngoái, con số này lên tới cả tỷ đô la Mỹ.

“Câu chuyện nhỏ” như rau, hoa quả ngoại, hiện đã xuất hiện ồ ạt trong mọi ngõ ngách của nền kinh tế, từ sạp bán vỉa hè đến chợ truyền thống, trung tâm thương mại, hệ thống chuỗi siêu thị bán lẻ... Việc các tập đoàn bán lẻ Thái thâu tóm 2 đại siêu thị bán lẻ, bán buôn lớn nhất tại Việt Nam là Big C và Metro cùng với việc từ năm 2015 Việt Nam xóa bỏ gần như 100% thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu thông thường từ Thái Lan càng đẩy nhanh việc đưa hàng hóa, hoa quả của nước này vào Việt Nam nhanh hơn, nhiều hơn.

Dự báo, việc nhiều loại rau củ quả, cá, tôm, mực, ca cao, bột và thịt xuất xứ từ Trung Quốc chỉ chịu thuế 0% (từ năm 2018) khi vào thị trường Việt Nam theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) sẽ càng khiến cho hàng hóa Trung Quốc tiếp cận người tiêu dùng trong nước sâu rộng hơn. Sự chậm trễ trong việc tổ chức phòng thủ trên sân nhà, với phần trách nhiệm chính từ Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT, sẽ khiến cho tình trạng nhập siêu với Trung Quốc và các nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới càng trở nên trầm trọng. Bài học làm sao gia tăng giá trị nông sản, hàng hóa Việt sau nhiều năm bàn cãi đến nay vẫn chưa có lời giải trong khi nguy cơ mất sân nhà ngày càng hiện hữu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN