Làm thế nào để trở thành người tiêu dùng thông minh?
Không nên đi mua sắm cùng bạn bè, không chạy theo hàng giảm giá, không mua hàng theo tâm trạng…là những bí quyết giúp bạn “bảo vệ ví tiền”.
1. Mua sắm một mình
Một trong những sai lầm phổ biến khi đi mua sắm khiến bạn dễ “cháy túi” đó là đi theo nhóm. Đi mua đồ cùng bạn bè, người thân chắc chắn sẽ vui nhưng bạn sẽ dễ bị “dụ” mua một vài món đồ chưa thực sự cần thiết. Tâm lý đám đông dễ khiến bạn xiêu lòng trước những thứ đồ người đi cùng xuýt xoa khen ngợi. Và nếu người thân hay bạn bè của bạn có thói quen tiêu xài hoang phí thì khả năng cao bạn cũng sẽ bị nhiễm thói quen không tốt này. Vì thế, để tiết kiệm tiền, hãy hạn chế đi mua sắm cùng người khác, đặc biệt là khi Tết đang tới gần.
2. Cảnh giác với hàng khuyến mại
Cuối năm là thời điểm các cửa hàng và hãng lớn tung ra vô vàn chiêu thức khuyến mại giảm giá, điều này đánh trúng tâm lý ham đồ rẻ của người mua. Nếu là người tiêu dùng thụ động, bạn sẽ rất dễ bị “sập bẫy”. Rất nhiều người tiêu dùng có thói quen thấy hàng giảm giá là mua mà không cân nhắc về giá trị sử dụng của chúng. Hơn thế, việc trà trộn hàng kém chất lượng vào các đợt khuyến mại là rất dễ xảy ra, vì vậy, bạn phải thực sự tỉnh táo, chỉ xem những thứ cần thiết, không lan man, tránh bị “dắt mũi”.
3. Lập danh sách mua sắm
Lập một danh sách những đồ thực sự cần thiết trước khi tới các trung tâm thương mại, khu mua sắm là việc làm vô cùng quan trọng. Nó sẽ giúp bạn tránh mua những thứ chưa cần hoặc quên những thứ cần mua. Ngoài ra, bạn cũng nên tham khảo trước giá cả của các món đồ sắp mua qua mạng, từ đó mang theo một lượng tiền mặt vừa đủ, không nên mang thẻ hoặc quá nhiều tiền để khi lỡ thích một thứ gì đó ngoài kế hoạch, bạn có thể vì thiếu tiền mà dừng lại.
4. So sánh giá của những mặt hàng tương tự
Khi mua hàng, đặc biệt là thực phẩm, bạn nên tập cho mình thói quen so sánh giá của các mặt hàng tương đương. Một hộp bơ hoặc một chai dầu ăn ít tiền chưa chắc đã không tốt bằng loại đắt tiền hơn nó. Bên cạnh đó, mua một thứ có trọng lượng, dung tích lớn bao giờ cũng tiết kiệm hơn những thứ nhỏ lẻ, ví dụ như dầu gội, sữa tắm, bột giặt…Xem xét thật kĩ trước khi quyết định mua sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản “kha khá”.
5. Không mua sắm theo cảm xúc
Không ít người có thói quen mua sắm để giải tỏa căng thẳng, đặc biệt là phái đẹp. Thế nhưng hầu hết lại hối hận với những quyết định ấy khi đã bình tĩnh lại vì các món đồ này chưa thực sự cần hoặc quá lãng phí. Thay vì đi mua sắm khi tâm trạng đang rối bời, bạn có thể lựa chọn những cách giải tỏa khác như: chơi thể thao, xem phim, nghe nhạc, đi bộ… Đó là cách tốt nhất vừa giúp bạn vượt qua khủng hoảng tinh thần vừa không nhanh “cháy túi”.
6. Đừng để quảng cáo hay truyền thông “dắt mũi”
Những lời quảng cáo bao giờ cũng hay ho và gợi trí tò mò cho người tiêu dùng nhằm kích thích mua sắm. Bất kể khi nào, dù là đọc báo, xem phim, nghe nhạc…bạn cũng đều bị “bủa vây” bởi quảng cáo. Những quảng cáo thổi phồng sự thật dễ khiến bạn bị lầm tưởng về giá trị thật của sản phẩm cần mua. Chính vì thế, bạn cần tìm hiểu thông tin một cách kĩ lưỡng, từ nhiều phía, xem các đánh giá của người đã dùng…để tránh “tiền mất tật mang”.
Thêm một điều nữa, bạn không nên tin vào các con số bán hàng mà quảng cáo đưa ra, đặc biệt là tại các kênh tiếp thị. Những lời mời chào như “Chỉ còn 90 sản phẩm cuối cùng”, “Nhanh tay rinh hay 50 mặt hàng cuối”… cũng là một “cái bẫy lớn”, đánh vào tâm lý muốn sở hữu của người mua. Trước bất kì lời mời chào nào, bạn đều nên tỉnh táo